Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đô thị hóa và giải pháp cho môi trường đô thị

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ô nhiễm môi trường đô thị là vấn đề nổi cộm trong nhiều năm gần đây và là nguyên nhân chính dẫn đến biến đổi khí hậu, trong đó các đô thị là khu vực chịu ảnh hưởng về biến đổi khí hậu rõ rệt nhất.

Ô nhiễm môi trường là nguyên nhân dẫn đến biến đổi khí hậu.

Môi trường và đô thị hóa
Theo báo cáo của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), từ sau cải cách năm 1986 của Chính phủ Việt Nam đã mở đường cho phát triển kinh tế và hợp tác với nước ngoài. Dân số thành thị và mức độ đô thị hóa của Việt Nam diễn ra với tốc độ nhanh, sự phát triển này thể hiện qua quá trình phát triển, mở rộng địa giới đô thị của Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, diện tích đất nông nghiệp thu hẹp nhường chỗ cho các hoạt động công nghiệp, thương mại - dịch vụ.
Theo Tiến sĩ quy hoạch và thiết kế đô thị Nguyễn Lưu Bảo Đoan, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là nhờ vào vai trò của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Cư dân của 2 TP này được hưởng các tiện nghi và tiện ích với chi phí thấp và chất lượng cuộc sống cao hơn hẳn các tỉnh thành khác ở khu vực lân cận. Các DN nước ngoài cũng thường cân nhắc hai TP này để đặt trụ sở hoặc cơ sở kinh doanh, nhất là các DN hoạt động trong lĩnh vực thương mại và văn phòng.
Mật độ dân số của của 2 đô thị này giúp cho việc cung cấp các dịch vụ tiện ích hàng ngày như: Điện, nước, xử lý nước thải, giao thông công cộng... rẻ hơn các vùng nông thôn. Và cũng là nơi tập trung nhiều ngành dịch vụ mà không tiêu tốn tài nguyên thiên nhiên.
Nhưng việc gia tăng dân số trong quá trình đô thị hóa dẫn đến những vấn nạn cho đô thị như: Ùn tắc giao thông, quá tải hạ tầng xã hội - hạ tầng kỹ thuật, rác thải khí thải gia tăng tác động đến môi trường và biến đổi khí hậu. Trong đó, Hà Nội là địa bàn dễ bị ảnh hưởng bởi những tác động này, số liệu của Sở TN&MT Hà Nội, những năm gần đây nhiệt độ trung bình năm trên địa bàn TP tăng 0,7 độ C, độ lệch tiêu chuẩn lượng nước mưa trong năm biến đổi trong khoảng 311 - 502mm. Thông số trên cho thấy, Hà Nội dễ bị “tổn thương” do những biến đổi của môi trường, khí hậu.
Tuy nhiên, theo TS.Nguyễn Lưu Bảo Đoan, quá trình đô thị hóa sẽ đẩy các ngành sản xuất ô nhiễm ra xa TP, thay vào đó là lĩnh vực thương mại, dịch vụ tạo ra một lượng vật chất lớn cho xã hội, ở một số nước quá trình đô thị hóa còn giúp giảm mức độ ô nhiễm không khí khi đo bằng chỉ số CO2, nhưng mối quan hệ “cộng sinh” giữa môi trường và đô thị hóa không phải xảy ra một cách tự nhiên, mà nó có sự tác động trực tiếp của con người, đó là ý thức của người dân đô thị và khi TP được đầu tư trở thành đô thị thông minh - đô thị xanh thì sẽ hài hòa được mối quan hệ này.
Hà Nội ứng phó với biến đổi môi trường
Thạc sĩ Trần Tuấn Anh - Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết, khi Hà Nội tiến hành mở rộng địa giới hành chính để đáp ứng với nhu cầu của phát triển kinh tế, cũng là lúc quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng và Hà Nội lại phải đương đầu với những vấn nạn về ô nhiễm môi trường nước, ô nhiễm không khí, ô nhiễm môi trường do chất thải rắn... bên cạnh vấn đề gây ô nhiễm từ các phương tiện giao thông, tình trạng vi phạm pháp luật về môi trường của người dân, DN, làng nghề diễn ra phổ biến hơn...
Số liệu từ Sở TN&MT Hà Nội, thời gian gần đây những “tổn thương” của Hà Nội do ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu ngày càng lan rộng, trên 3.900ha diện tích đất nội thành có nguy cơ tổn thương cao và gần 700ha có nguy cơ tổn thương rất cao do vấn đề về ô nhiễm, ngập lụt. Trong đó, ô nhiễm nguồn rác thải gây ra những chất hóa học như dioxin, cacbon dioxit... gây ung thư và biến đổi gen, ảnh hưởng đến sức khỏe, hoạt động sản xuất của con người.
Theo Phó GĐ Sở TN&MT Hà Nội Lê Tuấn Định, trong thời gian qua TP Hà Nội đã đầu tư kinh phí để thực hiện nhiều biện pháp giúp cho môi trường bền vững, như: Chương trình trồng mới 1 triệu cây xanh; Duy tu, duy trì hoạt động của 104 hồ điều hòa trên toàn TP; Xử lý ô nhiễm tại hơn 120 hồ điều hòa nội thành; Lắp đặt các trạm quan trắc tự động về không khí, trạm quan trắc nước; Đầu tư xây dựng và vận hành một số nhà máy đốt rác thải...
Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam Nguyễn Ngọc Sinh cho rằng, giải pháp để giảm ô nhiễm môi trường của Hà Nội hiện nay phải bắt đầu từ việc đánh giá một cách khách quan thực trạng ô nhiễm từ các cơ quan chức năng và cả nhà khoa học, để từ đó có thể truy tìm được đúng nguyên nhân, nếu không tìm được đúng nguyên nhân thì sẽ không có giải pháp đúng.
Hà Nội có vai trò là đầu tàu kinh tế của cả nước, yêu cầu về tăng trưởng kinh tế luôn đặt ra những áp lực cho Thủ đô. Nhưng trong giai đoạn hiện nay, không chỉ yêu cầu về phát triển kinh tế mà còn phải phát triển một cách bền vững, tạo một môi trường thân thiện với con người, công tác đi đầu là quy hoạch, cấp phép xây dựng. Mọi DN kinh doanh phải xây dựng cơ sở hạ tầng đủ tiêu chuẩn trước mới được phép xây dựng các công trình nhà ở kinh doanh.
“Các DN chỉ được phép hoạt động khi đã có giấy phép hoạt động đủ tiêu chuẩn vệ sinh môi trường, hiện nay nhiều DN vẫn hoạt động dù mới chỉ được cấp giấy phép kinh doanh. Ngoài công tác tuyên truyền, vận động cũng cần phải đẩy mạnh hoàn thiện chế tài liên quan đến xử lý vi phạm môi trường theo hình thức tăng nặng gấp nhiều chục lần so với thiệt hại gây ra”, ông Trần Ngọc Sinh nói.