DN sản xuất khẩu trang phải có trách nhiệm vì cộng đồng, đất nước, ưu tiên nhu cầu trong nước

D. Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ban Chỉ đạo đặc biệt lưu ý các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang phải hết sức trách nhiệm vì cộng đồng, vì đất nước, cam kết ưu tiên cho nhu cầu trong nước trước khi xuất khẩu...

Doanh nghiệp sản xuất khẩu trang cần ưu tiên cho nhu cầu trong nước trước khi xuất khẩu
Sáng 27/4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19. Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo đã bàn về nội dung: Đưa công dân về nước, đưa lao động có tay nghề vào Việt Nam, cấp phép các chuyến bay, quản lý biên giới, thực hiện cách ly; bảo đảm thuốc men, sản xuất trang thiết bị vật tư y tế và các loại máy thở; phương án xuất khẩu khẩu trang; chế độ chính sách đối với các lực lượng tham gia phòng chống dịch;...
 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp
Ban Chỉ đạo đánh giá cao các doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, sản xuất máy thở hiện đại như Metran, Vingroup; đồng thời khuyến khích các trường đại học phát triển những sản phẩm máy thở không xâm nhập đơn giản, vận hành hoàn toàn bằng hệ thống cơ khí có thể trang bị đến tận y tế tuyến xã, ở vùng sâu, vùng xa…
Cũng tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo đã bàn về công tác xét nghiệm phát hiện virus SARS-CoV-2 để phục vụ phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong thời gian tới.
Hiện, trên thế giới đang triển khai song song 2 phương pháp xét nghiệm xác định người dương tính COVID-19 là xét nghiệm tìm gen virus (phương pháp PCR) và xét nghiệm kháng thể (thường sử dụng để xét nghiệm nhanh).
Việt Nam đã phát triển được loại sinh phẩm xét nghiệm PCR rất tốt thay thế nguồn nước ngoài (sinh phẩm do Học viện Quân y phối hợp với công ty Việt Á phát triển). Sinh phẩm này đã và đang được sử dụng chủ đạo tại Việt Nam để xét nghiệm phát hiện virus SARS-CoV-2. Bộ sinh phẩm xét nghiệm bằng phương pháp PCR của Việt Nam đã được WHO, Vương quốc Anh công nhận chất lượng và có thể được sử dụng trên phạm vi toàn cầu.
Vừa qua, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã phối hợp với một trường đại học của Nhật Bản để nghiên cứu và phát triển thành công loại sinh phẩm xét nghiệm kháng thể có độ nhạy, độ đặc hiệu cao hơn nhiều so với các loại sinh phẩm tương tự mà nhiều nước đang sử dụng.
Là nước thứ 5 trên thế giới sản xuất thành công sinh phẩm xét nghiệm kháng thể, Bộ Y tế đánh giá sinh phẩm xét nghiệm nhanh “made in Vietnam” có nhiều ưu điểm: Dễ sử dụng cho tất cả các tuyến, các cơ sở y tế tuyến huyện có thể xét nghiệm được do sử dụng hệ thống máy xét nghiệm sẵn có; độ an toàn cao (xét nghiệm qua mẫu máu); đặc biệt độ nhạy, độ đặc hiệu của sinh phẩm Việt Nam đạt khoảng 95%, trong khi sản phẩm của nước ngoài chỉ đạt khoảng 70-75%.
Bên cạnh đó, qua đánh giá ban đầu giá thành của sinh phẩm này rẻ hơn nhiều so với sinh phẩm nhập ngoại (chỉ khoảng 5 USD/kit xét nghiệm);… Hiện Bộ Y tế đang làm thủ tục công nhận sinh phẩm này để đưa vào sản xuất hàng loạt.
Như vậy, đến thời điểm hiện tại có thể nói trong công tác phòng chống dịch COVID-19, chúng ta đã bảo đảm được các loại thuốc có thể dùng cho những phác đồ điều trị COVID-19; chủ động sản xuất được khẩu trang, trang thiết bị bảo hộ, máy thở...; tự sản xuất được sinh phẩm xét nghiệm và làm chủ các phương pháp xét nghiệm, sàng lọc và phát hiện người nhiễm COVID-19.
Ban Chỉ đạo đặc biệt lưu ý các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang phải hết sức trách nhiệm vì cộng đồng, vì đất nước, cam kết ưu tiên cho nhu cầu trong nước trước khi xuất khẩu, bảo đảm chất lượng. Các hành vi vi phạm phải bị xử lý nghiêm.
Doanh nghiệp sản xuất khẩu trang không mặn mà với thị trường trong nước
Thời gian qua, dư luận đặc biệt quan tâm đến vấn đề xuất khẩu khẩu trang y tế. Trước đó, Bộ Y tế trình Chính phủ chỉ cho phép xuất khẩu khẩu trang y tế khi doanh nghiệp đã bán hoặc hỗ trợ các cơ sở y tế; số lượng khẩu trang y tế xuất khẩu không vượt quá 5 lần số khẩu trang đã hỗ trợ, bán cho cơ sở y tế.
Để xuất khẩu khẩu trang y tế, doanh nghiệp phải xuất trình bản sao chứng thực văn bản công bố trúng thầu và hợp đồng giữa doanh nghiệp với cơ sở y tế.
Hoặc bản chính biên bản thỏa thuận hỗ trợ khẩu trang y tế giữa doanh nghiệp với cơ sở y tế, trong đó phải nêu rõ số lượng khẩu trang y tế hỗ trợ, thời gian cam kết hỗ trợ không quá 3 tháng kể từ ngày ký thỏa thuận.
Bộ Y tế cho rằng đó là giải pháp để tránh việc các cơ sở y tế không thể mua được khẩu trang y tế trong nước để phục vụ công tác phòng chống dịch do việc xuất khẩu khẩu trang y tế có thể dẫn đến việc các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang y tế chỉ tập trung vào xuất khẩu khẩu trang y tế với giá cao, hủy bỏ các hợp đồng đang thực hiện cung cấp khẩu trang cho các cơ sở y tế.
 Doanh nghiệp sản xuất khẩu trang không mặn mà với thị trường trong nước. Ảnh minh họa: TTXVN
Vừa qua, báo chí dẫn lời lãnh đạo doanh nghiệp sản xuất khẩu trang y tế có quy mô lớn, chuyên cung ứng cho các bệnh viện và cơ sở y tế cho hay, do nhu cầu khẩu trang y tế tăng mạnh khi dịch COVID-19 bùng phát, doanh nghiệp đã chủ động đầu tư thêm máy móc, thiết bị để tăng năng lực sản xuất khẩu trang với sản lượng 4-5 triệu chiếc/ngày.
Sắp tới, doanh nghiệp tăng sản lượng lên tới 7-8 triệu khẩu trang, không những đáp ứng cho nhu cầu trong nước mà còn có thể xuất khẩu. Tuy nhiên, việc xuất khẩu khẩu trang y tế gặp nhiều khó khăn do các cơ quan nhà nước chưa thực sự "thích ứng với việc thay đổi giá", không chấp nhận mức giá cao khi mua vào cho dự trữ hay đưa lưu thông ra thị trường, nên "chưa thực sự tạo thuận lợi cho xuất khẩu".
Ngoài ta, do nhu cầu ngày càng tăng, giá nguyên vật liệu đầu vào đều tăng rất mạnh trên toàn thế giới, nên doanh nghiệp sản xuất khẩu trang trong nước phải tăng giá bán, chứ không phải là "thổi giá".
Chẳng hạn, nguyên liệu vải không dệt và các phụ kiện khác như nẹp mũ và dây đeo tai... đều đã tăng 4-5 lần so với thời điểm bình thường trước đó. Đặc biệt, nguyên liệu quan trọng nhất là màng lọc đã tăng giá tới 20 lần!
Trong khi đó, Nhà nước mua khẩu trang dự trữ vẫn căn cứ vào giá cũ với mức quá thấp, hàng đưa ra thị trường nội địa tiêu thụ lại sợ bị quản lý thị trường xử phạt vì "tăng giá bất hợp lý", nên doanh nghiệp chẳng mấy mặn mà.
Ngày 24/4, tại cuộc họp bàn giải pháp hỗ trợ sản xuất, kinh doanh hậu COVID-19 của Bộ Công thương, ông Trương Thanh Hoài - cục trưởng Cục Công nghiệp cho biết, năng lực sản xuất khẩu trang y tế trong nước lên tới hàng chục triệu chiếc/ngày. Tuy nhiên, có vướng mắc do hoạt động mua dự trữ phục vụ phòng dịch trong nước vẫn còn thiếu 14 triệu chiếc (trong tổng số 60 triệu chiếc), gây ách tắc toàn bộ hoạt động xuất khẩu khẩu trang còn lại.
"Chính phủ đã ra kết luận về việc cấp phép xuất khẩu khẩu trang y tế. Hiện nay với năng lực sản xuất lớn, nhưng chỉ vì 14 triệu chiếc mà gây khó khăn chung, nên chúng tôi kiến nghị với khẩu trang thiếu thì cần triển khai mua theo cơ chế đấu thầu, sau đó cho phép doanh nghiệp xuất khẩu không giới hạn khẩu trang y tế" - ông Hoài đề nghị.