Trước đó, ngày 8/9, tại TP Đà Nẵng Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam đã phối hợp với Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Đà Nẵng tổ chức buổi Hội thảo khoa học: “Định hướng quy hoạch phát triển các khu vực trung tâm đô thị Đà Nẵng”. Với sự tham dự của 120 đại biểu đến từ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên – Huế, các Hiệp hội, nghề nghiệp Trung ương và Lãnh đạo tại thành phố Đà Nẵng, các Chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc, xây dựng….
Hội thảo nhằm đánh giá thực trạng phát triển đô thị, tìm kiếm những giải pháp và đề xuất, kiến nghị với các cấp có thẩm quyền nghiên cứu xem xét các cơ chế chính sách phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện khuyến khích thu hút đầu tư, định hướng quản lý toàn bộ, nhất quán và khoa học nhằm kiểm soát hữu hiệu quá trình phát triển đô thị Đà Nẵng.
Các nhà chuyên môn đem đến hội thảo 24 bài tham luận tâm huyết với những chủ đề khác nhau như: Khắc phục những hạn chế để phát triển đô thị với một tầm nhìn chiến lược – bền vững; Định hướng quy hoạch và phát triển trung tâm các khu vực đô thị TP. Đà Nẵng; Hướng đến điều chỉnh quy hoạch chung TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Những hệ lụy – tồn tại – bất cập đối với các định hướng phát triển theo các quy hoạch được phê duyệt tại thành phố Đà Nẵng…
Tại hội thảo, nội dung trọng tâm được bàn đến là đề cao việc giữ gìn và bảo vệ môi trường, bảo đảm phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu; nhu cầu tiếp cận các mô hình liên kết vùng đô thị để nâng cao cạnh tranh, đô thị có mật độ cao gắn kết giao thông công cộng, đô thị xanh, đô thị nông nghiệp, đô thị sân bay…
Cùng quan điểm này, nhiều đại biểu cũng cho rằng, hiện nay việc đánh giá mức sống, điều kiện sống không chỉ đơn thuần là tăng diện tích nhà ở mà phải được đánh giá bằng tiêu chí môi trường sống xanh - sạch - đẹp. Hơn 20 năm trước, từ một đô thị nhỏ bé, diện tích khoảng 5.600 ha, đến nay, không gian đô thị Đà Nẵng đã mở rộng lên tới gần 20.000 ha, tức gấp hơn 3 lần so với đô thị cũ; tuy nhiên, vấn đề quy hoạch và phát triển không gian đô thị Đà Nẵng cũng tồn tại nhiều bất hợp lý. Khai thác quỹ đất quá mức, nặng về tư duy chia lô bán nền dẫn đến việc quy hoạch đô thị theo kiểu nhà ống, không gian đô thị rời rạc, ô nhiễm…
Ngoài ra, cũng có ý kiến đề xuất mong muốn Đà Nẵng với cấu trúc đô thị đa trung tâm, đô thị biển quan trọng của Việt Nam mang tầm vóc khu vực ASEAN và Quốc tế; Khát vọng Đà Nẵng ngang tầm đô thị Châu Á: Không thể và có thể. Để đạt được ý tưởng đó, cũng có ý kiến cho rằng có nên di dời sân bay để lấy đất phát triển khu vực trung tâm quốc tế trong tương lai, tuy nhiên ý kiến này không nhận được sự đồng thuận tại Hội thảo.
Vấn đề hiện nay và lâu dài đối với Đà Nẵng là cần phải có sân bay. Vì đây là sự hấp dẫn của thành phố hạt nhân, động lực trong tương lai, là điểm đến của các nhà đầu tư và khách du lịch. Nếu có ý tưởng di dời thì đứng ở tầm nhìn chiến lược đó không phải là một đề xuất tốt. Đà Nẵng nên hướng tới đô thị tăng trưởng xanh, kiên định lấy yếu tố đặc trưng, giá trị thiên nhiên làm ý tưởng chính để tổ chức không gian đô thị. Từ đó hình thành một cấu trúc thiên nhiên trong lòng đô thị có bản sắc. Về Điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố Đà Nẵng xác định mục tiêu với tầm nhìn là “ Thành phố Thịnh vượng – Thông minh – Tiện ích – Có bản sắc và bền vững”.
Ông Nguyễn Cửu Loan, Chánh văn phòng Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Đà Nẵng nhấn mạnh, sân bay là vai trò lịch sử của Đà Nẵng và hàng trăm năm nay, Đà Nẵng luôn được xem là trung tâm của khu vực. Đà Nẵng không có sân bay thì không ai đến.
"Việc làm sân bay ở bán đảo Sơn Trà là không thể, tiền đâu để làm? Điều quan trọng nhất là không thể động vào "lá phổi" của thành phố", ông Loan nhấn mạnh.
Kết luận tại hội thảo nhấn mạnh: “Nếu Đà Nẵng không có sân bay thì vai trò Đà Nẵng sẽ không còn là động lực phát triển, không còn thành phố hiện đại, tiện ích. Do đó, Hội thảo không bàn đến câu chuyện di dời sân bay ở thời điểm hiện tại và cho đến hết tầm nhìn năm 2050, kể cả trong tương lai. Đà Nẵng phải có sân bay”.