Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề và làng có nghề; trong đó 327 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận thuộc địa bàn 24 quận, huyện, thị xã gồm 268 làng được công nhận danh hiệu làng nghề, 59 làng được công nhận danh hiệu Làng nghề truyền thống với 6/7 nhóm nghề. Quận Hoàng Mai vinh dự có nghề truyền thống và 1 làng nghề truyền thống.
Trăn trở với nghề, làng nghề truyền thống
Để được công nhận nghề truyền thống rất khó vì phải đạt 3 tiêu chí “Nghề đã xuất hiện tại địa phương từ trên 50 năm và hiện đang tiếp tục phát triển tính đến thời điểm đề nghị công nhận; nghề tạo ra những sản phẩm mang bản sắc văn hóa dân tộc; nghề gắn với tên tuổi của một hay nhiều nghệ nhân hoặc tên tuổi của làng nghề (theo Điều 5 Nghị định 52/2018/NĐ-CP quy định về tiêu chí công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống).
Để đạt được danh hiệu làng nghề truyền thống như làng nghề bánh cuốn Thanh Trì thì càng khó hơn, bởi đạt 3 tiêu chí: “Có tối thiểu 20% tổng số hộ trên địa bàn tham gia một trong các hoạt động hoặc các hoạt động ngành nghề nông thôn; hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định tối thiểu 2 năm liên tục tính đến thời điểm đề nghị công nhận; đáp ứng các điều kiện bảo vệ môi trường làng nghề theo quy định của pháp luật hiện hành” luôn là thách thức, nhất là đối với quận nội thành.
“Để có được danh hiệu làng nghề truyền thống đã khó, làm thế nào để phát triển thương hiệu này còn khó hơn” - Chủ tịch UBND phường Thanh Trì Đặng Thanh Tùng chia sẻ. Trước khi về phường Thanh Trì công tác, ông Đặng Thanh Tùng từng là Phó trưởng Phòng Kinh tế quận Hoàng Mai, người nhiều năm lăn lộn với đề án, thủ tục để Thành phố công nhận danh hiệu này.
Khó khăn lớn nhất của các làng nghề Việt Nam hiện nay là tìm thị trường tiêu thụ. Bởi, sản phẩm của nghề truyền thống đậu phụ Mơ, nghề kim hoàn, đậu bạc Định Công hay làng nghề bánh cuốn Thanh Trì là sản xuất thủ công nên giá thành cao, khó cạnh tranh. Do thu nhập thấp, nhiều bạn trẻ không tiếp tục theo nghề gia truyền, điều này đã dấy lên mối lo trong cộng đồng, bởi mai một nghề truyền thống cũng ít nhiều ảnh hưởng đến bản sắc văn hóa.
Phó Chủ tịch UBND phường Mai Động Hoàng Việt cho biết, hiện chỉ còn chưa đến 30 hộ dân còn theo nghề làm đậu Mơ, kinh doanh theo kiểu tự cung, tự cấp mỗi ngày đưa ra thị trường chỉ khoảng 3 tấn sản phẩm, đến 9 giờ sáng đã hết hàng. Không đủ điều kiện vốn, mặt bằng, lao động để mở rộng sản xuất, kinh doanh, người dân đành giữ thói quen lâu đời như hiện nay, dù chính quyền sẵn sàng hỗ trợ vay vốn.
Với thương hiệu bánh cuốn Thanh Trì nổi tiếng khắp vùng miền như thế nhưng hiện cũng chỉ còn 46 hộ (216 người) làm nghề, mỗi ngày chỉ đưa ra thị trường được khoảng 5 - 6 tạ là những con số quá khiếm tốn.
Với nghề đậu bạc Định Công, được xếp vào 4 nghề tinh hoa đất Thăng Long xưa, nay cũng chỉ còn 2 hộ còn theo nghề, đó là gia đình nghệ nhân Quách Văn Trường và Quách Văn Hiểu. Làm thế nào để giữ nghề, truyền nghề và từng bước đưa nghề đậu bạc có chỗ đứng trên thị trường đồng thời đào tạo những người thợ nghề đậu bạc tự tin sống được bằng nghề, cống hiến cho xã hội những sản phẩm đẹp về mỹ thuật, ý nghĩa về văn hóa, làm đẹp, làm sang cho người sử dụng đang là câu hỏi đau đáu.
Cần sự vào cuộc của chính quyền
Đã nhiều năm nay, chính quyền quận Hoàng Mai cùng với việc làm hồ sơ đề nghị Thành phố công nhận 2 nghề truyền thống và 1 làng nghề truyền thống đã có nhiều cuộc họp, bàn về tìm đầu ra của sản phẩm cho người dân. Trong đề án của phường Mai Động, phấn đấu “định hướng đến năm 2030 tỷ lệ giá trị sản xuất đậu Mơ chiếm 5% tổng giá trị sản xuất trên địa bàn; tạo việc làm cho 1.500 lao động”.
Chủ tịch UBND quận Nguyễn Minh Tâm chia sẻ: trong quy hoạch 1/500 ngoài bãi sông Hồng, địa phương đề xuất xây dựng Dự án công viên văn hóa - làng nghề truyền thống thuộc địa bàn phường Thanh Trì. Quận muốn phát triển làng nghề kết hợp với du lịch, một hướng đi tích cực, nhiều địa phương đã thành công.
Quận Hoàng Mai đã chỉ đạo tìm cách đưa bánh cuốn Thanh Trì, đậu phụ Mơ vào các bếp ăn tập thể trường học và các đơn vị đóng trên địa bàn, địa phương và tính đến phương án xúc tiến thương mại điện tử để có để mở rộng thị trường.
Nhưng theo chuyên gia tư vấn Phạm Việt Anh (Công ty Azitech): “Nếu không triển khai được các quy định về quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa theo đúng tinh thần Thông tư số: 02/2024/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ thì các sản phẩm nghề truyền thống, của làng nghề truyền thống khó thế phát triển trên các web, sàn thương mại, nhất là các mặt hàng ăn uống, yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm được đặt lên hàng đầu. Theo đó, cơ quan quản lý, hay nhà cung cấp suất ăn Hương Việt Sinh cần phải truy xuất được nguồn gốc, chất lượng nguyên liệu đầu vào”.
Trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị, Phó Chủ tịch UBND phường Mai Động Hoàng Việt và Chủ tịch UBND phường Thanh Trì Đặng Thanh Tùng đều cho rằng, đầu tiên là chúng ta phải thay đổi cách nghĩ, cách làm của chính người dân địa phương. Nếu chỉ đi theo hướng truyền thống, “đèn nhà ai, nhà nấy rạng” thì sản phẩm nghề truyền thống, của làng nghề truyền thống khó thể mở rộng thị trường, điều kiện tiên quyết để phát triển. Chính quyền sẽ kết hợp với các chuyên gia tư vấn chuyển đổi số, chuyển đổi xanh xây dựng các bước cụ thể; trong đó, công khai, minh bạch, xuất xứ, chất lượng nguyên liệu đầu vào để người tiêu dùng, cơ quan quản lý chuyên ngành có thể truy xuất nguồn gốc.
Cả 2 phường Mai Động và Thanh Trì đều thấy rằng, cần có đầu mối tại địa phương để thực hiện điều này, giám sát và bảo vệ thương hiệu nghề truyền thống của cha ông truyền lại. “Thậm chí, chúng tôi đang hướng tới thành lập công ty cổ phần bánh cuốn Thanh Trì mà các nghệ nhân làng nghề sẽ trở thành người lao động chính, có thế mới chuyển đổi số như lãnh đạo Azitech đề xuất" - Chủ tịch UBND phường Thanh Trì Đặng Thanh Tùng khẳng định.