Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đồ án Quy hoạch GTVT Thủ đô: Hướng tới vận tải đa phương thức

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Có thể khẳng định cơ cấu vận tải, cả hành khách lẫn hàng hóa của Hà Nội đang mất cân đối nghiêm trọng; các phương thức vận tải đường bộ đang chiếm tới 90% thị phần hành khách, 80% thị phần hàng hóa.

Hơn nữa, ngay chính trong cơ cấu riêng của mỗi loại hình vận tải cũng thiếu hẳn sự cân bằng, ổn định.

Vòng luẩn quẩn

Theo khảo sát của Tổng Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI), tới năm 2030, tổng nhu cầu đi lại của người dân Thủ đô ước đạt 27,7 triệu chuyến đi/ngày, đêm; lượng khách luân chuyển giữa TP với các tỉnh vào khoảng 1,4 triệu lượt/ngày, đêm; di chuyển nội tại đạt 0,3 triệu lượt/ngày, đêm. Nhu cầu vận tải hàng hóa liên tỉnh ước đạt 1 triệu tấn/ngày, đêm; nội tại khoảng 0,6 triệu tấn/ngày, đêm. Thế nhưng, cơ cấu vận tải của Hà Nội hiện đang mất cân đối nghiêm trọng với 80% thị phần hàng hóa, 90% thị phần hành khách đổ dồn lên mạng lưới vận tải đường bộ. Hà Nội có tới 400km đường sông nhưng giao thông thủy nội địa vẫn chỉ ở dạng thức nhỏ lẻ, rời rạc. Tương tự, Hà Nội mới chỉ có đường sắt liên tỉnh, thiếu hoàn toàn kết nối nội bộ, và thị phần vận tải của loại hình này hiện chỉ chiếm khoảng 5%. Hàng không, một trong những định hướng vận tải của tương lai với tầm kết nối rộng, hiện đại, chất lượng cao thì mới chỉ có Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.
Trạm trung chuyển xe buýt công cộng Hoàng Quốc Việt, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Trạm trung chuyển xe buýt công cộng Hoàng Quốc Việt, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Ngoài sự mất cân đối giữa các phương thức vận tải công cộng, sự gia tăng không ngừng của phương tiện cá nhân cũng đang đặt "gánh nặng nghìn cân" lên hạ tầng và công tác tổ chức giao thông. Giám đốc Trung tâm Quản lý & điều hành giao thông đô thị Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải nhận định: “Với 69,2% phương tiện tham gia giao thông hàng ngày là xe máy và ô tô cá nhân, bài toán giao thông đang ngày càng trở nên phức tạp, khó giải quyết”.

Không chỉ vậy, Hà Nội còn đang thiếu cả diện tích làm bãi đỗ xe, điểm trung chuyển, kết nối các loại hình vận tải công cộng và không gian dành cho người đi bộ. Trên thực tế, TP mới chỉ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu đất dành cho giao thông tĩnh. Vì thế, dẫn đến áp lực mạnh mẽ, kiềm chế sự phát triển của cả mạng lưới vận tải nói chung, tạo sức ép lên mỗi loại hình vận tải nói riêng. Chuyên gia giao thông Đặng Chí Nga cho rằng, với một TP khoảng 8 triệu dân như Hà Nội mà chỉ có 5 bến xe lớn, đa số nằm trong nội thành là bất hợp lý. 5 bến xe chỉ giải quyết được một phần nhu cầu vận tải nhưng lại gây áp lực giao thông cho các khu phụ cận. Trong khi đó, các loại hình vận tải khối lượng lớn như đường sắt đô thị, hàng không, đường thủy nếu muốn phát triển cũng rất cần không gian đối ứng để phục vụ trung chuyển. “Nếu không có quy hoạch phù hợp, khoa học, sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn: Vận tải “ép nghẹt” giao thông, giao thông kiềm chế năng lực vận tải” - ông Đặng Chí Nga nói. Thực tế này đòi hỏi Hà Nội phải có một quy hoạch chi tiết, lâu dài, đảm bảo cân đối cơ cấu vận tải, phát huy bền vững tác dụng của từng loại hình, từng lĩnh vực.

Kết hợp hài hòa giữa 4 loại hình vận tải

Ngày 30/7 vừa qua, UBND TP Hà Nội đã chính thức công bố Đồ án Quy hoạch GTVT Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050. Tổng Giám đốc TEDI Phạm Hữu Sơn cho biết: “Đồ án đã xác định trọng tâm là xây dựng mạng lưới vận tải đa phương thức, tận dụng triệt để các thế mạnh vốn có, kết hợp hài hòa giữa 4 loại hình: đường sắt, đường bộ, đường thủy, hàng không, chú trọng kiến tạo các trung tâm tiếp vận để nâng cao năng lực vận tải”. Theo đó, 3 mục tiêu lớn nhất cần đạt được của Quy hoạch là: Giảm phương tiện cá nhân, nâng thị phần vận tải công cộng; dịch chuyển cơ cấu vận tải, đặc biệt là hàng hóa sang các lĩnh vực đường thủy, đường sắt; di dời toàn bộ bến xe liên tỉnh ra ngoại thành, phát triển thành các trung tâm tiếp vận, tập trung xây dựng các khu vực trung chuyển trong nội thành để kết nối giao thông đô thị trung tâm.

Theo Quy hoạch, để hỗ trợ cho hệ thống đường bộ, 300km đường sắt đô thị sẽ được xây dựng với 8 tuyến phục vụ, kết hợp với 5 tuyến hướng tâm và 1 vành đai của đường sắt quốc gia. Trong đô thị lõi, Hà Nội sẽ có 3 tuyến tàu điện một ray, 8 tuyến buýt nhanh BRT là những phương thức vận chuyển số lượng lớn, có khả năng đáp ứng từ 55 - 60% nhu cầu đi lại cho đến năm 2030, 60 - 70% sau năm 2030. Còn với hơn 400km đường thủy lâu nay vốn không phát huy được thế mạnh, Hà Nội sẽ xây dựng theo tiêu chí phục vụ nhu cầu vận tải hàng hóa là chính, phấn đấu đạt 25 - 30% thị phần vào năm 2030. Ngoài ra, Hà Nội sẽ xây dựng Cảng hàng không Nội Bài thành một sân bay hiện đại với 4 nhà ga; sân bay Gia Lâm phục vụ dân dụng, nội địa tầm ngắn và quân sự; 2 sân bay quân sự: Hòa Lạc, Miếu Môn; sân bay Bạch Mai dành riêng cho trực thăng và cứu hộ. Đồng thời 7 trung tâm tiếp vận sẽ được xây dựng vừa để phục vụ vận tải đa phương thức, đảm bảo kết nối và chuyển tiếp giữa các loại hình giao thông đường; vừa cho phép phát triển chuỗi cung ứng hạ tầng kho bãi, dịch vụ giá trị gia tăng, tiêu thụ hàng hóa của loại hình logistic hoàn chỉnh.

Các chuyên gia cho rằng, một khi hạ tầng đã được phân tách mục tiêu đáp ứng mạch lạc, hướng tới khả năng vận hành toàn diện, khoa học; vận tải sẽ dần ổn định và trở thành thế mạnh, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. TS Đặng Minh Tân khẳng định: “Sự dịch chuyển cơ cấu vận tải tất yếu phải dựa trên khả năng đáp ứng của hạ tầng giao thông. Quy hoạch hạ tầng tốt sẽ giúp mạng lưới vận tải hoạt động nhịp nhàng, cân đối và quan trọng nhất là có tính ổn định, bền vững”.
TP Hà Nội đang hướng đến ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng, từng bước hạn chế phương tiện giao thông cá nhân trong khu vực nội đô. Muốn làm được như vậy cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng, đưa vào vận hành các tuyến đường sắt đô thị, tàu điện một ray… là các loại hình vận tải khối lượng lớn, có ưu thế về tỷ trọng và tần suất vận chuyển.
Giám đốc Trung tâm Quản lý & điều hành giao thông đô thị Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải