Định vị thương hiệu văn hóa Hà Nội

Phạm Tuấn Long - Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội là trung tâm đầu não về chính trị - hành chính, văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”, “Thành phố Vì hòa bình”, “Thành phố Sáng tạo”, nơi diễn ra nhiều sự kiện quốc gia và quốc tế quan trọng...

Định vị thương hiệu văn hóa Hà Nội - Ảnh 1

Mỗi quận, huyện, trong đó có quận Hoàn Kiếm sẽ tận dụng thế mạnh của mình để cùng hợp sức định vị thương hiệu văn hóa cho Hà Nội.

Người dân là chủ thể các đề án văn hóa

Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII nhiệm kỳ (2020 - 2025) tiếp tục khẳng định mục tiêu phát triển văn hóa, xây dựng con người Hà Nội. Đại hội đã nêu rõ nhiệm vụ trọng tâm: “Chú trọng phát triển văn hóa Hà Nội trên cơ sở phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến và anh hùng, Thành phố Vì hòa bình, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện với những giá trị nhân văn và tinh thần yêu nước sâu sắc, ý thức tôn trọng pháp luật, giàu lòng tự hào dân tộc, ý chí, khát vọng phát triển; coi đây là sức mạnh nội sinh, động lực tinh thần to lớn để phát triển Thủ đô bền vững”. Đại hội cũng xác định một trong ba khâu đột phá của nhiệm kỳ là: “Đưa văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực nội sinh quan trọng quyết định sự phát triển bền vững Thủ đô”.

Đây có thể khẳng định là một chủ trương hết sức đúng đắn của Thành ủy, trong đó tập trung phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô: Định vị thương hiệu “Thành phố văn hóa”, “Thành phố Sáng tạo” để Hà Nội tiếp tục xác định và khẳng định tiềm năng, lợi thế trong việc phát huy "sức mạnh mềm" văn hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện cho khát vọng đổi mới sáng tạo, đưa văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị cốt lõi, nguồn lực quan trọng quyết định phát triển Thủ đô.

Quận Hoàn Kiếm là quận trung tâm của Thủ đô, với bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử của Thăng Long - Hà Nội, có 191 di tích lịch sử văn hóa, di tích cách mạng kháng chiến có giá trị, đặc biệt là di tích Quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm - đền Ngọc Sơn, danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Thủ đô, di tích Quốc gia khu Phố cổ Hà Nội. Đây chính là thế mạnh của quận Hoàn Kiếm, là điều kiện hết sức thuận lợi và cũng là quận đi đầu trong việc thực hiện chủ trương của Thành ủy về “Phát triển văn hóa trên địa bàn Thủ đô, giai đoạn 2020 - 2025, định hướng năm 2030, tầm nhìn 2045”.

Để phát huy thế mạnh của văn hóa, UBND quận Hoàn Kiếm chú trọng đến việc gìn giữ văn hóa truyền thống và người dân là chủ thể, tập trung tạo điều kiện cho nghệ sĩ người làm nghệ thuật được tiếp cận với công chúng, với thực tiễn.

Hoàn Kiếm tiếp tục triển khai Đề án “Xây dựng một số nét văn hoá ứng xử của người dân khu phổ cổ", Đề án “Tổ chức lễ hội truyền thống trong khu phố cổ và khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm". Đồng thời nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Triển khai, nghiên cứu thực hiện các công tác chỉnh trang, bảo tồn không gian công cộng, phố nghề truyền thống, kiến trúc cảnh quan nhằm xây dựng và duy trì không gian sinh hoạt văn hóa mang tính cộng đồng, phát huy giá trị di sản văn hoá vật thể, phi vật thể góp phần bảo tồn, quảng bá, giới thiệu về lịch sử, văn hoá, con người Hà Nội.

Triển khai có điểm nhấn

Để tập trung phát triển công nghiệp văn hóa, quận Hoàn Kiếm đã triển khai thực hiện thí điểm không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, đã tạo điểm nhấn du lịch cho khu vực trung tâm Hà Nội, tạo không gian vui chơi, tổ chức sự kiện cho cộng đồng dân cư, giao lưu giữa du khách trong và ngoài nước, là sản phẩm văn hóa đặc biệt. Đồng thời phát huy hiệu quả các giá trị di sản văn hóa, cảnh quan mặt nước, cây xanh hồ Hoàn Kiếm (di tích cấp Quốc gia đặc biệt), góp phần quảng bá hình ảnh Thủ đô Hà Nội - Thành phố Vì hòa bình.

Ngoài ra, quận đã phối hợp với Sở TT&TT triển khai phố Sách Hà Nội, từng bước phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Phố Sách trở thành không gian giao lưu văn hóa, giới thiệu sách, các hoạt động triển lãm, văn hóa, nghệ thuật phục vụ công chúng và những người yêu sách Thủ đô. Sau đề án phố Sách, quận Hoàn Kiếm phối hợp với Korea Foundation (Quỹ Giao lưu Quốc tế Hàn Quốc) và UN-Habitat (Ủy ban định cư con người Liên Hợp quốc) tại Việt Nam ra mắt không gian bích họa phố Phùng Hưng năm 2018 được dư luận đánh giá cao.

Quận đã phối hợp với các tổ chức xã hội triển khai dự án cải tạo không gian tổ 16, tuyến bờ vở sông Hồng thuộc phường Phúc Tân thành một sân chơi cộng đồng cho bà con tổ dân phố nơi đây. Hiện nay, đang tiếp tục triển khai dự án trên tại khu vực bờ vở thuộc phường Chương Dương. Quận cũng quan tâm đầu tư tu bổ các di tích lịch sử văn hóa như: Chỉnh trang khu vực hồ Hoàn Kiếm, chỉnh trang mặt đứng một số tuyến phố chuyên doanh nghề như: Lãn Ông, Tạ Hiện…

Với việc đưa vào ứng dụng công nghệ thông tin triển khai Đề án xây dựng Trang thông tin 3600 phục vụ công tác quản lý, phát triển du lịch, quận đã tích hợp và cập nhật kịp thời các cơ sở dữ liệu trên các trang mạng, trang thông tin để giúp du khách và cá nhân, tổ chức quan tâm có thể tiếp cận, cập nhật dữ liệu. Từ đó quảng bá và giới thiệu các hình ảnh, hoạt động về thương mại, dịch vụ, du lịch và giới thiệu di tích lịch sử văn hóa của quận Hoàn Kiếm một cách chân thực, đa dạng và hấp dẫn.

Trong giai đoạn tới đây, quận Hoàn Kiếm sẽ tiếp tục phát huy những lợi thế, nâng cao ý thức trách nhiệm và sự tham gia của cán bộ, người dân, DN, cộng đồng trong bảo tồn và phát triển văn hóa nói chung, công nghiệp văn hóa nói riêng; góp phần quảng bá văn hóa, con người Hà Nội, hướng tới sự phát triển bền vững, để Hà Nội thực sự trở thành Thành phố sáng tạo kết nối toàn cầu…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần