Đồ án "gây bão" mạng xã hội được Bảo tàng Hà Nội mời triển khai thực tế
Kinhtedothi - Sau khi đồ án tốt nghiệp “Design Branding Hanoi Museum” được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, nam sinh Đại học Kiến trúc Hà Nội bất ngờ nhận được lời mời hiện thực hóa bộ nhận diện này từ Ban lãnh đạo Bảo tàng Hà Nội.
Khuê Văn Các trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo
Cơ duyên để Dương Đức Anh – sinh viên lớp 20DH4, ngành Thiết kế đồ họa, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội bắt đầu đồ án đặc biệt này đến từ một lần ghé thăm Bảo tàng Hà Nội. Theo đó, công trình với khối kiến trúc kim tự tháp ngược độc đáo – gợi liên tưởng đến chùa Một Cột hay chiếc mũ Bình Thiên đã ngay lập tức để lại trong cậu một ấn tượng mạnh mẽ.

Thiết kế nhận diện không gian gồm standee, poster, banner, biển hiệu chỉ dẫn. Ảnh: NVCC
Tuy nhiên, ẩn sau sự trầm trồ ban đầu là một nỗi trăn trở: “Tại sao một không gian lưu giữ ký ức và di sản văn hóa Thủ đô lại chưa có hệ thống nhận diện thương hiệu đủ sức lan tỏa và gắn kết với cộng đồng, nhất là thế hệ trẻ?”.
Từ chính sự tiếc nuối đó, Đức Anh quyết định chọn Bảo tàng Hà Nội làm đề tài cho đồ án tốt nghiệp. Với mong muốn không chỉ làm một bài tốt nghiệp hoàn chỉnh mà còn có khả năng ứng dụng thực tế, chàng sinh viên năm cuối dành trọn một tháng đầu tiên để nghiên cứu đề tài và đọc nhiều tư liệu lịch sử, trước khi bắt tay vào khâu thiết kế.
Trong suốt quá trình ấy, hình ảnh Khuê Văn Các hiện lên như một điểm tựa vững chắc, một nguồn cảm hứng không thể thay thế trong cậu. Đây là biểu tượng văn hóa lâu đời, gắn liền với Văn Miếu – Quốc Tử Giám, đồng thời cũng là hình ảnh đại diện cho tri thức, cho văn hiến và cho tinh thần Thăng Long – Hà Nội qua hàng thế kỷ.
Và với Đức Anh, biểu tượng này còn lưu giữ một mảnh ghép ký ức riêng khó thể phai mờ. Nam sinh chia sẻ, cậu vẫn nhớ như in kỷ niệm lần đầu tiên đi thi năng khiếu và được bố dẫn đến Văn Miếu để cầu may. Trong không gian trầm mặc ấy, Khuê Văn Các hiện lên lặng lẽ mà uy nghi, gợi lên một cảm giác thiêng liêng và đầy kỳ vọng. Hình ảnh này đã in sâu vào tâm trí cậu từ ngày ấy để rồi hôm nay, khi đứng giữa ngã ba của hoài niệm và sáng tạo, chàng thí sinh năm nào lại tìm về biểu tượng này như một sự khởi đầu.

Thiết kế nhận diện văn phòng bao gồm card visit, bao thư, kẹp file, A4, thẻ tên, dây thẻ, túi hồ sơ. Ảnh: NVCC
Đáng chú ý, Đức Anh còn phát triển riêng một bộ font chữ lấy cảm hứng từ kiến trúc đặc trưng của Khuê Văn Các - linh hồn của toàn bộ hệ thống thiết kế nhận diện thương hiệu. Những đường nét cổ kính được chắt lọc và cách điệu; từng đường cong, từng nét vuông được cân nhắc kỹ lưỡng để giữ lại sự thanh lịch, nhẹ nhàng của kiến trúc xưa, đồng thời thể hiện cá tính đồ họa rõ ràng.
Ở đó, công chúng sẽ tìm thấy được một kiểu chữ có bóng dáng của mái ngói, của khung gỗ, của những ô cửa vuông đầy tính biểu tượng… tạo nên một hệ trục thị giác nhất quán, dẫn dắt toàn bộ đồ án đi theo một tinh thần xuyên suốt.

Bộ font chữ - sản phẩm tâm đắc nhất được Dương Đức Anh lồng ghép hình ảnh Khuê Văn Các. Ảnh: NVCC
Song hành với yếu tố hình tượng, màu sắc cũng đóng vai trò không nhỏ trong việc truyền tải thông điệp của thiết kế. Hình ảnh men gốm Bát Tràng, sắc nước Hồ Gươm, Hồ Tây hay màu xanh quen thuộc của các biển tên phố… tất cả đều là chất liệu để Đức Anh định hình gam xanh dương làm tông màu chủ đạo cho toàn bộ hệ thống nhận diện.
Từ thiết kế logo, font chữ riêng, hệ thống biểu tượng hình học, bảng hiệu, màu ứng dụng, fanpage mẫu... tất cả đều do Đức Anh thiết kế với sự góp ý, cố vấn của giảng viên hướng dẫn. Trên mạng xã hội, không ít người bày tỏ sự ngưỡng mộ dành cho Đức Anh khi có thể một mình "cân tất" một dự án đồ sộ như thế này.
Tiềm năng ứng dụng thực tế cao
Với tư duy của một người trẻ thuộc thế hệ gen Z, Đức Anh không muốn đồ án chỉ là một sản phẩm hoài cổ hay chạy theo lối cách tân cực đoan. Cậu chọn con đường dung hòa giữa truyền thống và hiện đại – giữ lại tinh thần cốt lõi nhưng được thể hiện bằng một ngôn ngữ thị giác tinh giản, gần gũi và giàu cảm xúc.

Túi tote nằm trong bộ bao bì quà tặng gồm hộp quà, túi tote, khăn lụa, sticker, móc khóa. Ảnh: NVCC
Theo Đức Anh, yếu tố quan trọng nhất để một thiết kế có thể chạm đến trái tim người xem chính là sự chân thành, khi người thiết kế thực sự hiểu và yêu những gì mình đang truyền tải.
Cũng bởi được thai nghén từ cảm xúc chân thực, đồ án của Đức Anh đã nhanh chóng lan tỏa mạnh mẽ khi được chia sẻ trên mạng xã hội. Theo đó, bộ nhận diện đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ cộng đồng thiết kế cũng như công chúng yêu văn hóa.
Nhiều người bày tỏ sự xúc động khi thấy những biểu tượng quen thuộc của Hà Nội được thể hiện một cách mới mẻ, hiện đại mà không làm mất đi tinh thần gốc. Bên cạnh đó, cũng có những góp ý mang tính xây dựng, giúp Đức Anh hoàn thiện hơn góc nhìn và khả năng triển khai thiết kế trong môi trường thực tế.

Thiết kế nhận diện trang Fanpage. Ảnh: NVCC
Câu hỏi khiến chàng sinh viên năm cuối trăn trở nhiều nhất sau khi đồ án được công bố chính là: “Liệu thiết kế này có thể ứng dụng thực sự trong đời sống, chứ không chỉ dừng lại trên giấy?”.
Chính điều đó đã mở ra một bước ngoặt lớn khi Đức Anh bất ngờ nhận được lời mời gặp mặt trực tiếp từ Ban Giám đốc Bảo tàng Hà Nội để thảo luận về việc đưa vào sử dụng bộ nhận diện thương hiệu độc đáo này.

Dương Đức Anh cùng giảng viên hướng dẫn gặp và làm việc với lãnh đạo Bảo tàng Hà Nội. Ảnh: NVCC
Trong buổi gặp mặt đó, Đức Anh đã nhận được lời cảm ơn từ Giám đốc Bảo tàng Hà Nội Nguyễn Tiến Đà vì đã quan tâm đến bảo tàng và bộ nhận diện viral cũng giúp quảng bá tốt hơn. "Bác Giám đốc Bảo tàng Hà Nội cũng mời mình hợp tác triển khai tiếp cho bộ nhận diện hiện tại. Mặc dù đồ án đã hoàn thiện rồi, nhưng để đưa vào thực tế thì vẫn cần sửa nhiều" - Đức Anh chia sẻ.
Dù bộ nhận diện thương hiệu này hiện mới dừng lại ở mức độ đề xuất nhưng việc được chính Bảo tàng Hà Nội – đơn vị mà đồ án hướng đến công nhận và đánh giá cao đã mở ra cho Đức Anh rất nhiều cơ hội phát triển trong tương lai. Đây chính là minh chứng cho việc người trẻ hoàn toàn có thể góp phần tạo nên những thay đổi tích cực trong việc gìn giữ, lan tỏa di sản văn hóa khi họ được tin tưởng và trao cơ hội.

Hà Nội - sắt son một tình yêu và niềm tin quyết thắng
Kinhtedothi - Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), được sự chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, Sở VH&TT Hà Nội, sáng 9/4, Bảo tàng Hà Nội tổ chức chương trình Tọa đàm – Gặp mặt nhân chứng lịch sử “Hà Nội - Ý chí và niềm tin quyết thắng”. Tới dự có Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong.

Tìm hiểu văn hóa Nhật Bản qua workshop “Gặp gỡ mùa Xuân”
Kinhtedothi - Ngày 18/4, Trung tâm điều phối các hoạt động sáng tạo Hà Nội phối hợp với các tổ chức, cá nhân, nghệ nhân và chuyên gia tổ chức workshop “Gặp gỡ mùa Xuân” tại Bảo tàng Hà Nội.

Điều chỉnh, bổ sung Bảo tàng Đảng Cộng sản Việt Nam vào quy hoạch
Kinhtedothi - Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà giao Bộ VHTT&DL chủ trì, phối hợp với UBND TP Hà Nội và các cơ quan liên quan khẩn trương lập hồ sơ trình chủ trương điều chỉnh, bổ sung Bảo tàng Đảng Cộng sản Việt Nam vào Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.