Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dở khóc dở cười chuyện quà tặng 20/11

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Chuyện tặng quà cho thầy cô nhân ngày 20.11 vốn là chuyện rất thường tình, ngay cả chuyện đưa phong bì cho thầy cô nhân dịp này cũng không phải chuyện xưa nay hiếm.

KTĐT - Chuyện tặng quà cho thầy cô nhân ngày 20.11 vốn là chuyện rất thường tình, ngay cả chuyện đưa phong bì cho thầy cô nhân dịp này cũng không phải chuyện xưa nay hiếm. Nhưng trong số ấy, có những món quà nếu như không được chuẩn bị đúng hoặc cách đưa thiếu tế nhị sẽ làm cho thầy cô giáo cảm thấy bối rối, thậm chí có cảm giác bị xúc phạm.

20/11 là ngày để học trò thể hiện sự yêu mến và lòng biết ơn đối với thầy cô giáo của mình thông qua những lời chúc và những món quà ý nghĩa. Tuy nhiên, quà tặng không phải lúc nào cũng đem đến niềm vui cho người nhận, có khi còn mang đến những tình huống dở khóc dở cười cho chính thầy cô giáo của mình.

Chị Hương (Q.3) - Một phụ huynh học sinh nhớ lại chuyện tặng quà cho thầy cô của con nhân ngày 20.11 năm ngoái mà không khỏi ngượng ngùng: "Nhà có 3 cháu đang tuổi đi học,  20.11 mình cũng chuẩn bị 3 món quà và cùng con đến thăm nhà của từng thầy cô chủ nhiệm. Trong số 3 thầy cô chủ nhiệm của con thì có 2 cô và 1 thầy nên mình chuẩn bị 2 món quà cho cô là hai bộ vải may áo dài, còn thầy thì một bộ áo sơ mi quần tây, trong mỗi món quà đều có thiệp ghi lời chúc thầy, chúc cô rõ ràng. Nhưng chẳng hiểu vội vã thế nào mà lại đi tặng nhầm quà của thầy cho cô, đến lúc đi thăm thầy chủ nhiệm cuối cùng của con thì phát hiện còn hộp quà của cô trên tay. Đúng là chẳng ra sao cả. Năm nay mình phải chú ý gói quà thật khác và ghi chú kỹ hơn".

Còn bạn Phương Ngân - Sinh viên của trường KHXH&NV nhớ lại: "Tụi mình học văn bằng 2 nên cũng có nhiều anh chị lớn trong lớp, biết môn sắp thi khó vì các khóa trước rớt như sung nên các anh chị bàn nhau nhân dịp 20.11 thì mua quà đem đến nhà tặng thầy để có gì nhờ thầy du di cho tí. Đến ngày 20.11, đại diện lớp kéo cả chục người đến nhà thầy, thầy cũng mời vào nhà đón tiếp hẳn hoi, nói chuyện vui vẻ nhưng đến khi nói chuyện quà cáp thì thầy nhất định không nhận. Thầy bảo: Các anh chị đem quà về đi, xưa nay tôi không có tiền lệ nhận quà của học trò bao giờ. Dù nói thế nào thầy cũng không nhận, thế là cả nhóm đành "tẽn tò" kéo nhau về".

Chuyện tặng quà cho thầy cô nhân ngày 20.11 vốn là chuyện rất thường tình, ngay cả chuyện đưa phong bì cho thầy cô nhân dịp này cũng không phải chuyện xưa nay hiếm. Nhưng trong số ấy, có những món quà nếu như không được chuẩn bị đúng hoặc cách đưa thiếu tế nhị sẽ làm cho thầy cô giáo cảm thấy bối rối, thậm chí có cảm giác bị xúc phạm.

Cô H.H - Giáo viên một trường dân lập tại TP.HCM kể: "Gia đình vốn theo nghề giáo nên ngay từ nhỏ mình cũng ước mơ theo nghề bố mẹ, lớn lên may mắn mình được học và dạy ở thành phố lớn. Ra trường với bao quyết tâm và nhiệt với nghề nhưng thực tế có những chuyện mình cũng không ngờ đến. Nhớ lại ngày 20.11 đầu tiên trong đời làm giáo viên đã có một chuyện làm mình thấy bị tổn thương, đó là khi phụ huynh mang phong bì đến gặp mình. Sau mấy câu qua loa hỏi thăm thì họ đưa phong bì ra rồi đề nghị giúp đỡ con mình, còn nói nếu cháu bị điểm kém nhờ cô du di nâng điểm giùm. Thực chất nếu con họ học kém, họ vẫn có thể đến gặp và nhờ mình kèm và chú ý đến con họ hơn, đừng đưa phong bì như vậy làm mình thấy đây như một thứ để trao đổi và cảm giác nghề giáo của mình bị bôi nhọ".

Cô M.N, là giáo viên của một trường tiểu học tại TP.HCM cho biết: "Khi nhận được những món quà dù rất nhỏ từ học trò cũng rất vui, vì nó thể hiện sự yêu mến của học trò dành cho mình. Nhưng trong số những học trò tặng quà là những bó hoa hay là một tấm thiệp tự làm thì lại có phụ huynh đưa phong bì cho con bảo đem đến cho cô, thậm chí có người còn rút phong bì ngay trước mặt con để đưa cho mình. Điều này quả thật làm tôi thấy rất bối rối, đấy là chưa kể đến việc sẽ gây ra những nhận thức không tốt cho trẻ về việc này".

Bên cạnh những câu chuyện và những món quà gây bối rối ấy, cũng có những câu chuyện dễ thương khác từ chính những học trò nhỏ của mình. Cô T.L - cũng là giáo viên của một trường tiểu học nhớ lại: "Đầu năm học mình được giao làm chủ nhiệm của lớp 1B, nhưng chưa tới 2 tháng sau thì nhà trường thuyên chuyển mình sang chủ nhiệm lớp 1D và lớp 1B của mình được chuyển lại cho một thầy giáo khác. Đến ngày 20.11, mình cũng nhận được khá nhiều quà của học trò lớp chủ nhiệm cũ, nhưng khi về nhà và mở ra xem thì thấy rất nhiều món quà và lời chúc dành cho thầy chủ nhiệm lớp 1B. Mình hiểu ra và gói cẩn thận lại món quà đó, sau đó chuyển lại cho thầy. Tuy nhiên mình lại cảm thấy rất vui vì học trò vẫn còn nhớ và yêu quý mình".

Thay cho lời kết là lời của một thầy giáo đã gắn bó hơn 30 năm với nghề giáo: "Một món quà dù nhỏ nhưng xuất phát từ tấm lòng, sự kính trọng và yêu mến của học trò dành cho thầy cô thì còn quý hơn gấp ngàn lần những món quà đắt tiền nhưng lại thiếu tấm lòng và xuất phát từ mục đích khác".