70 năm giải phóng Thủ đô

Điều kiện để cải tạo đô thị

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 6/3, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã có phiên thẩm tra sơ bộ dự thảo Luật Nhà ở...

Kinhtedothi - Ngày 6/3, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã có phiên thẩm tra sơ bộ dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi. Đây là phiên họp mở rộng với sự tham gia của đại diện một số bộ, ngành. Luật Nhà ở sửa đổi đã được đưa vào chương trình của Kỳ họp thứ 7 để lấy ý kiến của Quốc hội và dự kiến thông qua vào kỳ họp cuối năm 2014. Phiên thẩm tra có sự tham gia của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý và Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng.

Tại phiên thẩm tra, vấn đề sở hữu chung cư có thời hạn đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp bởi đây là một điểm mới của dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi. Theo đánh giá của Chính phủ, một trong mười vấn đề còn tồn tại của Luật hiện hành là chưa quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư. Ông Lê Văn Thông - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, cần xử lý các quan hệ liên quan đến quá trình sử dụng nhà chung cư, đặc biệt là định thời hạn nhà ở còn gắn với thời hạn thuê đất. Nếu không có thời hạn thì không thể cải tạo đô thị hiện đại. Cũng vì thế, cải tạo chung cư cũ đang là một "đại" vấn đề. Xử lý sau khi hết thời hạn như thế nào, Nhà nước cần có chính sách, đảm bảo quyền lợi cho người có liên quan, an toàn và thực hiện được mong muốn hiện đại hóa. Theo ông Trần Trọng Hanh - Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cần có điều khoản phân loại nhà ở và phân loại chung cư để làm rõ thế nào là chung cư quá đát.

 
Chung cư B10 Kim Liên sau khi được xây dựng mới. Ảnh: Linh Anh
Chung cư B10 Kim Liên sau khi được xây dựng mới. Ảnh: Linh Anh
Về sự cần thiết quy định thời hạn sử dụng nhà chung cư, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng phân tích, hiện cả nước có khoảng 2.000 chung cư cũ nhưng việc cải tạo, xây dựng mới cực kỳ khó khăn. Bởi vậy, dự thảo Luật đã đưa ra vấn đề sử dụng chung cư có thời hạn.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cơ bản tán thành việc sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở cũng như báo cáo của cơ quan thường trực chuẩn bị, đồng thời lưu ý cơ quan soạn thảo cần quan tâm nhiều hơn đến chính sách, cân đối, quan tâm đúng mức đến các loại nhà ở như nhà ở đô thị, nhà ở nông thôn, quan tâm đến các đối tượng trong xã hội. Phát triển nhà ở thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa nhưng đồng thời không trở lại bao cấp là vấn đề khó. Cần xác định chính sách ưu đãi với nhà ở xã hội ở mức độ nào, với ai, ưu đãi thế nào là vừa phải, nếu không lại trở lại bao cấp. Ông Phan Trung Lý đặt vấn đề, với nhà công vụ, nên phát triển ở mức độ nào, chính sách ra sao; cán bộ bình thường có được hưởng chế độ nhà công vụ hay không?

Vấn đề nhà công vụ cũng được khá nhiều đại biểu đề cập. Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận) cho rằng, nếu phát triển có định hướng nhà công vụ thì rất tốt. Còn phát triển như hiện nay thì chính là sự mất công bằng của xã hội vì chỉ hướng vào số ít, phục vụ cán bộ cao cấp. Nhiều cán bộ cần thuê nhà nhưng Nhà nước chưa quan tâm. Ông Nguyễn Sỹ Cương đặt câu hỏi, có nên để nhà công vụ hay không hay chỉ phát triển nhà cho thuê, tất nhiên là với giá cả phù hợp. Nhà ở công vụ hiện nay là nhà cho thuê với giá "bèo", chỉ mấy trăm ngàn cho một căn hộ, cuối cùng Nhà nước vẫn phải bỏ tiền ngân sách hoàn toàn.

Tại phiên thẩm tra, các đại biểu đồng tình với quan điểm không giao cho cấp huyện quản lý quỹ bảo trì nhà chung cư nhưng giao cho ban quản trị hay giao cho ai cần nghiên cứu thêm. Hiện ngay cả người dân sống trong các khu chung cư cũng có những quan điểm khác nhau về việc giao cho ban quản trị quản lý quỹ bảo trì.
Tại phiên thẩm tra sơ bộ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đại biểu Ngô Văn Minh đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Xây dựng: "Tôi xin hỏi Bộ trưởng là gói 30.000 tỷ đồng cho vay hỗ trợ nhà ở đâu rồi, nếu sử dụng không hiệu quả, đề nghị trả lại cho Quốc hội, cho Chính phủ để làm việc khác?", Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho rằng, với gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, không nên nghĩ rằng phải tiêu cho bằng sạch. Không vì giải quyết chậm mà làm sai đối tượng. Đây không phải là gói để cứu bất động sản mà để cụ thể hóa quan điểm phát triển nhà ở, phục vụ cho người có khó khăn về nhà ở, thu nhập thấp. Gói tín dụng này chưa đạt được mong muốn vì thiếu quỹ nhà. Với 20.000 tỷ đồng (tương đương 70% của gói 30.000 tỷ đồng dành cho cá nhân, hộ gia đình vay) phải giải quyết được cho 40.000 hộ. Bởi vậy, cần có sự vào cuộc của các TP lớn, các địa phương có nhiều khu công nghiệp.