Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đô thị Thủ đô - 70 năm nhìn lại để vững bước vươn lên

TS.KTS. Đào Ngọc Nghiêm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong quá trình phát triển, chặng đường 70 năm qua (từ sau giải phóng 1954 đến nay) là giai đoạn Thủ đô có nhiều đột phá về diện mạo đô thị.

Một Hà Nội văn minh - văn hiến - hiện đại, động lực phát triển vùng và cả nước đang hiện hữu và vươn lên để ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực. Nhân sự kiện lịch sử này nhìn lại chặng đường đã qua về diện mạo Thủ đô càng làm cho chúng ta tự hào, tin tưởng vượt qua thách thức, khó khăn, tạo động lực để vươn lên tầm cao mới.

Những ngày đầu giải phóng và công cuộc tái thiết Thủ đô

Năm 1954 hòa bình lập lại chúng ta tiếp quản Thủ đô với diện tích 152km2, dân số 54 vạn người, là TP tiêu thụ, công nghiệp nhỏ bé, hạ tầng xã hội, hệ thống dịch vụ văn hóa nghèo nàn chỉ đáp ứng cho người giàu và giai cấp thống trị.

Từ những ngày đầu hòa bình, việc giải quyết nơi ăn, ở cho cán bộ, viên chức, người lao động đã được quan tâm đầu tư xây dựng. Gần 200 khu xóm lao động với gần 2 vạn hộ dân sống trong điều kiện chật hẹp, thiếu vệ sinh đã được cải tạo sửa chữa.

Nhiều xóm nhà ở, khu nhà ở thấp tầng theo mô hình đơn vị ở xã hội chủ nghĩa đã được xây dựng như: Phúc Xá, Mai Hương, Chương Dương... Cùng với nhà ở là các công trình văn hóa cũng được xây dựng. Điểm nổi bật giai đoạn này là đã thành lập, xây dựng các trường đại học như: Tổng hợp, Y dược, Bách Khoa, Nông Lâm,… dấu ấn minh chứng Hà Nội là trung tâm văn hóa, giáo dục.

Thành phố Hà Nội nhìn từ trên cao. Ảnh: An Chi
Thành phố Hà Nội nhìn từ trên cao. Ảnh: An Chi

Để xứng đáng là Thủ đô, tháng 4/1961 Quốc hội khóa II đã quyết định mở rộng Hà Nội có diện tích 584km2, 91 vạn dân. Với sự giúp đỡ của chuyên gia nước ngoài, Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đã được phê duyệt.

Bước vào kế hoạch 5 năm (1960 - 1965) đột phá lớn về diện mạo đô thị là đã xây dựng khu nhà tập thể Kim Liên, Thọ Lão, Quỳnh Lôi, Nguyễn Công Trứ. Tiếp đó là các công trình công cộng như Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, Học viện Thủy lợi, trụ sở Cục Thống kê, lễ đài Ba Đình, hội trường Ba Đình, sân vận động Hàng Đẫy…

Đây là giai đoạn phát huy nội lực trong sáng tạo kiến trúc, diện mạo đô thị, tiền hiện đại gắn với văn hóa dân tộc không chỉ hiện diện trong nội đô mà còn lan tỏa ra ngoại thành. Điểm mới của giai đoạn này là xây dựng nhiều công trình công nghiệp như: cơ khí Quang Trung, văn phòng phẩm Hồng Hà, dệt kim Đông Xuân, Nhà máy in Tiến Bộ, Khu công nghiệp Cao Xà Lá (Thượng Đình)... bao gồm hơn 130 cơ sở (hơn 70 cơ sở của T.Ư và gần 60 cơ sở của TP).

Khi cuộc chiến tranh ở miền Nam trở nên ác liệt, Mỹ bắt đầu đánh phá miền Bắc trong đó có Thủ đô Hà Nội. Bên cạnh hứng chịu thiệt hại, tàn phá của bom đạn, Hà Nội lại còn chịu tác động của lũ lụt (đợt lũ cao nhất tháng 8/1971, mực nước sông Hồng lên tới 12,5m).

Trong bối cảnh này phải nghiên cứu lại phương án phát triển Thủ đô. Năm 1974 đã phê duyệt điều chỉnh tổng mặt bằng phát triển Thủ đô: khống chế Hà Nội cũ với 40 vạn dân, phát triển Thủ đô lên Vĩnh Yên với 60 vạn dân. Trong giai đoạn này diện mạo đô thị ít thay đổi, chủ yếu khắc phục thiên tai, cải tạo nhỏ lẻ.

Giai đoạn mới, vị thế mới

Cuộc chiến tranh chống Mỹ toàn thắng, đất nước thống nhất đã mở ra giai đoạn phát triển mới, vị thế mới cho Thủ đô. Để định hướng phát triển, tháng 7/1976 Hội đồng Bộ trưởng đã có Quyết định 163/CP phê duyệt Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2000. Trong quá trình thực hiện, đến tháng 12/1978, Hà Nội điều chỉnh lại ranh giới sáp nhập thêm Ba Vì, Thạch Thất, Phú Thọ, Đan Phượng, Hoài Đức, Sơn Tây, Hà Đông và một số xã của Hòa Bình.

Thủ đô Hà Nội có diện tích 2.136km2, dân số 3,5 triệu người. Thời kỳ này Hà Nội đã chú trọng phát triển mạnh về nhà ở một số công trình cấp quốc gia như: Cung văn hóa Hữu nghị (1984), Nhà khách Chính phủ (1975), Khách sạn Thắng Lợi (1976)... và kết cấu hạ tầng liên kết vùng như: cầu Thăng Long (1985), cầu Chương Dương (1982), song cũng gặp khó khăn về nguồn lực, về giải phóng mặt bằng và cơ cấu phát triển đô thị với nông thôn ngoại thành.

Chính vì vậy, tháng 12/1991, Quốc hội có quyết định điều chỉnh địa giới Thủ đô, chuyển lại 7 huyện, thị về Hà Tây, Vĩnh Phú và Hà Nội có diện tích 924km2. Quy hoạch Thủ đô đến 2010 được điều chỉnh và phê duyệt tại Quyết định 132/CT (tháng 4/1992).

Đây là giai đoạn có nhiều đổi mới về quản lý xây dựng và phát triển đô thị. Đã xác định cụ thể các khu đặc thù của Thủ đô, các khu bảo tồn, các khu công nghiệp và nhất là các công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật như sân bay, cảng sông, các cầu qua sông...

Quá trình thực hiện quy hoạch, đã tạo được đổi mới nhất định về diện mạo đô thị, không gian kiến trúc, song cũng đã nhận diện được một số thách thức mới như chưa gắn kết được với các dự án có tính chiến lược quốc gia, nhất là về hệ thống giao thông, chưa gắn với các định hướng về kinh tế thị trường và yêu cầu hội nhập, chưa tạo lập đặc thù để Thủ đô phát triển mạnh trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng bảo vệ Tổ quốc như đã xác định trong Hiến pháp 1992.

Trong bối cảnh này, chính quyền Thủ đô đã chủ động nghiên cứu, phối hợp với các bộ, ngành và các chuyên gia của Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia... nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch. Tại Quyết định 108/1998/QĐ-TTg ngày 20/6/1998 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch chung Thủ đô đến 2020.

Quá trình thực hiện quy hoạch được duyệt 1998 đến khi mở rộng địa giới 2008, và nhất là sau Nghị quyết 15/NQ-TW (tháng 12/2002) của Bộ Chính trị và Pháp lệnh Thủ đô ban hành năm 2000, đã tạo được bước đột phá mạnh về phát triển đô thị, tạo lập diện mạo đô thị mới.

Lần đầu trong phát triển, đô thị chuyển sang phía Bắc sông Hồng. Đẩy mạnh phát triển hạ tầng kỹ thuật, nhất là mạng đường giao thông công cộng, các khu công nghiệp. Trên 200 khu đô thị mới, công trình đa năng cao tầng được phát triển đồng bộ. Ban hành nhiều chính sách, cơ chế quản lý về bảo tồn di sản đô thị.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, cũng nhận thấy được một số tồn tại như: chưa gắn kết với phát triển vùng, chưa kiểm soát tăng dân số, phân bố dân số vào Thủ đô, khớp nối hạ tầng giữa đô thị với ngoại thành, giữa phát triển khu đô thị mới với khu vực xung quanh chưa chặt chẽ.

Để giải quyết tồn tại và tạo tiềm năng để Hà Nội phát triển, xứng tầm là Thủ đô, động lực phát triển vùng, tháng 8/2008, Quốc hội đã có Nghị quyết về mở rộng địa giới Hà Nội, nâng quy mô từ 924km2 lên 3.344km2 với dân số 6,4 triệu người.

Sau đó công tác quy hoạch chung Thủ đô đã được nghiên cứu và được Chính phủ phê duyệt tại quyết định 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011, với định hướng đô thị có diện mạo mới là hình thành chùm đô thị, các hành lang xanh… Triển khai thực hiện quy hoạch này, diện mạo Thủ đô ngày càng sáng, xanh, khang trang, hiện đại.

Bên cạnh kết quả cũng đã bộc lộ một số tồn tại như: quản lý dân số, phát triển theo mô hình chùm đô thị, phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông còn chậm, chưa giải tỏa được áp lực về giao thông, cải tạo, tái thiết đô thị còn chưa huy động mạnh nguồn lực xã hội.

Trong bối cảnh trên, để phát triển Hà Nội giai đoạn tới, T.Ư và Hà Nội đã có nhiều quyết sách mạnh, linh hoạt. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 15-NQ/TW (tháng 5/2022) về phương hướng nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến 2030 là TP "Văn hiến - văn minh - hiện đại".

Về diện mạo đô thị lấy sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trong tâm, phát triển hài hòa hai bên sông, xây dựng hai mô hình TP trực thuộc Thủ đô (phía Bắc, phía Tây). Xây dựng nông thôn hài hòa với đô thị... Hà Nội cũng đã chủ động nghiên cứu điều chỉnh sửa đổi Luật Thủ đô và được Quốc hội thông qua, hiện đang cụ thể hóa từ các văn bản của HĐND, UBND TP và một số bộ, ngành để thực hiện từ 1/1/2025.

Việc điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến 2045, tầm nhìn 2065 và quy hoạch Thủ đô 2021 - 2030 tầm nhìn đến 2050 đã được nghiên cứu khoa học, nghiêm túc được Bộ Chính trị, Quốc hội, các bộ, ngành và Nhân dân góp ý, đang hoàn thiện để Chính phủ phê duyệt.

Với bối cảnh trên, tin chắc rằng Hà Nội sẽ thực hiện thành công các định hướng phát triển đã được đề ra, sẽ vươn lên tầm cao mới, xứng đáng với mong muốn của cả nước, bạn bè quốc tế và Nhân dân Thủ đô.