Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đinh lăng - thuốc bổ cho mọi nhà

BS. Nguyễn Phú Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đinh lăng còn gọi là cây gỏi cá, nam dương lâm. Tên khoa học Polyscias fruticosa (L.) Harms (Panax fruticosum L, Nothopanax fruticosum (L) Miq., Tieghentopanax fruiticosus (L.) R. Vig. Thuộc họ Ngũ gia bì Araliaceae.

Dùng rễ hay vỏ rễ phơi hoặc sấy khô của cây đinh lăng. Đinh lăng còn gọi là cây gỏi cá vì người dân thường lấy lá để ăn gỏi cá (nhưng tên đinh lăng phổ biến hơn); là một loại cây thân nhỏ, thân nhẵn, không có gai, thường cao 0,8 - 1,5m; lá kép 3 lần xẻ lông chim dài 20 - 40cm, không có lá kèm rõ; lá chét có cuống gầy dài 3 - 10mm, phiến lá chét có răng cưa không đều, lá có mùi thơm. Đinh lăng được trồng phổ biến làm cảnh khắp nước ta, mọc cả ở Lào và miền nam Trung Quốc.

Trong đinh lăng có các alcoloid, glucozit, saponin, flavonoid, tanin, vitamin B, các axit amin trong đó có lyzin, xystei, và methionin là những axit amin không thể thay thế được (Ngô Ứng Long - Viện quân y , 1985).

Năm 1961, các khoa dược lý, dược liệu và giải phẫu bệnh lý Viện Y học quân sự

Việt Nam nghiên cứu tác dụng của đinh lăng làm tăng sức dẻo dai của cơ thể và một số tác dụng khác đã đi đến kết luận sau:

Nước sắc rễ đinh lăng có tác dụng làm tăng sức dẻo dai của cơ thể trên thí nghiệm cấp tính tương tự nhân sâm. Tam thất và các cây khác cùng họ có tác dụng làm tăng tính dẻo dai của cơ thể (thí nghiệm trên chuột mìn tròn lội nước theo phương pháp thí nghiệmc cấp tính của I. I Bredman). Nhưng trên thí nghiệm trường diễn, tác dụng chóng hết và thường hay tích lũy.

Đinh lăng tác dụng trực tiếp trên cơ tim ếch, cô lập (theo phương pháp Straub) với liều nhất định làm giảm trương lực cơ tim, làm tim co bóp yếu và thưa, tiến tới tim ngừng đập.

Dung dịch nước 0,2 - 1% rễ đinh lăng gây co mạch tai thỏ cô lập theo phương pháp Kravkov.

Với liều 0,5ml dung dịch cao đinh lăng 100 - 200% trên 1kg thể trọng tiêm tĩnh mạch vành tai đều tăng cường hô hấp về biên độ và tần số: huyết áp nhất thời hạ xuống. Trên tử cung tại chỗ, với liều 1ml dung dịch cao đinh lăng 100% cho 1kg thể trọng tiêm tĩnh mạch vành tai làm co bóp tử cung nhẹ.

Đinh lăng có tác dụng tăng tiết niệu gấp trên 5 lần so với bình thường với liều uống 2ml dung dịch đinh lăng 100% cho 100g thể trọng (thí nghiệm trên chuột bạch). Thực nghiệm trên người, viên bột rễ đinh lăng làm tăng khả năng chịu đựng của vận động viên thể dục, thể thao trong các nghiệm pháp gắng sức cũng như tập luyện.

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu dược lý, Viện Y học quân sự Việt Nam năm 1964 cho thí nghiệm trên người thấy với liều 0,23 đến 0,50g bột đinh lăng dưới dạng thuốc sắc hay ngâm rượu nhẹ độ (300) thì có kết quả tăng sức dẻo dai của cơ thể như khi nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. Trong nhân dân, ngoài công dụng ăn gỏi cá, có nơi dùng chữa ho, ho ra máu, thông tiểu, thông sữa, kiết lỵ nặng. Tại Ấn độ, theo K. M. Naikarai, đinh lăng được dùng chữa sốt, làm săn da.

Thông tia sữa, căng vú sữa: Rễ đinh lăng 30 - 40g, thêm 500ml nước sắc còn 250ml. Uống nóng. Uống luôn 2 - 3 ngày, vú hết nhức, sữa chảy bình thường.

Chữa đau lưng mỏi gối: Dùng thân cành đinh lăng 20 - 30g, sắc lấy nước chia 3 lần uống trong ngày. Có thể phối hợp cả rễ cây xấu hổ, cúc tần và cam thảo dây.

Chữa viêm gan: Rễ đinh lăng 12g; nhân trần 20g; ý dĩ 16g; chi tử, hoài sơn, biển đậu, rễ cỏ tranh, xa tiền tử, ngũ gia bì, mỗi vị 12g; uất kim, nghệ, ngưu tất, mỗi vị 8g. Sắc uống ngày 1 thang.

Chữa dị ứng, ban sởi, ho, kiết lỵ: Lá đinh lăng khô 10g sắc chung với 200ml nước, uống trong ngày.

Ho suyễn lâu năm: Lấy rễ đinh lăng, bách bộ, đậu săng, tang bạch bì, nghệ vàng, tần dày lá tất cả đều 8g, xương bồ 6g, gừng khô 4g, đổ 600ml sắc còn 250ml. Chia làm 2 lần uống trong ngày. Uống lúc thuốc còn nóng.

Chú ý: Dùng rễ đinh lăng với liều cao, sẽ bị say thuốc và xuất hiện cảm giác mệt mỏi, nôn mửa, tiêu chảy.