Định hình những ngành kinh tế chủ lực

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 20 năm xây dựng phát triển, đến nay, Hà Nội đã có 8 khu công nghiệp (KCN) hoạt động với quy mô diện tích 1.236ha, tỷ lệ lấp đầy đạt trên 90% diện tích đất công nghiệp; 2 KCN đang xây dựng hạ tầng, diện tích 108ha.

Đến hết tháng 10/2015, các KCN của TP đã thu hút trên 602 dự án (DA), trong đó có 312 DA đầu tư nước ngoài (FDI) với vốn đăng ký trên 4,9 tỷ USD, trên 290 DA đầu tư trong nước với vốn đăng ký trên 11.700 tỷ đồng.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm hỏi công nhân Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội. 	Ảnh: Lý Anh Quý
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm hỏi công nhân Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội. Ảnh: Lý Anh Quý
Việc thu hút đầu tư vào các KCN trên địa bàn không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội chung của Thủ đô mà còn có tác động làm thay đổi cơ cấu ngành theo hướng ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp mới, sản xuất các sản phẩm thiết yếu phục vụ sản xuất công nghiệp và tiêu dùng trong nước, các ngành có hàm lượng chất xám, giá trị gia tăng cao... theo đúng chủ trương mà TP đề ra.

Tạo ưu thế trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Xây dựng phát triển các KCN tập trung là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thực hiện chủ trương này, ngay từ những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, Thành ủy, HĐND và UBND TP Hà Nội coi đây là nhiệm vụ trọng tâm và chỉ đạo thực hiện thông qua chương trình kế hoạch cụ thể xây dựng các KCN tập trung nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước để thúc đẩy phát triển công nghiệp và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Thủ đô. Mặt khác góp phần tăng trưởng kinh tế bền vững theo quy hoạch.

Sau 20 năm, đã có 23 quốc gia và vùng lãnh thổ có DA đầu tư vào các KCN Hà Nội, trong đó Nhật Bản đứng đầu với số vốn đăng ký chiếm 54%, Trung Quốc, Hongkong (Trung Quốc) chiếm 14,8% tổng vốn FDI đăng ký. Nhiều DA có quy mô vốn lớn, từ 100 triệu USD đến hơn 300 triệu USD, sử dụng công nghệ cao của các hãng Canon, Panasonic, Yamaha, Meiko, Young Fast...
Ban Quản lý các KCN và chế xuất Hà Nội được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ (20/11/1995). Trải qua 20 năm xây dựng, trưởng thành với mục tiêu tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, đồng thời thực hiện quản lý theo cơ chế một cửa, một dấu, các KCN Hà Nội đã góp phần đưa Hà Nội trở thành một trong những địa phương đi đầu trong cả nước về xây dựng và phát triển các KCN.
Các KCN đã góp phần không nhỏ vào kết quả chung của TP trong thu hút đầu tư nước ngoài, vào phát triển kinh tế - xã hội. Giai đoạn 2000 - 2005, tổng vốn đầu tư FDI vào các KCN của Hà Nội đạt gần 2 tỷ USD; giai đoạn 2006 - 2010 là gần 2,4 tỷ USD; năm 2015 dự kiến đạt 100 triệu USD.
Với những kết quả đạt được, dịp kỷ niệm 20 năm thành lập, Ban Quản lý các KCN và chế xuất Hà Nội vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì do Chủ tịch nước tặng.

FDI của Hà Nội hiện đang đứng thứ 3/63 tỉnh, thành và đang có xu hướng duy trì đều trong những năm gần đây. Trong tổng số 602 DA đăng ký đầu tư tại các KCN đã có 545 DA đi vào hoạt động tạo ra giá trị doanh thu trong sản xuất công nghiệp bình quân 5 năm gần đây đạt 5 tỷ USD/năm. Cùng với sự gia tăng các nguồn vốn đầu tư, các KCN của Hà Nội cũng đã thu hút những DA lớn với công nghệ mới. Phó trưởng Ban Quản lý các KCN và chế xuất Hà Nội Nguyễn Đức Quang cho biết, cơ cấu vốn đầu tư theo ngành trong các KCN của TP được phân chia: Công nghiệp điện tử chiếm 35%, công nghiệp cơ khí chế tạo 20%, chế tạo khuôn mẫu 10%, các ngành công nghiệp khác (dược phẩm, chế biến nông sản, may mặc, công nghiệp in...) chiếm 35%.

Trong những năm gần đây, mặc dù kinh tế thế giới cũng như trong nước gặp phải những khó khăn nhất định, nhiều DN phải giải thể hoặc phá sản do khó khăn về thị trường, nhưng phần lớn DN hoạt động trong các KCN Hà Nội vẫn duy trì sự ổn định phát triển và đã có những đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách Nhà nước của TP. Mức thu nộp ngân sách hàng năm đạt bình quân gần 110 triệu USD. Bên cạnh việc gia tăng giá trị hàng hóa xuất khẩu (bình quân đạt gần 3 tỷ USD/năm với các sản phẩm chủ yếu là công nghiệp điện tử, cơ khí, khuôn mẫu...), các DN trong KCN cũng góp phần hạn chế nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng như các sản phẩm điện tử của các hãng Canon, Panasonic; thiết bị nội thất; hạn chế nhập khẩu, tăng tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm phụ tùng ô tô, xe máy, máy công cụ... DN trong các KCN của TP cũng đã tạo việc làm trực tiếp cho hơn 14 vạn lao động với mức thu nhập ổn định; Gián tiếp tạo việc làm cho hàng chục ngàn lao động trong các hoạt động dịch vụ khác như các công ty tư vấn về đầu tư xây dựng, về môi trường, kinh doanh cho thuê nhà ở, văn phòng đại diện...

Và những định hướng

“Tập trung huy động thu hút nhà đầu tư phát triển các khu - cụm công nghiệp hiện có. Ưu tiên các DA đầu tư có quy mô lớn, ít thâm dụng lao động, sản xuất sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, công nghệ sạch, tạo giá trị gia tăng cao và thân thiện môi trường…” là những định hướng cơ bản của Hà Nội trong việc thu hút đầu tư vào các KCN trên địa bàn TP thời gian tới. Ông Phạm Khắc Tuấn - Trưởng ban Quản lý các KCN và chế xuất Hà Nội nhấn mạnh, trong thời gian tới, Ban sẽ tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh việc quy hoạch xây dựng phát triển các KCN theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, tập trung vào một số ngành nghề ưu tiên như: Công nghiệp phụ trợ thuộc các lĩnh vực điện tử, công nghệ thông tin, cơ khí chế tạo khuôn mẫu, các ngành nghề công nghệ cao, vật liệu mới, công nghệ sinh học, y tế, dược phẩm…

Để thu hút những DA đầu tư theo định hướng trên, trong thời gian tới, TP tiếp tục đẩy mạnh đầu tư xây dựng hạ tầng các KCN: KCN hỗ trợ Nam Hà Nội, giai đoạn I diện tích 440ha; Khu công viên công nghệ thông tin diện tích 36ha; Khu công nghệ cao sinh học Từ Liêm diện tích 200ha; KCN sạch Sóc Sơn diện tích 340ha là KCN sạch thu hút các DA ít gây ô nhiễm môi trường; KCN Đông Anh diện tích 300ha thu hút các DA công nghiệp công nghệ cao… Các DA phát triển KCN được đảm bảo kết nối đồng bộ với các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phục vụ nhu cầu người lao động trong KCN và bộ phận dân cư xung quanh.

Cũng theo ông Tuấn, bên cạnh việc xây dựng phát triển các KCN mới, Ban Quản lý tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đầu tư và hoạt động sản xuất, kinh doanh đối với các KCN đang hoạt động, thường xuyên theo dõi nắm bắt tiến độ triển khai thực hiện DA, kịp thời hỗ trợ DN giải quyết những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai để DA đảm bảo tiến độ thời gian đi vào hoạt động; Tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý Nhà nước, tiếp tục thực hiện cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong quản lý, tạo điều kiện thông thoáng cho các nhà đầu tư giảm chi phí, thời gian tối đa thực hiện các thủ tục hành chính…

Với mục tiêu định hướng như trên, các KCN Hà Nội đã sẵn sàng đón nhận các làn sóng đầu tư mới góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô trong quá trình hội nhập ngày một sâu, rộng hơn.q
Các KCN điển hình của Hà Nội đã và đang được đầu tư xây dựng
1. KCN Thăng Long: Tổng diện tích 274ha, với tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng 90 triệu USD. Đã có 99 DA đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư 2528 triệu USD.
2. KCN Nội Bài: Tổng diện tích 114ha, tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng 35 triệu USD. Đã có 43 DA đầu tư, trong đó có 2 DA đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư 34 tỷ đồng và 41 DA đầu tư nước ngoài, tổng vốn đầu tư 563 triệu USD.
3. KCN Phú Nghĩa: Tổng diện tích giai đoạn I là 170ha, tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng 400 tỷ đồng. Hiện đã có 54 DA đầu tư, trong đó có 43 DA đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư 940 tỷ đồng và 17 DA đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư 117 triệu USD.
Chủ đầu tư KCN Phú Nghĩa đã triển khai thực hiện đầu tư xây dựng khu nhà ở công nhân nhằm đáp ứng yêu cầu của người lao động.
4. KCN hỗ trợ Nam Hà Nội (huyện Phú Xuyên): Diện tích quy hoạch 440ha, trong đó giai đoạn I (đã khởi công xây dựng) diện tích 72ha; Tổng mức đăng ký đầu tư 1.570 tỷ đồng. Dự kiến quý I/2016 đi vào hoạt động thu hút đầu tư các ngành công nghiệp phụ trợ thuộc các lĩnh vực cơ khí chế tạo, điện tử...
5. Khu Công viên Công nghệ thông tin Hà Nội (quận Long Biên) diện tích 36ha. Chủ đầu tư hạ tầng là Công ty CP Xây dựng Him Lam, vốn đăng ký đầu tư 2.600 tỷ đồng. Hiện đã có 4 DA đầu tư nước ngoài đăng ký đầu tư với vốn đăng ký 202 triệu USD. Trong thời gian tới tiếp tục thu hút đầu tư các DA thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin...