Ngày Thắng đưa Yến về ra mắt, dù không ai hài lòng nhưng vì tôn trọng quyết định của con trai, nên gia đình ông Thông mặc kệ. Do sự thúc giục của con trai, vài tháng sau ông bà Thông đặt vấn đề rồi xin cưới Yến về làm dâu. Là người thâm thúy, trước ngày cưới, ông Thông gọi riêng Thắng vào bảo: Nhìn tướng cái Yến, bố biết con lấy nó về sau sẽ khổ. Tuy nhiên, bố không can thiệp vào chuyện tình cảm cá nhân, lựa chọn là ở con, sướng - hưởng, khổ phải chịu. Như bao thanh niên mới lớn khác, Thắng đã không nghe lời bố…
Ông Thông cho vợ chồng Thắng ở riêng chỉ sau ngày cưới của đôi trẻ này một tháng. Quà mừng cưới, ông bà Thông không đụng đến một đồng; ngoài ra, họ còn sang tên 3 gian nhà cấp 4 (trên mảnh đất 300m2), “sổ đỏ chính chủ” cho vợ chồng Thắng. So với điều kiện ở quê, như vậy đã được gọi là sướng. “Vợ chồng bảo nhau làm ăn, từ nay nước sông không phạm nước giếng”, ông Thông nói với vợ chồng Thắng sau bữa cơm chia tay...
Trước khi về với Thắng, vốn dĩ Yến vẫn chưa có nghề ngỗng gì cho ra hồn, nay làm chỗ này, mai nhảy chỗ kia, hết thợ làm tóc, lại sang công nhân may. Lấy nhau xong, “trong tay đang có tiền”, lại được tự do, vợ Thắng đâm “nản” việc. Ban đầu chỉ lãn công, sau dần thì Yến nghỉ hẳn. Đang trong thời kỳ mật ngọt của hôn nhân, nên Thắng không ép vợ phải đi làm. Vậy là, Yến suốt ngày quanh quẩn với mấy gian nhà, chán thì về bố mẹ đẻ, vì đến bữa có người “hầu”!
Nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang, sau khi 2 đứa con lần lượt ra đời, gia cảnh vợ chồng Thắng Yến bắt đầu “bấn”. Bởi vụng gia chánh nên chuyện cơm nước với Yến chẳng nên hồn; do ăn uống được chăng hay chớ nên 2 đứa con đâm suy dinh dưỡng, nay ốm mai đau; nhà cửa bộn bề dù người phụ nữ luôn hiện diện. Với quan niệm “nước sông không phạm nước giếng”, nên sau khi cho ăn riêng, bố mẹ Thắng cắt mọi liên hệ về kinh tế. Một mình Thắng phải “kéo cày” nuôi vợ con nên bắt đầu nợ nần, ban đầu chỉ là giật nóng, sau chuyển thành “lạnh”...
Cơm áo, gạo tiền, khiến Thắng xoay như đèn cù mà vẫn thiếu trước hụt sau. Sau hơn 10 năm sử dụng, căn nhà cấp 4 được bố mẹ cho ngày nào dần xuống cấp; ban đầu chỉ là những vết ố trên tường, sau dần là mái dột, tường nứt… Ngày nắng còn đỡ, nhưng khi mưa đã phải vận đến vải nhựa che những chỗ dột. Nhiều lúc “bấn” quá đã định quay sang cầu cứu bố mẹ nhưng nghĩ đến câu nói trước kia của ông Thông, Thắng đành rụt vòi.
Cách nay mấy hôm, khi đứa con đầu lòng phải đi viện, trong nhà chẳng còn “kẽm” nào, vay mượn cũng hết cửa, Thắng phải “cầu viện” bố mẹ đẻ. Dẫu kiên quyết đến mấy, nhưng trước tình cảnh cơ cực của Thắng, chính ông Thông là người “ra tay” trước bằng việc cấp ngay cho con trai một khoản để có tiền lo chạy chữa, thuốc men cho cháu nội. Kế đến, ông lại xuất “ngân sách” sửa lại cái nhà đã dột, mua sắm những thứ vật dụng thiết yếu cho gia đình con trai…
Sau hơn 10 năm con trai lấy vợ, ra ở riêng, lần đầu tiên ông Thông “đá xoáy” con trai rằng: “Thứ nhất vợ dại trong nhà, thứ nhì nhà dột, thứ ba nợ đòi”. Số mày “nhọ" nên dính cả ba, lỗi cũng do không nghe lời cha, vậy nên ráng chịu khổ con ạ. Đây là lần đầu, cũng là duy nhất tao “ném phao cứu sinh”… về sau tự bơi con nhé!