Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Điều nên làm trong ngày lễ Phật đản để mang lại may mắn, bình an

Lan Anh (tổng hợp)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đại lễ Phật đản là một trong những ngày lễ lớn của Phật giáo. Trong ngày Phật đản, bạn cần biết những điều nên làm và kiêng kị sau để mang lại may mắn, bình an.

Phát tâm ăn chay niệm Phật

Với các phật tử, ngày lễ Phật Đản chính là dịp để thể hiện lòng tôn kính, hân hoan đối với sự xuất hiện của đấng Giác Ngộ - Đức Phật Thích Ca. Do đó vào ngày này khuyến khích các gia chủ nên phát tâm ăn chay niệm Phật để sám hối, hưởng phúc khí từ Đức Phật tối cao.

Hơn nữa, ngày rằm cũng là ngày có trường khí biến động mạnh mẽ vậy nên ăn chay niệm Phật cũng là cách gia chủ giữ cho mình thân tâm thanh tịnh, không bị xáo động trước mọi sự việc bất thường.

Điều nên làm trong ngày lễ Phật đản để mang lại may mắn, bình an - Ảnh 1

Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)

Chăm sóc cha mẹ, người thân

Đây là việc nên làm hàng ngày vì người thân của mình là người gần mình nhất. Phước báo lớn nhất của đời người là lòng hiếu thảo. Lúc này càng cần chú ý hơn tới việc chăm sóc nâng đỡ cha mẹ mình.

Giờ tốt thắp hương

Người xưa cho rằng vào ngày này mặt trăng mặt trời nhìn rõ nhau, thấu suốt nhau, soi chiếu vào mọi tâm hồn. Con người trở nên sáng suốt trong sạch, đẩy lùi được mọi đen tối vẩn đục trong lòng.

Nhờ sự thông suốt của mặt trăng, mặt trời, nên thần thánh và tổ tiên ông bà sẽ thông thương với con người, chứng giám cho mọi lòng thành cầu nguyện.

Do đó khi cúng rằm, ngoài việc sửa soạn lễ vật chu tất, gia chủ cần lên hướng đúng giờ đẹp để sợi dây kết nối âm dương được linh ứng, mọi kêu cầu đến được với thần linh gia tiên. Cụ thể vào ngày rằm tháng 4 âm lịch có 2 khung giờ linh nghiệm nhất để các gia chủ thắp hương cầu khấn, đó là giờ Tỵ (9 giờ -11 giờ); giờ Thân (15 giờ -17 giờ).

Vệ sinh nhà cửa, lau bàn thờ sạch sẽ

Vệ sinh làng xóm, nhà cửa, sân vườn, đặc biệt là khu vực bàn thờ thật sạch sẽ vào ngày Lễ Phật Đản chính là một cách thể hiện lòng thành kính của người Phật tử đối với Đức Phật.

Đồng thời, vệ sinh nhà cửa như lột rửa đi những dơ bẩn, xấu xa, giúp con người thanh thản, an tâm hơn.

Đi chùa nghe giảng đạo, phụ giúp nhà chùa làm lễ

Lễ Phật đản là cơ hội để các phật tử đến chùa nghe giảng đạo Phật, điều này giúp tâm hồn được thanh tịnh hơn, thanh lọc những tạp niệm xấu xa trong lòng. Ngoài ra, các phật tử nên góp tay vào việc chuẩn bị dâng hoa, làm lễ,... trong ngày lễ lớn này.

Làm việc thiện nguyện

Không chỉ trong ngày Lễ Phật đản mà bình thường, các phật tử cũng nên làm nhiều việc thiện, giúp đỡ những mảnh đời khó khăn hơn mình. Mùa Phật đản là dịp nhiều người phát tâm làm việc thiện,  không chỉ giúp người khác mà còn giúp bản thân được thanh thản, nhẹ nhõm. dù chỉ là những việc nhỏ nhất.

Tấm lòng thiện nguyện này sẽ làm ấm áp hơn với người cho, người nhận để ai cũng thấy được an vui…

Cúng phóng sinh

Cúng phóng sinh là nét văn hoá tâm linh mang ý nghĩa cao đẹp. Việc này thường diễn ra vào các dịp lễ, tết lớn trong năm, người Việt ta có nghi thức phóng sinh các động vật như chim, cá...

Đây là một thông điệp đầy tính nhân văn, khuyến khích con người sống hướng thượng, hướng thiện và thực hành những lời dạy của Đức Bổn Sư: Không sát sanh hại vật, tôn trọng sự sống của muôn loài......

Những điều kiêng kị vào Lễ Phật đản

Ở nơi thờ tại gia:

- Tối kị đặt bàn thờ Phật thấp hơn bài vị tổ tiên hay thấp hơn bàn thờ gia tiên

- Kỵ để bàn thờ dơ bẩn không được dọn dẹp

- Kỵ dùng tượng Phật (bao gồm tượng tay Phật, đầu Phật) để trang trí, đặt trong phòng ngủ, phòng tắm, phòng bếp có sát sinh mổ rửa động vật chết …

Kiêng khi đi chùa

- Khi đi chùa nên bước vào từ cửa bên, không bước vào cửa chính giữa; đồng thời không dẫm lên bậu cửa, phải bước qua bậu cửa nếu không phạm tội bất kính. Cổng chính vào chùa còn gọi là cổng tam quan, theo quan niệm xưa cửa giữa chỉ dành cho đức Phật, Ngọc đế, Quốc vương. Khi đi qua cổng tam quan vào chùa nên đi vào cửa giả quan (bên phải) và đi ra bằng cửa không quan (bên trái).

- Không để trẻ em chạy loạn tam bảo, nghịch ngợm các đồ tế khí, sờ mó tượng phật… Không được tùy ý làm ồn hoặc nói những lời bất kính đối với phật, thánh, cũng không được có thái độ thiếu cung kính như tùy tiện dùng tay chỉ trỏ vào tượng phật.

- Khi bước đi nên đi lùi, không nên cắt ngang qua mặt những người đang quỳ lạy. Muốn làm lễ thì không nên quỳ phía sau những người đang đứng thắp hương.

- Không dùng miệng thổi tắt hương/nến tuyệt đối tránh việc châm hương sau đó thổi tắt bằng miệng. Hãy nhẹ nhàng dùng tay phẩy nhẹ.

- Không tự ý chụp ảnh hay quay phim tượng phật: Chụp ảnh là điều kiêng kỵ khi đi lễ chùa bởi chùa vốn là nơi thờ Phật, chốn linh thiêng.

- Tuyệt đối không nhét tiền bừa bãi, đặc biệt là rải tiền trên ban thờ, nhét tiền vào tay phật không những không tỏ lòng thành mà đồng tiền bạn mang trong mình, đã qua tay nhiều người còn có thể gây uế tạp sự linh thiêng của tượng phật.

- Nhiều người vẫn có những quan niệm hết sức sai lầm rằng sờ mó, xoa tiền hay chạm vào tượng phật sẽ được nhiều lợi lộc, sức khỏe. Điều này là sai. Những hành vi bất kính như vậy chỉ làm nhiễu loạn không khí thanh tịnh, linh thiêng vốn có nơi cửa phật.

(*) Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo, chiêm nghiệm!