Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Đoạn đường khổ ải” trên Quốc lộ 21A

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặt đường xuống cấp nghiêm trọng khiến tuyến phố Tùng Thiện (thuộc QL21A), cửa ngõ dẫn vào thị xã Sơn Tây thực sự trở thành nỗi ám ảnh đối với người và phương tiện thường xuyên qua đây.

“Khó đi nhất thị xã”

Nhiều người khi qua đây đã phải ngậm ngùi thốt lên như vậy khi mô tả về đoạn đường qua phố Tùng Thiện đi qua một loạt trường tiểu học, THCS và THPT thuộc địa bàn 2 phường Sơn Lộc và Trung Sơn Trầm.

Mặt đường mấp mô với hàng loạt ổ trâu, ổ voi, “hố bom” nằm ngổn ngang khiến việc lưu thông của người dân hết sức khó khăn. Những ngày trời nắng, bụi bốc mù mịt, mỗi khi qua đây người ta phải “nín thở” để đi hết đoạn đường. Các hộ dân sống ven đường thường xuyên phải phun nước lên mặt đường để chống bụi. Ngày mưa, hễ có xe ô tô đi qua là bùn đất vẩy bắn, khiến nhiều người đi đường rơi vào tình cảnh lấm lem. Phải cẩn trọng lắm, người tham gia giao thông qua đoạn này mới tránh được không bị ngã, đổ xe trong điều kiện đường lầy lội, trơn trượt. Đặc biệt là khi trời tối, tầm nhìn bị hạn chế, việc đi lại càng trở nên khó khăn hơn. Thực tế, không ít vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra. Bên cạnh trường THPT Tùng Thiện (phường Sơn Lộc), đoạn đường xấu kéo dài qua cả địa bàn phường Trung Sơn Trầm. Vào giờ tan lớp, hàng ngàn học sinh của 2 trường Tiểu học và THCS Trung Sơn Trầm ùa xuống đường. Nhiều em nhỏ cũng vô tư đi ngược chiều khiến tình trạng giao thông trên đoạn đường này trở nên rất lộn xộn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.
Đoạn đường qua phố Tùng Thiện thuộc QL21A xuống cấp nghiêm trọng. 	Ảnh: Lâm Nguyễn
Đoạn đường qua phố Tùng Thiện thuộc QL21A xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Lâm Nguyễn
Người dân sống ven đường cho biết, trước Tết Nguyên đán Ất Mùi vừa qua, đơn vị quản lý tuyến đường đã cho sửa chữa nhằm đảm bảo việc đi lại của người dân. Tuy nhiên, công tác duy tu, sửa chữa chỉ được thực hiện theo kiểu “da beo”, và chủ yếu là rải sỏi bây, đổ đất cho bằng phẳng, chứ không được rải nhựa theo đúng quy chuẩn xây dựng đường bộ. Là tuyến đường huyết mạch với lượng người và phương tiện qua lại vô cùng lớn mỗi ngày, trong đó có nhiều xe tải siêu trường – siêu trọng lưu thông, nên tuyến đường nhanh chóng bị xuống cấp chỉ sau một thời gian ngắn.

Loay hoay bài toán cũ

Khi chúng tôi hỏi chuyện một số người dân thì nhận được những ánh nhìn đầy hoài nghi. Nhiều người không muốn chia sẻ những bức xúc khi phải di chuyển qua “con đường khổ ải” này mỗi ngày không phải bởi ngại việc lên báo, mà bởi đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp chính quyền, nhưng sau cùng vẫn… đâu vào đấy (!).

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, Trưởng phòng Quản lý đô thị thị xã Sơn Tây Nguyễn Thanh Hà cho biết, dự án cải tạo, nâng cấp tuyến phố Tùng Thiện thuộc QL21A dài khoảng 2km, qua địa bàn 2 phường Sơn Lộc và Trung Sơn Trầm. Đến nay, công tác GPMB tại phường Sơn Lộc đã hoàn tất, tuy nhiên, tại phường Trung Sơn Trầm vẫn vướng. Bên cạnh đó, nguồn vốn để thực hiện dự án này cũng đang là bài toán khó. Hiện, địa phương đang phải thực hiện các hạng mục dự án theo kiểu “làm đến đâu xin kinh phí tới đó”.

Liên quan tới công tác GPMB, Chủ tịch UBND phường Trung Sơn Trầm Trần Công Quý cho biết, hiện, trên địa bàn phường còn khoảng 40 hộ đang vướng GPMB do có tranh chấp đất đai chưa thể giải quyết. Phường đang phối hợp với các phòng, ban liên quan của thị xã vận động, tìm kiếm sự ủng hộ của các hộ dân để đẩy nhanh công tác này. Tuy nhiên, khi được hỏi về tiến độ, ông Quý cũng thẳng thắn cho hay: Chưa biết đến khi nào mới có thể hoàn thành (!). 

Là tuyến đường huyết mạch nối thị xã Sơn Tây với khu vực kinh tế phía Nam Thủ đô, QL21A đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội không chỉ của thị xã Sơn Tây mà còn với các địa phương lân cận. Trên hết, sự xuống cấp của đoạn tuyến đang ảnh hưởng lớn tới việc đi lại, cũng như cuộc sống của hàng trăm hộ dân ven QL. Mong muốn của người dân địa phương là TP, thị xã đẩy nhanh tiến độ GPMB; đồng thời, có giải pháp huy động, xã hội hóa nguồn vốn để dự án sớm hoàn thành, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, phát triển kinh tế.