Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Điều tiết mức sinh theo từng vùng: Giải pháp duy trì mức sinh thay thế

Trần Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kết luận Hội nghị T.Ư6 (khóa XII), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra nhiều vấn đề cần phải làm về công tác dân số trong tình hình mới, trong đó chú trọng việc duy trì mức sinh thay thế như hiện nay.

Đây được coi là biện pháp hữu hiệu nhất để giải quyết tình trạng già hóa dân số ở Việt Nam mà không gây bùng nổ dân số.
Cân bằng mức sinh giữa các vùng

Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) Nguyễn Huy Quang cho biết, đây vẫn là một cuộc vận động chính sách không phải là quy định “cứng”, giao cho chính quyền địa phương ở mỗi vùng miền có chính sách phù hợp để thích ứng với địa phương mình. Theo ông Quang, việc duy trì sinh đủ 2 con ở mỗi cặp vợ chồng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, văn hóa xã hội. Sở dĩ Ban Chấp hành T.Ư lựa chọn phương án này là bởi, từ năm 2006 đến nay, Việt Nam đã duy trì tổng tỷ suất sinh ổn định trong khoảng 2 - 2,1 con. Tuy nhiên, mức sinh ở các khu vực không đồng đều. Tại những địa phương nghèo, mức sống thấp thì mức sinh lại cao như: Lai Châu (3,11 con/phụ nữ), Quảng Trị (2,94 con/phụ nữ), Hà Giang (2,93 con/phụ nữ)... Ngược lại, những nơi có mức sống cao thì mức sinh rất thấp, điển hình là TP Hồ Chí Minh (1,45 con/phụ nữ), Bà Rịa - Vũng Tàu (1,56 con/phụ nữ). Tính chung, ở Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, mức sinh chỉ khoảng 1,7 con/phụ nữ.
 Thăm hỏi sản phụ sau khi sinh taih bệnh viện Phụ sản Hà Nội.  Ảnh  Thanh Hải
Cùng với đó, các nguyên nhân tiếp tục làm mức sinh giảm ngày càng tác động mạnh là phát triển và đô thị hóa, vô sinh có xu hướng gia tăng. Mặt khác, theo dự báo của Bộ Y tế, số lượng người cao tuổi sẽ tăng nhanh trong 20 năm tới, từ khoảng 11 người dân mới có 1 người cao tuổi năm 2010 thì năm 2029, cứ 6 người dân sẽ có 1 người cao tuổi. Thời gian quá độ từ “già hóa dân số” sang “dân số già” của Việt Nam chỉ khoảng 18 năm, ngắn hơn rất nhiều so với các quốc gia có trình độ phát triển. “Do vậy, những định hướng của T.Ư lần này chính là sự thay đổi uyển chuyển Pháp lệnh dân số 2003 để ngăn chặn tình trạng già hóa dân số và không xảy ra bùng nổ dân số” - ông Quang nhấn mạnh.

Không để bùng nổ dân số

Theo Giám đốc Trung tâm Dân số quận Ba Đình Trần Thị Tố Tâm, định hướng của T.Ư đúng đắn, phù hợp với điều kiện thực tiễn. Nếu để người dân được đẻ thoải mái, rất có thể Việt Nam một lần nữa phải đối mặt với khủng hoảng dân số. Tuy nhiên bà Tâm phân vân, việc điều chỉnh mức sinh theo từng vùng cần phải rõ ràng vùng ở đây là một tỉnh, TP hay có thể là từng khu vực trong một tỉnh, TP. Bởi chỉ riêng ở Hà Nội, khu vực nội thành đạt mức sinh thay thế từ 1,9 - 2 con/phụ nữ, nhưng tại nhiều huyện, tình trạng sinh con thứ 3 trở lên khá nhiều. Do vậy, trong 1 TP cũng cần phân vùng để có những chính sách dân số hợp lý.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Nguyễn Văn Tân nhấn mạnh, duy trì mức sinh hợp lý nhằm phát huy được các lợi thế. Đó là quy mô dân số sẽ ổn định ở mức thấp hơn, phù hợp với diện tích lãnh thổ; cơ cấu tuổi của dân số sẽ cân bằng hơn, duy trì tương đối ổn định tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động. Bên cạnh đó, sẽ làm chậm lại và có thời gian thích ứng việc chuyển đổi từ giai đoạn già hóa dân số sang dân số già, tạo thêm điều kiện cho sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước trong cả hiện tại và tương lai.