Tham gia tọa đàm có các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý thuộc các cơ quan T.Ư, bộ, ngành, trường đại học, viện nghiên cứu trên địa bàn Hà Nội và đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc TP Hà Nội.
Tại tọa đàm, các đại biểu tập trung trao đổi, phân tích, dự báo tác động tích cực, tiêu cực của chính sách đề xuất trong hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) liên quan đến nội dung phát triển văn hóa, giáo dục Thủ đô.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn đánh giá, việc cho phép TP được điều chỉnh, bổ sung chương trình giáo dục mầm non, phổ thông đối với một số môn học, hoạt động để phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội đặc thù sẽ góp phần đưa chương trình giáo dục của Thủ đô đáp ứng tốt hơn nhu cầu nâng cao hiểu biết và lưu truyền những kiến thức, giá trị, nét đẹp văn hóa Thăng Long - Hà Nội, văn hóa xứ Đoài đặc trưng riêng có. Đây là những thông tin, kiến thức văn hóa chưa có điều kiện để phản ánh đầy đủ trong khung chương trình chung của Bộ GD&ĐT.
“Việc điều chỉnh, bổ sung chương trình này còn góp phần đưa chương trình giáo dục của Thủ đô tiệm cận gần hơn với nền giáo dục tiên tiến của khu vực và thế giới. Điều này phù hợp với thực tế TP Hà Nội đang giữ vị trí đứng đầu cả nước về khoa học, giáo dục, về tỷ lệ học sinh tốt nghiệp, đạt giải trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế. Việc bổ sung, nâng cao chương trình dạy học một số môn để đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao của học sinh góp phần nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn của Thủ đô...” - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn nhận xét.
PGS-TS Phạm Duy Đức - Nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa & Phát triển (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) đề xuất, TP Hà Nội nên có chính sách thu hút các tài năng về văn hóa nghệ thuật. Hiện nay, các tài năng về văn hóa nghệ thuật toàn đổ xô vào TP Hồ Chí Minh sinh sống, nơi có đất diễn và có sự cọ xát của các tài năng. Để có sự quay trở lại của các trung tâm văn hóa, Hà Nội phải có chính sách thu hút các tài năng cống hiến cho sự phát triển của Thủ đô.
“Ngoài ra, hiện nay, các trung tâm công nghiệp xuất hiện rất nhiều nhưng chưa có trung tâm công nghiệp sáng tạo văn hóa, các hoạt động văn hóa chủ yếu tự phát, rời rạc, lẻ tẻ ở nhiều nơi. Nên chăng Hà Nội xây dựng khu công nghiệp văn hóa, hoặc trung tâm sáng tạo văn hóa thu hút các hoạt động văn hóa đại diện của Thủ đô, và đây sẽ trở thành một ngành công nghiệp thu lại lợi nhuận”- PGS-TS Phạm Duy Đức đề xuất.
Trong khi đó, PGS-TS Nguyễn Chí Mỳ - nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đề xuất thêm nội dung: Phải tính đến các yếu tố văn hóa khi Hà Nội xây dựng các chiến lược, các đề án phát triển kinh tế - xã hội. Sau này, các cấp, ngành chức năng có thể thẩm định từng chiến lược, từng đề án của Hà Nội.
“Dù có hiện đại đến đâu, nếu Thăng Long - Hà Nội không giữ được bản sắc văn hóa 1000 năm, làm sao có sức thu hút đối với nhân loại? Khi xây dựng các chiến lược, đề án cho Hà Nội, phải tính tới các yếu tố văn hóa trong đó” - PGS-TS Nguyễn Chí Mỳ nêu quan điểm.
Theo TS Nguyễn Ngọc Kỳ - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý tại cuộc tọa đàm sẽ được Viện tổng hợp để xây dựng Dự thảo “Báo cáo đánh giá tác động của chính sách đề xuất trong hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi)”.