Điều phải đến đã đến

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một dàn cầu thủ trẻ mới ở độ tiềm năng bỗng chốc được coi là những người cứu tinh của nền bóng đá.

Thế nhưng, khi họ phơi bày hết những hạn chế của mình, dư luận mới thấy rằng, đừng bao giờ giao phó sứ mệnh của nền bóng đá lên vai những cầu thủ còn “non hơi sữa”.

Sau trận thua của HAGL, những người yêu mến đội bóng này được dịp nổi đóa vì thông tin cho rằng, ĐTLA giành chiến thắng không phải do họ quá mạnh. Họ thắng vì chơi thứ bóng đá tiểu xảo và bạo lực. Bằng chứng là Công Phượng và các đồng đội liên tục bị đánh nguội khiến không thể chú tâm vào thi đấu. Sau lời trần tình của thầy Giôm, những người ủng hộ dàn sao trẻ của HAGL ngay lập tức thống kê được những lần Công Phượng và các đồng đội bị đánh nguội. Rằng, cứ độ chục phút là người ta lại thấy các cầu thủ HAGL bị ăn đòn của đối phương. Những cái tên bên phía ĐTLA bị cho rằng đã chơi xấu với các ngôi sao trẻ gồm: Tài Em, Chí Công, Quang Thanh vốn dạn dày bản lĩnh trận mạc.

Sau khi bị đối phương tố chơi xấu, đại diện ĐTLA cho rằng, chính họ mới là những người bị xử ép. Trọng tài điều khiển trận đấu đã có những quyết định thiên vị cầu thủ bên phía HAGL. Rằng, cầu thủ ĐTLA không chơi bạo lực và sự đối kháng là điều tất yếu trong bóng đá. Không thể có chuyện, đã vào cuộc chơi thì các cầu thủ ĐTLA phải nương chân cho các ngôi sao trẻ. Bóng đá là cuộc chơi bình đẳng và cầu thủ được phép làm những gì mà luật không cấm.

Hòn bấc quăng đi, hòn chì quăng lại và bên nào cũng có cái lý của mình. Chỉ có điều, đổ lỗi cho đối phương cũng không giúp HAGL thay đổi kết quả trận đấu. Có chăng, thầy Giôm đã làm được điều rất cần lúc này đó là hướng sự chú ý của dư luận vào một hướng khác. Và rằng, đội bóng của ông thất bại không phải do non kém mà vì những yếu tố khách quan tác động.

HAGL đã thất bại. Một thất bại mà dư luận cho rằng, nó là tất yếu khi các cầu thủ trẻ không được dạy cách hòa nhập với môi trường khắc nghiệt như V-League. Sân chơi này vốn đầy rẫy tiểu xảo và nó khác rất xa với những kiến thức trong lò đào tạo trẻ. Ở đó, có nhiều ngôi sao vốn rất biết cách điều chỉnh nhịp độ trận đấu và họ không dành đất cho các cầu thủ HAGL biểu diễn kỹ thuật.

Việc tung các cầu thủ trẻ vốn vừa mới kết thúc khóa đào tạo trẻ vào đấu trường nổi tiếng là khắc nghiệt như V-League là hơi vội vàng. Hay nói đúng hơn, trong suốt quá trình chuẩn bị, BHL đội bóng đã không chuẩn bị kỹ về tâm lý cũng như những biện pháp về chuyên môn để các cầu thủ măng non không cảm thấy bị sốc vì va chạm với các đối thủ dạn dày kinh nghiệm.

Nên nhớ rằng, ĐTLA không phải là đội bóng mạnh ở V-League. Nhiều năm qua, đội bóng này cảm thấy “hài lòng” với mục tiêu trụ hạng. Do không dư dả về tài chính, họ trở thành bến đỗ của những cái tên đã qua thời đỉnh cao phong độ hoặc vẫn còn ở mức vô danh. Một đội bóng như vậy cũng đủ sức khiến HAGL “vỡ ra được nhiều điều” thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra khi các ngôi sao trẻ đối đầu với những đội bóng mạnh như Hà Nội T&T hay Bình Dương.

Bỗng thấy lo cho dàn sao trẻ, bởi nếu không biết cách tìm sự thích ứng với môi trường mới, họ sẽ tụt dốc một cách nhanh chóng. Và khi ấy, từ một đội bóng của hy vọng, họ sẽ gây thất vọng, thậm chí phải rớt hạng thì thật đáng tiếc.