Tạo thêm sân chơi qua các giải đấu
Các môn thể thao như trượt băng nghệ thuật, bóng chày, triathlon hay pơerlifting tại Việt Nam không nhiều người biết và am hiểu. Số lượng người tham gia chưa nhiều, các bộ môn hoạt động theo mô hình phong trào. Tại Hà Nội, các bộ môn dần được quan tâm và phát triển, thu hút được lượng người đam mê. Đơn cử, powerlifting - bộ môn thi đấu sức mạnh, trong đó các thi sinh sẽ thực hiện lần lượt 3 bài thi Squat (gánh tạ), Bench Press (đẩy tạ), Deadlift (kéo tạ). Ở lần thứ 3 tổ chức và mới kết thúc tại Hà Nội, bộ môn có số vận động viên tham gia thi đấu đông nhất từ trước đến nay, với hơn 130 VĐV đến từ 23 tỉnh, TP trên cả nước.
Theo Chủ tịch Liên đoàn powerlifting Việt Nam Nguyễn Diệu Linh, powerlifting rất phát triển ở Mỹ, Anh, Nga… Cách đây 5 năm, bộ môn bắt đầu phát triển ở Hà Nội và thu hút hàng nghìn bạn trẻ yêu thích, tập luyện.
Giải vô địch quốc gia trượt băng nghệ thuật trong lần đầu tổ chức thu hút 17 vận động viên tham gia thi đấu các nội dung theo nhóm tuổi. Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Trượt băng và Roller Việt Nam (SFV) Mai Khắc Thọ cho biết, trượt băng nghệ thuật là môn thể thao còn mới, rất ít người tập luyện, gần như chỉ có vận động viên tại các TP lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng tham gia. “Dù gặp rất nhiều khó khăn về kinh phí và điều kiện tập luyện, song SFV vẫn quyết tâm tổ chức Giải vô địch quốc gia để các vận động viên có thêm sân chơi, trình diễn chính thức theo hướng chuyên nghiệp” – ông Mai Khắc Thọ chia sẻ.
Thi đấu rộng rãi ở các giải phong trào nhưng lần đầu tiên môn triathlon (ba môn thể thao phối hợp: Bơi lội, đạp xe, chạy bộ) được đưa vào chương trình thi đấu chính thức tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022.
“Việc có tên trong danh sách các môn thi đấu tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX là động lực để phát triển thêm ở bộ môn, nhiều đơn vị đã đầu tư mạnh cho vận động viên nòng cốt. Nhiều vận động viên từng là tuyển thủ các môn bơi, điền kinh và đạp xe đã chuyển sang tập luyện, thi đấu chuyên nghiệp môn triathlon” - Phụ trách bộ môn triathlon (Tổng cục TDTT) Nguyễn Thị Phương chia sẻ.
Định hướng phát triển lâu dài
Cũng như những môn thể thao trọng nằm trong hệ thống quốc gia, việc duy trì và phát triển lâu dài luôn gặp khó khăn. Năm 2018, Liên đoàn Trượt băng Việt Nam được thành lập nhưng chưa có nhiều hoạt động. Đến năm 2021 được đổi tên thành Liên đoàn Trượt băng và Roller Việt Nam, đặt mục tiêu phát triển rộng rãi, tạo điều kiện tốt nhất để VĐV trượt băng của Việt Nam có cơ hội thi đấu, cọ sát. Tuy nhiên, đây là bài toán không dễ khi Việt Nam đặc thù là một nước thuộc xứ sở nhiệt đới, không có nhiều điều kiện để phát triển thành một môn thể thao chuyên nghiệp. Sau nhiều cố gắng, Giải Trượt băng nghệ thuật vô địch quốc gia đầu tiên được tổ chức, đây là động lực hướng đến sự phát lâu dài sau nhiều thách thức.
“Liên đoàn cùng Tổng cục TDTT, Sở VH&TT Hà Nội nỗ lực tổ chức giải đấu vì nếu không tổ chức giải, các vận động viên chưa có một sân chơi, trình diễn chính thức. Khó khăn nhất là kinh phí tổ chức, Sở VH&TT Hà Nội hỗ trợ một phần nhưng phần lớn nguồn kinh phí phụ thuộc nguồn xã hội hóa” - Tổng Thư ký SFV Trịnh Trang cho biết.
Hướng tới sự phát triển cho các môn thể thao mới, cơ quan quản lý Nhà nước, các bên cần có thể nghiên cứu cơ chế. Trong đó, việc chuyển giao một phần cơ sở vật chất như nhà thi đấu, sân vận động... cho các liên đoàn, hiệp hội thể thao quản lý nhằm mục đích duy trì hoạt động, phát triển lâu dài. Cùng với đó là kêu gọi tài trợ cũng nguồn xã hội hoá, đưa ra những kế hoạch chiến lược để phát triển.
“Sở VH&TT Hà Nội đã đề nghị các địa phương tiếp tục quan tâm đầu tư các cơ sở thi đấu; khuyến khích các liên đoàn tìm kiếm nguồn lực xã hội, tổ chức thêm những giải đấu nhằm thêm sân chơi chuyên nghiệp cho vận động viên tham gia các môn thể thao mới. Qua đó, phát hiện các tài năng, thành lập đội tuyển của Hà Nội, tham gia thi đấu thể thao thành tích cao ở những giải đấu quốc gia cũng như quốc tế, đóng góp vào thành tích chung của thể thao Thủ đô” – Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Đỗ Đình Hồng nhận định.
"Giải vô địch các CLB bóng chày toàn quốc năm 2022 lần đầu tiên được tổ chức có 168 vận động viên thi đấu cho 8 đội bóng đến từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Đây là một tín hiệu tích cực cho sự phát triển của bóng chày trong tương lai. Qua lần đầu tổ chức, Liên đoàn Bóng chày và Bóng mềm Việt Nam hy vọng giải sẽ là tiền đề để bộ môn thể thao Olympic này phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam, với nhiều CLB có chất lượng chuyên môn cao để tham dự các giải đấu quốc tế" - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn.