Đó là những nhận định của TS Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khi trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị.
Động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2024
Năm 2023 sắp qua với nhiều khó khăn thách thức. Mục tiêu tăng trưởng GDP 2024 là 6 - 6,5%. Ông đánh giá sao về khả năng thực hiện mục tiêu này?
- Tôi cho rằng, khi Chính phủ trình Quốc hội chỉ tiêu tăng trưởng GDP 6 - 6,5% là đã nhận thức được khó khăn của kinh tế trong nước và kinh tế thế giới. Bởi hết năm 2023, tức là đã hết 3/5 nhiệm kỳ 2021 - 2025, tăng trưởng rất khó khăn.
2024 vẫn được đánh giá là một năm không mấy dễ dàng với kinh tế Việt Nam và cả thế giới, bởi những khó khăn trong nội tại nền kinh tế của năm 2023 được dự báo kéo dài đến năm 2024. Trong khi đó, tình hình địa chính trị thế giới vẫn diễn biến phức tạp và khó lường, tăng trưởng kinh tế thế giới vẫn được dự báo giảm nhẹ, cùng với đó, tăng trưởng kinh tế của nhiều nước đối tác thương mại lớn của Việt Nam cũng được dự báo giảm.
Mặc dù kinh tế trong nước 11 tháng đầu năm 2023 có dấu hiệu cải thiện nhưng vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, khu vực DN tiếp tục khó khăn, tăng trưởng xuất nhập khẩu nhìn chung vẫn giảm, thu ngân sách Nhà nước giảm; giải ngân vốn đầu tư công có chuyển biến tăng cả về tổng giá trị và tỷ lệ giải ngân nhưng vẫn chậm so với yêu cầu. Nền kinh tế chủ yếu dựa vào vốn tín dụng ngân hàng nhưng hệ thống ngân hàng cũng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro về nợ xấu; trong khi đó thị trường bất động sản, chứng khoán, trái phiếu DN còn khó khăn, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Như vậy, bối cảnh thế giới và trong nước cũng đặt ra nhiều thách thức trong công tác điều hành. Mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 từ 6 - 6,5% là nhiều thách thức nhưng chúng ta cần phấn đấu. Tôi cho rằng, cần xem những động lực thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế, những động lực mới và cả các yếu tố kinh tế, chính trị thế giới tác động vào Việt Nam để xác định động lực.
Theo ông những điểm sáng nào của kinh tế năm 2023 mà chúng ta có thể tận dụng, duy trì?
- Về lạm phát không quá lo, đến tháng 11/2023 tăng bình quân 3,22% và cả năm là 3,3%, dự báo năm 2024 bình quân ở mức 3,5%, do giá cả hàng hóa còn cao, lượng cung tiền và vòng quay tiền sôi động hơn.
Sự dịch chuyển chuỗi cung ứng và dòng vốn đầu tư toàn cầu là một trong số những cơ hội, bởi Việt Nam vẫn đang hưởng làn sóng đầu tư FDI lần thứ tư như việc hãng Intel mở rộng nhà máy sản xuất, toàn bộ hệ thống tai nghe của Apple sẽ tiếp tục mở rộng tại Việt Nam…
Rủi ro tài khóa ở mức trung bình, dư địa chính sách vẫn còn. Lạm phát và lãi suất đang giảm, tỷ giá cơ bản ổn định. Lãi suất đã chạm “đáy” nhưng nếu duy trì được mức lãi suất thấp trong cả năm 2024 thì đây sẽ là tín hiệu tích cực để phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng được chú trọng. Hội nhập quốc tế được đẩy mạnh như nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ và Nhật Bản. Cơ cấu lại nền kinh tế, hoàn thiện thể chế được thúc đẩy như sửa đổi luật đất đai, luật nhà ở, luật kinh doanh bất động sản… Đó là những tín hiệu khả quan đối với nền kinh tế Việt Nam…
Kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động hội nhập
Nhiều chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh kinh kinh tế toàn cầu năm 2024 vẫn đối diện với nhiều rủi ro. Trong điều kiện xuất khẩu chưa hết khó khăn, kích cầu thị trường trong nước sẽ tạo “đòn bẩy” phục hồi kinh tế?
- Những bất ổn địa chính trị trong thời gian gần đây cùng với những xung đột lan rộng cảnh báo nguy cơ kinh tế thế giới tiếp tục trải qua thời kỳ khó khăn, thậm chí còn khó khăn hơn cả năm 2023. Việt Nam cần phát huy hơn nữa các động lực tăng trưởng hiện hữu như xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng.
Trong bối cảnh khó khăn, bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tiếp tục sôi động. 11 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước.
Khai thác tốt thị trường trong nước là một trong những giải pháp quan trọng giúp DN phục hồi sản xuất, kinh doanh. Muốn vậy, cần có những giải pháp đồng bộ theo dõi sát diễn biến, cung cầu giá cả các mặt hàng để có biện pháp điều tiết kịp thời, bảo đảm phân phối hàng hóa hợp lý giữa các vùng miền, đặc biệt là ổn định giá cả và lưu thông hàng hóa.
Kích cầu tiêu dùng bằng cách hỗ trợ trực tiếp cho người dân trong tiêu dùng để tăng sức mua; giảm giá hàng tiêu dùng, giảm lãi suất, giảm thuế thu nhập cá nhân và DN, tăng cho vay tiêu dùng, đồng thời giãn, khoanh nợ và tăng hỗ trợ an sinh xã hội. Ngoài ra, các chính sách cần khai thác tốt hơn khu vực thị trường nông thôn vốn có nhiều dư địa cũng như phát triển thương mại điện tử một cách mạnh mẽ hơn.
Năm 2023, Thái Lan sẽ có những chủ trương bơm tiền cho tiêu dùng nội địa để kéo theo sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đây là gợi ý tốt cho Việt Nam.
Nói về thị trường bất động sản, năm 2023, bất động sản trở thành tâm điểm quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành, vẫn tiếp tục rà soát để sửa đổi bổ sung pháp luật liên quan tới khó khăn, vướng mắc để dần phục hồi góp phần thúc đẩy tăng trưởng. Ông dự đoán ra sao về thị trường này?
- Từ những tháng cuối năm 2022 và năm 2023, yêu cầu phục hồi và phát triển bền vững thị trường bất động sản được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm. Theo đánh giá của chúng tôi, những khó khăn, vướng mắc của thị trường bất động sản đang là điểm nghẽn lớn, cản trở sự phát triển bình thường của thị trường và làm giảm tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.
Để thúc đẩy tăng trưởng năm 2024, chúng ta cần tăng cường đầu tư trong nước theo hai hướng. Một là đầu tư công thông qua những dự án cơ sở hạ tầng, đặc biệt gắn thời gian phê duyệt đường sắt cao tốc để triển khai cắm mốc và giải phóng mặt bằng càng sớm càng tốt. Khi thông qua Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2024, cũng đã nhấn mạnh việc Chính phủ phải thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2024, nhất là đối với các dự án trọng điểm.
Hai biện pháp cơ bản, quyết định thành công của năm 2024 chính là đầu tư công và tháo gỡ khó khăn cho DN, đặc biệt là các DN bất động sản. Cho đến thời điểm hiện tại, những khó khăn về mặt pháp lý đang được xử lý rất rốt ráo. Do đó, cùng với sự vào cuộc nhanh chóng và mạnh mẽ của Chính phủ thì địa phương và các DN cần hoàn thiện chính mình để có những sản phẩm cung ứng ra thị trường.
Hy vọng sau hàng loạt động thái quyết liệt của Chính phủ, thị trường bất động sản kỳ vọng sẽ bước vào giai đoạn hồi phục và phát triển ổn định, bền vững, an toàn, lành mạnh, qua đó đóng góp vào tăng trưởng kinh tế đất nước trong thời gian tới.
Điểm nghẽn hiện nay là vốn dư thừa nhưng không ra được nền kinh tế. Cách nào khơi thông nguồn vốn tháo gỡ khó khăn cho DN?
- Trên 95% DN tại Việt Nam là DN nhỏ và vừa. Trong bối cảnh khó khăn, những DN nhỏ và vừa đã bị tác động rất lớn và khả năng tiếp cận vốn ngân hàng ngày càng khó hơn. Ngân hàng Nhà nước đã nhìn thấy vấn đề đó và đã rất mạnh dạn ban hành hai thông tư có tính xương sống trong hoạt động cấp tín dụng của ngành ngân hàng.
Vì vậy, một trong những câu chuyện quan trọng nhất để cung và cầu gặp nhau hiện nay là Nhà nước cần có chính sách để nâng được chuẩn của người đi vay. Để làm được việc này, Chính phủ cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung những quy định, văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các Quỹ hỗ trợ DN nhỏ và vừa, liên quan đến các Quỹ bảo lãnh cho các khoản vay của DN nhỏ và vừa và từ đó giúp DN nhỏ và vừa đáp ứng đủ điều kiện để tiếp cận các nguồn vốn.
Ông có nói đến những động lực tăng trưởng mới, cần thúc đẩy bằng cách nào?
- Bên cạnh các động lực tăng trưởng hiện hữu như xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng cần thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế, như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thương mại điện tử, các ngành, lĩnh vực mới nổi, các mô hình kinh doanh mới, các mô hình kinh doanh có hiệu quả…
Đặc biệt quan trọng là động lực đột phá về thể chế. Bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cần có chiến lược và chính sách đột phá để phát triển các ngành kinh tế trong bối cảnh mới. Cần tiếp tục thúc đẩy cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan tới đầu tư kinh doanh, tháo gỡ rào cản kinh doanh, đặc biệt khắc phục tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm. Nếu dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm mà tạo ra nhiều lợi ích cho đất nước, thì ngay lập tức phải có cơ chế đặc thù để triển khai.
TS. Nguyễn Đức Kiên
Cần đẩy mạnh liên kết vùng, đặc biệt ở các đầu tàu kinh tế như Thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… Cần tranh thủ các cơ hội mới từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng sản xuất, thương mại, đầu tư toàn cầu và khu vực, quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với các nước để thu hút các tập đoàn đa quốc gia đầu tư, hình thành hệ sinh thái chip, bán dẫn, sản xuất linh kiện, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, đào tạo nhân lực công nghệ cao…, qua đó thúc đẩy mạnh mẽ tăng năng suất lao động, tăng trưởng kinh tế cả trong trung và dài hạn.
Xin cảm ơn ông!