Đô thị Hà Đông, sức bật mới

Bài và ảnh Bích Hời
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội và Nghị quyết 19 của Chính phủ, Hà Đông đã trở thành một quận trung tâm của TP Hà Nội với nhiều khu đô thị mới khang trang, hiện đại và trật tự quy hoạch từng bước được đảm bảo.

Xây dựng nền nếp trật tự đô thị

Những ngày đầu mới sáp nhập, các địa phương ở xa trung tâm quận nhất là 6 xã mới đều gặp rất nhiều khó khăn về hạ tầng đô thị, như: Đường giao thông xuống cấp, nhỏ hẹp; thiếu trường lớp, điện, nước sinh hoạt … Đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của người dân cũng vì thế mà gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn.
 Tuyến đường về Đồng Mai trước đây lầy lội, sau 10 năm sáp nhập với Hà Nội được cải tạo nâng cấp. Hội Phụ nữ còn tổ chức trồng hoa 2 bên đường tạo cảnh quan môi trường sạch đẹp.
Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, được sự chỉ đạo sát sao của các cấp, ngành trên địa bàn TP, ngay sau khi sáp nhập quận đã xây dựng, củng cố và ổn định hệ thống chính trị, bộ máy nhà nước từ quận đến 17 phường. Quận tập trung tuyên truyền mở rộng địa giới hành chính thành phố Hà Nội, thông qua tổ chức các hội nghị trao đổi một số nhiệm vụ với Bí thư Đảng uỷ xã, phường trên địa bàn; đồng thời tổ chức xe tuyên truyền lưu động, treo băng cờ, khẩu hiệu; thay đổi nội dung khẩu hiệu bảng điện tử trên một số đường phố, nơi có đông người qua lại, tổ chức đêm văn nghệ tại quận và các xã, phường trên địa bàn.
Theo ông Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch UBND quận: Hà Đông triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ lớn, phức tạp trong điều kiện hệ thống cơ chế chính sách chưa đồng bộ, năng lực trình độ của một số cán bộ, đảng viên còn hạn chế, ý thức xây dựng nếp sống văn minh đô thị của một bộ phận nhân dân chưa theo kịp quá trình đô thị hoá, nhất là khu vực từ xã lên phường. Tuy nhiên, Hà Đông đã lấy đoàn kết, thống nhất, dân chủ và đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo theo hướng tập trung, dân chủ, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; cán bộ, đảng viên luôn giữ vững lập trường tư tưởng, gương mẫu, đi đầu trong mọi công việc.
 Các diện tích đất được rà soát theo quy hoạch phân khu, tạo điều kiện cho các DN xây dựng các khu đô thị mới khang trang, sạch đẹp, đúng quy hoạch.
Để phát triển đô thị đảm bảo quy hoạch được duyệt, quận rà soát lại các quy hoạch phân khu, dự án trên địa bàn, chỉ đạo các phòng ban chuyên môn và địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc xây dựng đô thị theo trật tự quy hoạch được cấp phép và giám sát, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước. Chỉ sau 2 năm đẩy mạnh tuyên truyền và kiểm tra, giám sát việc thực hiện xây dựng theo quy hoạch, người dân Hà Đông đã cơ bản thực hiện xây dựng các công trình đều xin cấp phép, tạo nền nếp trong phát triển đô thị theo quy hoạch. 10 năm quận đã cấp phép xây dựng nhà ở cho 21.071 hộ; thẩm định, góp ý kiến 1.267 công trình và dự án các loại; kiểm tra 493 hồ sơ quản lý chất lượng công trình.

Diện mạo mới cho đô thị

Sau khi Hà Nội hợp nhất, Hà Đông triển khai 16 khu đô thị mới, trên 100 dự án đầu tư trên địa bàn và trên 40 khu đất dịch vụ phải giải phóng mặt bằng bàn giao cho chủ đầu tư và người dân. Để giải quyết được khối lượng khá lớn này quận đã phối hợp với Sở Quy hoạch kiến trúc, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội thẩm định quy hoạch phân khu S3, S4, GS trình UBND thành phố phê duyệt; đồng thời lập quy hoạch điều chỉnh và phê duyệt 29 khu đất dịch vụ giao đất cho nhân dân. Theo ông Nguyễn Quang Ngọc, để công tác giải phóng mặt bằng được triển khai nhanh chóng, quận Hà Đông đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, Trung tâm phát triển quý đất, địa phương có dự án thực hiện tốt công tác kiểm đếm, áp giá sát thực tế đảm bảo được quyền lợi cho người dân, dự án và đúng quy hoạch; giải quyết tốt các thủ tục hành chính cho người dân.
 Khu trung tâm quận luôn sạch đep và phát triển cây xanh đảm bảo môi trường.
Hầu hết các địa phương của quận Hà Đông đều có nhiều công trình xây dựng, trong đó có những công trình trọng điểm của TP như xây dựng công trình đường sắt Cát Linh – Hà Đông, xây dựng trạm bơm tiêu úng, khu nhà ở xã hội, nhà ở đô thị, đất dịch vụ, hạ tầng đô thị khớp nối các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ trên địa bàn… Với sự lắng nghe thông qua đối thoại, quận Hà Đông và các phường đã chủ động tháo gỡ khó khăn cho DN và đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, tạo thuận lợi cho chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ dự án.

Từ 2008 - 2017 quận triển khai thực hiện 112 dự án, trên diện tích 1.038,5 ha, liên quan đến 29.945 lượt hộ gia đình. Trong đó, có 65 dự án đã được bàn giao mặt bằng, diện tích 685,6 ha; có 21.505 lượt hộ đã nhận tiền bồi thường, hỗ trợ với số tiền đã chi trả 2.435,5 tỷ đồng. Trong 10 năm, Hà Đông đã quyết toán 1.370 công trình được duyệt; hoàn thành đưa vào sử dụng 1.071 công trình và có 57 công trình đang thi công. Tổng vốn đầu tư xây dựng 10 năm đạt hơn 6.933 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách quận đầu tư trên 5.417 tỷ đồng, ngân sách phường trên 828 tỷ đồng, còn lại là nguồn đầu tư từ TP. Cùng với đó, quận triển khai tốt các chương trình của Thành uỷ, UBND thành phố về “Nâng cao hiệu quả công tác quản lý đô thị và quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn quận Hà Đông”. Các đơn vị và địa phương đã tăng cường kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm hành lang ATGT, đảm bảo trật tự công cộng, đô thị trên địa bàn, xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo và yêu cầu hàng nghìn trường hợp khắc phục vi phạm trật tự đô thị.
 Bên cạnh những khu đô thị mới khang trang, các tuyến đường từng bước được đảm bảo trật tự đô thị, vệ sinh môi trường.
Hàng loạt các dự án đã hoàn thành mang lại diện mạo mới cho Hà Đông như khu đô thị Mộ Lao, Dương Nội, Park City, đường Lê Văn Lương kéo dài (Tố Hữu) … Các dự án khớp nối giao thông đô thị được hoàn thành, cung cấp điện, nước, thoát nước đồng bộ cho các khu dân cư mới sáp nhập về Hà Đông đã giảm bớt những khó khăn trong sinh hoạt đời sống.

10 năm đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị tuy vẫn còn những khó khăn, song kết quả kể trên cùng với nhiều dự án đang triển khai, hoàn thiện, Hà Đông tạo ra diện mạo mới cho đô thị của Hà Nội với những khu đô thị mới gắn với bảo vệ môi trường. Ý thức của người dân, cán bộ quản lý nhà nước về đô thị được nâng lên rõ rệt trong việc quản lý và chấp hành các quy định về trật tự công cộng, đô thị. Nhiều tuyến phố đã trở nên văn minh, sạch đẹp.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần