Kinhtedothi - Với Việt Nam, phương châm “vừa hợp tác, vừa đấu tranh” với Trung Quốc có tầm quan trọng đặc biệt, bởi nó liên quan mật thiết và trực tiếp đến điều thiêng liêng nhất.
Gần nửa năm sau phát biểu về quan hệ Việt-Trung trước báo chí quốc tế tại Manila thu hút sự chú ý của dư luận trong nước và thế giới khi ấy, hôm qua (19/11), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trên diễn đàn quan trọng nhất trong nước - Quốc hội, trước đồng bào, cử tri cả nước, đã khái quát một cách cô đọng nhất về phương châm ứng xử với Trung Quốc.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.
Phương châm 6 chữ “Vừa hợp tác, vừa đấu tranh”, được người đứng đầu Chính phủ khẳng định trong một buổi chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội được truyền hình trực tiếp, đã khơi gợi những xúc cảm mạnh mẽ.
Sự quan tâm của báo chí cũng chính là sự quan tâm của nhân dân, của dư luận, ngay lập tức 6 chữ “vừa hợp tác, vừa đấu tranh” đã liên tục xuất hiện trên trang nhất, trang chủ nhiều tờ báo.
Còn nhớ, cách đây đúng nửa năm, ngày 21/5/2014, trả lời phỏng vấn của báo chí quốc tế tại Philippines, Thủ tướng đã khẳng định “Hòa bình, hữu nghị phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó”.
Khi ấy, giàn khoan 981 của Trung Quốc vẫn còn hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Tuyên bố của Thủ tướng đã thể hiện lập trường nhất quán, rõ ràng và kiên định của Việt Nam. Được phát đi khi Thủ tướng đang ở nước ngoài, trước cộng đồng quốc tế, nhưng tuyên bố ấy là lời cổ vũ mạnh mẽ cho nhân dân cả nước và các lực lượng chức năng trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Nay, giàn khoan đã rút, nhưng Biển Đông vẫn chưa lặng sóng, cũng như chưa từng lặng sóng trong hàng chục năm qua. Mới đây, Trung Quốc đã tiến hành các hoạt động cải tạo phi pháp trên bãi Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, mà theo báo chí, là bồi đắp bãi Chữ Thập thành một đảo lớn nhất ở quần đảo Trường Sa.
Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần nêu rõ lập trường của Việt Nam về các vấn đề này. Nhưng, như đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc nhận định sau buổi trả lời chất vấn, sau những diễn biến vừa qua, người dân rất muốn tìm thấy và nhận thức một quan điểm chung, một nhận thức chung. Còn nói như đại biểu Thích Thanh Quyết, cử tri muốn nghe từ chính Thủ tướng.
Thủ tướng cũng không dám nhận đã đáp ứng được yêu cầu về một câu trả lời “ngắn gọn nhất, dễ nghe, dễ hiểu nhất, xúc tích và đầy đủ nhất”. Nhận định đây là “vấn đề khó”, ông tự đánh giá câu trả lời của mình “dễ nhớ nhất nhưng không biết có đầy đủ không”.
Câu trả lời của Thủ tướng có đáp ứng được kỳ vọng hay không, đại biểu Quốc hội, cử tri và đồng bào cả nước sẽ có nhận định xác đáng. Nhưng trước hết, điều đó cho thấy rằng kể từ vụ việc giàn khoan 981, vấn đề Biển Đông chưa bao giờ nguôi ngoai trong tâm tư của Thủ tướng.
Trong các chuyến công du hay tiếp khách nước ngoài của ông, vấn đề Biển Đông thường hay được nhắc đến. Mới nhất, chỉ cách đây vài ngày, trong lịch trình làm việc dày đặc tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN 25, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đã liên tục nhắc đến Biển Đông, khẳng định lập trường của Việt Nam trong vấn đề này. Nói như người xưa, thì Biển Đông quả là “một nỗi đồ hồi” băn khoăn, đau đáu.
“Vừa hợp tác, vừa đấu tranh” là một tuyên bố thẳng thắn và sòng phẳng. Bởi đó là thực tế đã, đang và sẽ diễn ra trong quan hệ Việt-Trung. Nhưng cũng cần lưu ý rằng Việt Nam không chỉ “vừa hợp tác, vừa đấu tranh” với riêng Trung Quốc mà vừa hợp tác vừa đấu tranh với tất cả với các nước. Đây cũng là thực tế đang diễn ra trong quan hệ quốc tế. “Không có đồng minh vĩnh viễn, không có kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích vĩnh viễn” - câu nói này của một chính trị gia nổi tiếng của nước Anh cuối thế kỷ XIX đã được nhắc đến nhiều trong quan hệ quốc tế.
Nói đến đấu tranh, không có nghĩa là chúng ta bác bỏ phương châm 16 chữ, tinh thần 4 tốt trong quan hệ hai nước và như lãnh đạo Việt Nam đã nhiều lần tuyên bố, Việt Nam đặc biệt coi trọng và luôn làm hết sức mình để vun đắp gìn giữ và tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị tốt đẹp với Trung Quốc, Việt Nam luôn chân thành mong muốn cùng Trung Quốc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau.
Bên cạnh việc hợp tác, trong nhiều trường hợp, nhiều vấn đề, Việt Nam cũng phải đấu tranh với Trung Quốc. Chính những hành động đơn phương của Trung Quốc trái với những thỏa thuận đã đạt được, như hạ đặt giàn khoan 981 trái phép, cải tạo phi pháp bãi đá Chữ Thập… và trước đây, dùng vũ lực cưỡng chiếm một số đảo của Việt Nam, đã buộc Việt Nam phải kiên quyết đấu tranh để bảo vệ chủ quyền quốc gia và lợi ích chính đáng của mình phù hợp với luật pháp quốc tế. Nếu Trung Quốc thật tâm, chân thành tôn trọng quan hệ hợp tác với Việt Nam được xác lập trong phương châm 16 chữ, tinh thần 4 tốt, những bất đồng trong quan hệ giữa hai bên sẽ được giải quyết thỏa đáng.
Việt Nam và Trung Quốc sẽ mãi mãi là láng giềng, dù nắng mưa hay bão lũ vẫn là láng giềng. Nhưng với Việt Nam, cũng như các quốc gia khác, độc lập, chủ quyền thiêng liêng phải là ưu tiên cao nhất bởi “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, như lời di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Câu trả lời của Thủ tướng đã khẳng định lập trường của Việt Nam trong quan hệ với Trung Quốc, cũng khẳng định đường lối của Đảng, Nhà nước trước đồng bào cả nước đối với vấn đề về Biển Đông và Trung Quốc. Chúng ta hợp tác cũng vì lợi ích cao nhất của đất nước, đấu tranh cũng vì lợi ích cao nhất của đất nước.