Biển Đông trong cục diện thế giới mới
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu, cục diện thế giới đã diễn ra những thay đổi nhanh chóng và chưa từng có. Những thay đổi trong thực tế địa chính trị, vốn là điều không tưởng, đang diễn ra ở một số nơi trên thế giới, trong đó cả các khu vực từ Ấn Độ Dương đến Thái Bình Dương.
"Các rủi ro địa chính trị toàn cầu và sự cạnh tranh giữa các cường quốc lớn đã làm trầm trọng thêm các vấn đề hiện có như an ninh năng lượng, an ninh lương thực, lạm phát kèm suy thoái, và đe doạ hoà bình và ổn định khu vực. Các kiến trúc an ninh trên thế giới và ở khu vực đang có những thay đổi to lớn. Đây là những thách thức đa chiều, nhiều tầng lớp và khó nhận diện," Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu nêu.
Theo Thứ trưởng, một trong những lý do dẫn đến tình trạng này là sự thiếu hụt lòng tin và tinh thần hợp tác, nhất là đối với luật pháp quốc tế và các tổ chức đa phương. Việc không tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế có thể gây xói mòn dần trật tự quốc tế.
Chia sẻ tại Hội thảo, GS Leszek Buszynski từ Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng và Chiến lược (Australia) nhận định, thách thức trật tự quốc tế từ xung đột Ukraine đã tạo xung lực trên nhiều nơi. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc đang có sự mở rộng về địa chính trị, sức mạnh hải quân cũng gây ra những ảnh hưởng nhất định.
Trước bối cảnh đó, những vấn đề tranh chấp trong khu vực, theo chuyên gia Australia, cần tìm đến những phương cách cân bằng địa chính trị trong lĩnh vực hàng hải, ví dụ những cơ chế như QUAD (Đối thoại Bộ tứ gồm Ấn Độ, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Úc), AUKUS (Hiệp ước Australia - Anh - Mỹ), theo đó tìm đối trọng với ảnh hưởng từ Trung Quốc. “Chuyện pháp lý cần đi kèm với địa chính trị làm nền móng, nếu không 1 cường quốc có thể quyết định đơn phương luật chơi, áp đặt các quốc gia khác trong hành xử thế nào,” ông Leszek Buszynski khẳng định.
Những con đường pháp lý
Hội thảo năm nay diễn ra trong bối cảnh đánh dấu 40 năm ký kết Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) và 20 năm ASEAN và Trung Quốc ký kết Tuyên bố ứng xử các bên ở Biển Đông.
Trao đổi về tiến trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), TS Wu Shicun – Chủ tịch sáng lập Viện Quốc gia về Nghiên cứu Biển Đông (Trung Quốc) khẳng định ASEAN và Trung Quốc cần xây dựng đồng thuận, tập trung vào những ý tưởng mới, mở ra chương mới trong đàm phán. Bên cạnh đó hai bên cũng cần xem xét cách thức hợp tác chung, mô hình chung cùng phát triển để khai thác lợi ích ở khu vực…
Theo ông Wu, việc đàm phán COC là mục tiêu cần nỗ lực đạt được, cũng là vấn đề hết sức cấp bách nhằm đóng góp vào quá trình duy trì an ninh, quản lý hàng hải, giải cứu cứu hộ cứu nạn, bảo vệ môi trường biển trên Biển Đông. Chuyên gia người Trung Quốc cũng cho rằng, Bắc Kinh và ASEAN hoàn toàn có thể hợp tác với nhau để xây dựng một COC có sức chống chịu với các ảnh hưởng đơn phương từ quốc gia khác.
Trong khi đó, Chuyên gia Pou Sothirak, Giám đốc điều hành Viện Campuchia vì Hợp tác và Hòa bình nêu ra các điểm vẫn còn gây rào cản cho đàm phán COC, bao gồm phạm vi, địa vị pháp lý của Bộ Quy tắc, cũng như lòng tin giữa các bên đàm phán. “Để COC có tính ràng buộc pháp lý, cần nhớ phải có 1 điều khoản mạnh hoặc cơ chế thực thi rõ ràng, thậm chí hình phạt cho bên không tuân thủ. Nếu không có được điều này COC cũng không khác DOC [Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông] là mấy,” chuyên gia này nhấn mạnh.
Chính sách của Việt Nam
Các chuyên gia và đại biểu tham dự Hội thảo nhìn chung nhận định, việc tiếp tục tuân thủ các quy tắc, chuẩn mực, duy trì, củng cố lòng tin và hợp tác là cần thiết để các quốc gia và các tổ chức quốc tế đứng vững trước thử thách của thời gian. Các quốc gia, đặc biệt là các cường quốc có tầm ảnh hưởng lớn, cần có trách nhiệm lớn hơn trong hành xử để đảm bảo hoà bình, ổn định và phát triển.
Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu cho biết, chính sách của Việt Nam về Biển Đông là tôn trọng đầy đủ, thiện chí thực thi các quy định của luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hoà bình, phù hợp với luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp quốc, thúc đẩy hợp tác biển dựa trên UNCLOS. Việt Nam coi trọng việc sử dụng bền vững và bảo tồn đại dương, biển và các nguồn tài nguyên trên biển.
Cộng đồng quốc tế cần có giải pháp sáng tạo để cải thiện tính minh bạch và thúc đẩy lòng tin chiến lược giữa các bên, cần có hành động cụ thể để duy trì ổn định chính trị, duy trì phục hồi kinh tế và cần có sáng kiến thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, đặc biệt là vai trò trung tâm của ASEAN.
Theo TS Phạm Lan Dung, Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao, trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động và gián đoạn, hội thảo hướng tới mục tiêu tìm hiểu những thay đổi địa chính trị toàn cầu mới nhất trên Biển Đông, xác định các rủi ro tiềm ẩn và tìm cách khôi phục lòng tin, thúc đẩy đối thoại và hợp tác.