Ngày 7/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã cùng Giáo sư Klaus Schwab, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) trao đổi về những xu thế phát triển mới, định hình “kỷ nguyên thông minh”, sự phát triển, triển vọng của Việt Nam trong kỷ nguyên mới và quan hệ hợp tác Việt Nam - WEF.
Vui mừng chào đón Giáo sư Schwab và cộng sự tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ cảm ơn Giáo sư đã nhận lời mời tới thăm Việt Nam và trao đổi, tạo cảm hứng, truyền động lực cho giới trẻ Việt Nam tại Đại học quốc gia Hà Nội với chủ đề “Định vị Việt Nam trong kỷ nguyên thông minh – Tầm nhìn cho thế hệ trẻ”.
Quay trở lại Việt Nam sau 6 năm, Giáo sư Schwab bày tỏ ấn tượng về sự đổi thay và phát triển mạnh mẽ của Việt Nam. Giáo sư đánh giá cao kết quả điều hành của Chính phủ Việt Nam, nhất là duy trì tăng trưởng kinh tế ấn tượng trong những năm qua mặc dù tình hinh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn.
Nhà sáng lập WEF khẳng định với triển vọng cùng những thành tựu kinh tế - xã hội nổi bật, Việt Nam có khả năng trở thành nền kinh tế 2.000 tỷ USD vào năm 2050. Giáo sư Klaus Schwab ấn tượng sâu sắc trước sự năng động, mau chóng bắt kịp xu thế công nghệ thông minh của thế hệ trẻ Việt Nam, cho rằng đây là một trong những lợi thế cạnh tranh lớn Việt Nam cần tiếp tục phát huy để đạt được các mục tiêu phát triển chiến lược.
Tại cuộc tiếp, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao tầm nhìn sâu rộng, chiến lược của Giáo sư Schwab khi sáng lập Diễn đàn Kinh tế Thế giới vào năm 1971. Qua hơn 50 năm, Diễn đàn đã khẳng định vai trò, uy tín hàng đầu trên thế giới, không chỉ khởi xướng, nắm bắt những xu hướng mới toàn cầu mà luôn đi đầu đề xuất những giải pháp tương lai.
Thủ tướng Chính phủ và Giáo sư Schwab bày tỏ vui mừng quan hệ Việt Nam – WEF ngày càng phát triển, đi vào chiều sâu và thực chất hơn. Việc Trung tâm CMCN 4.0 (C4IR) tại TPHCM vừa khánh thành (25/9/2024), tham gia vào mạng lưới 19 Trung tâm CMCN 4.0 của WEF trên toàn cầu và thứ 2 tại Đông Nam Á đã đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam - WEF.
Thủ tướng đề nghị WEF tích cực đồng hành, hợp tác với Việt Nam đưa Trung tâm trở thành một trong những hình mẫu của trong mạng lưới WEF, động lực thúc đẩy ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế. Giáo sư Schwab cảm ơn sự quan tâm của Thủ tướng Chính phủ đối với Trung tâm C4IR, đặc biệt ấn tượng với 20 chữ dành tặng Trung tâm: “Tiên phong, hợp tác, kết nối, số hóa, xanh hóa, thiết thực, hiệu quả, lan tỏa, vì nước, vì dân”.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị Giáo sư Klaus Schwab và WEF tiếp tục kết nối Việt Nam với các tập đoàn, quỹ đầu tư toàn cầu, hỗ trợ thu hút đầu tư chất lượng cao trong các lĩnh vực ưu tiên như công nghệ cao, chuyển đổi năng lượng, kinh tế xanh, phát triển cơ sở hạ tầng bền vững. Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị WEF hỗ trợ Việt Nam phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trẻ phát triển và hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu./.
Giáo sư Klaus Schwab là nhà kinh tế người Đức, là Nhà sáng lập và là Chủ tịch điều hành Diễn đàn kinh tế thế giới từ khi thành lập năm 1971. Ông là người thúc đẩy quan quan điểm toàn cầu, chủ nghĩa đa phương, hợp tác nhiều bên, đẩy mạnh trách nhiệm cộng đồng, xã hội của doanh nghiệp. Giáo sư Klaus Schwab là tác giả của nhiều quyển sách nổi tiếng, trong đó có một số quyển sách định hình khái niệm và nội hàm của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư như Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (năm 2016), Định hình tương lai của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (năm 2018). Giáo sư Klaus Schwab được nhận bằng tiến sĩ và giáo sư danh dự tại nhiều trường đại học trên thế giới, trong đó có Đại học Geneva, Đại học Quốc gia Singapore…