Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đô thị TP Hồ Chí Minh: thay áo mới sau 49 năm giải phóng

Tiểu Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 49 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), TP Hồ Chí Minh chuyển mình một cách mạnh mẽ. Những cao ốc chọc trời, những đại lộ thênh thang, những công trình biểu tượng mới… đã và đang từng bước góp phần thay đổi diện mạo của TP mang tên Bác.

Trong hành trình 49 năm qua, từ một TP bộn bề khó khăn sau chiến tranh, TP Hồ Chí Minh đã vươn lên giữ vị thế trung tâm lớn về kinh tế, nơi hình thành và phát triển những phong trào yêu nước mang đậm ý nghĩa nhân văn về một TP Văn minh - Hiện đại - Nghĩa tình. Ảnh: Viên Trần
Trong hành trình 49 năm qua, từ một TP bộn bề khó khăn sau chiến tranh, TP Hồ Chí Minh đã vươn lên giữ vị thế trung tâm lớn về kinh tế, nơi hình thành và phát triển những phong trào yêu nước mang đậm ý nghĩa nhân văn về một TP Văn minh - Hiện đại - Nghĩa tình. Ảnh: Viên Trần

Vẻ đẹp của một siêu đô thị hiện đại

Với diện tích hơn 2.000km2 cùng hơn 10 triệu dân, TP Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế lớn nhất Việt Nam với kiến trúc đô thị vừa hiện đại vừa hài hòa.

Mang vẻ đẹp của một “siêu đô thị”, TP gây ấn tượng bằng hàng loạt công trình tỷ USD nằm cạnh bên sông Sài Gòn như: Tòa nhà Landmark 81 tầng (quận Bình Thạnh); hầm vượt Thủ Thiêm (nối Quận 1 và TP Thủ Đức), cầu Ba Son (Quận 1), khu đô thị Thủ Thiêm (TP Thủ Đức), công viên Bến Bạch Đằng (Quận 1)… đang trở thành những biểu tượng kiến trúc mới trong sự khẳng định phát triển đô thị của TP.

Đặc biệt tới đây, TP khai trương tuyến Metro số 1, một trong những công trình được người dân quan tâm, mong đợi nhiều nhất. Sau hơn 10 năm thi công, những chuyến tàu chạy thử nghiệm đang thu hút sự quan tâm lớn, ai cũng mong mỏi và hy vọng được trở thành vị khách đầu tiên của chuyến tàu, kết nối các khu đô thị.

Trong thập niên vừa qua, bên cạnh quá trình đô thị hóa, TP cũng luôn nỗ lực cải tạo, nâng cấp hành lang dọc tuyến sông Sài Gòn, kênh, rạch trong nội thành và vùng ven. Nhờ đó, một số dòng kênh ô nhiễm, ảnh hưởng sinh hoạt của đời sống người dân như kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, kênh Tân Hóa - Lò Gốm, Tàu Hủ - Bến Nghé… được cải tạo đã làm thay đổi bộ mặt đô thị, giao thông, cải thiện cuộc sống của hàng triệu người dân hai bên và các khu vực xung quanh.

Ngoài ra, để hài hòa, cân bằng sự phát triển của đô thị, TP Hồ Chí Minh xác định tăng trưởng xanh là chiến lược phát triển tương lai. Ðể thực hiện được mục tiêu này, ngoài tận dụng hai bên sông Sài Gòn tạo cảnh quan và không gian xanh thông suốt, TP còn thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó tập trung thu hút các dự án xanh, chú trọng công tác quy hoạch, bảo tồn công viên cây xanh, công trình công cộng, khu vui chơi như công viên 23/9, công viên Tao Đàn, công viên Gia Định, công viên Lê Văn Tám, Thảo Cầm Viên…

Cùng với đó, TP còn chú trọng đầu tư xây dựng các khu xử lý rác thải theo hướng tái chế, phát điện; khuyến khích lắp đặt điện mặt trời mái nhà, công sở, nhà máy, khu cụm công nghiệp để giảm tiêu thụ điện lưới…

Có thể nói, nhiều công trình hạ tầng trọng điểm đã và đang đánh thức tiềm năng vốn có của TP. Không chỉ mang lại mỹ quan cho bộ mặt đô thị TP mà còn góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đem đến tiện ích thiết thực cho người dân.

Thay đổi ngoạn mục sau 49 năm giải phóng, song trong hành trình vươn lên mang dáng dấp của một "siêu đô thị" hiện đại, TP cũng không quên cố gắng, nỗ lực bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa lâu đời, giữ được nét cổ kính, bình yên vốn để xứng đáng với mỹ danh "hòn ngọc Viễn Đông”.

Giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước

TP Hồ Chí Minh hôm nay là trung tâm khởi nghiệp sáng tạo lớn nhất cả nước, và là đầu tàu kinh tế của cả nước. Tuy nhiên, sau nhiều năm luôn dẫn đầu về đổi mới cơ chế chính sách, tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách, đầu tư, cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, vừa là hạt nhân, vừa là động lực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, TP đang dần tích tụ những vấn đề tương tự những đại đô thị khác trên thế giới sau giai đoạn phát triển nóng.

Đó là sự gia tăng dân số do quá trình đô thị hóa và mật độ xây dựng, mật độ phương tiện giao thông, mật độ lưu thông, cường độ hoạt động kinh tế… dẫn đến quá tải về kết cấu hạ tầng kỹ thuật, cân bằng môi trường sinh thái, khả năng đáp ứng các nhu cầu giáo dục, y tế, văn hóa, nghệ thuật, thể thao, an sinh xã hội…

Có thể thấy, với số lượng thị dân đông đảo cũng như tầm quan trọng về vị thế kinh tế so với cả nước, TP Hồ Chí Minh đứng trước những lợi thế và thách thức mà khó có thành thị nào trong cả nước có được.

Vì vậy, để giữ vững vị trí đầu tàu, tạo động lực cho quá trình phát triển vùng, trong thời gian tới, TP cần có những bước đi sát hợp hơn trong quá trình phát triển. Dựa vào tài sản mà TP Hồ Chí Minh trước nay luôn có là sự năng động, sáng tạo, tinh thần dám nghĩ, dám làm của người dân, DN và chính quyền.

TP trong những năm tới được định hướng phát triển để trở thành một đô thị thông minh, TP dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại.

Cụ thể, trong quá trình hiện thực hóa giấc mơ đô thị thông minh trong tương lai, TP đã triển khai nhiều chương trình như: chương trình chuyển đổi số; đề án xây dựng TP trở thành đô thị thông minh; đề án hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP; đề án phát triển ngành logistics; đề án phát triển thương mại điện tử trên địa bàn TP...

Nội dung triển khai đô thị thông minh ở TP Hồ Chí Minh tập trung vào 4 trụ cột cơ bản, đó là: xây dựng kho dữ liệu dùng chung và hệ sinh thái dữ liệu mở; thiết lập trung tâm điều hành đô thị thông minh; triển khai trung tâm mô phỏng dự báo kinh tế - xã hội và hình thành trung tâm an toàn thông tin TP.

Sau nhiều nỗ lực, đến nay, các nội dung của Đề án, tiến trình xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh cũng dần được định hình với định hướng đa mục tiêu song bảo đảm luôn lấy con người làm trung tâm. Các quy trình sáng chế và cải tiến không bao giờ dừng lại, từ đó, kinh tế và đời sống văn hóa của người dân ngày càng được cải thiện.

Với quan điểm không ngừng đổi mới, sáng tạo, phát triển toàn diện vì cả nước, cùng cả nước, vì hạnh phúc của Nhân dân, Đảng bộ TP Hồ Chí Minh xác định mục tiêu và phương hướng phát triển đến năm 2025 là tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, đi đầu trong thực hiện mô hình tăng trưởng mới. Qua đó xây dựng TP có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, xứng đáng với vai trò là trung tâm kinh tế, tài chính của cả nước.

 

TP Hồ Chí Minh không chỉ cần cơ chế đặc thù, mà phải đột phá và vượt trội, giống như Hà Nội có Luật Thủ đô thì với TP Hồ Chí Minh nên chăng có Luật Đô thị đặc biệt hay có khung pháp lý cho đô thị đặc biệt để chúng ta có chiếc áo vừa vặn, phù hợp.
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi