Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đoàn kết – sức mạnh của doanh nghiệp

Đại tá, TS Phạm Hồng Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong tập hợp các Tư tưởng của Bác, “đoàn kết” không chỉ là nền tảng cho sự chấn hưng, phát triển của quốc gia, mà còn được vận dụng trong nhiều lĩnh vực. Vận dụng linh hoạt tư tưởng này của Người trong kinh doanh, cộng đồng doanh nhân đã tạo ra nhiều giá trị cho xã hội.

Đoàn kết tạo sức mạnh

Trong tư tưởng và hoạt động của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại những bài học quý giá về tầm quan trọng của tinh thần đoàn kết - một nguyên tắc mà bất kỳ tổ chức hay quốc gia nào cũng cần phải đặt lên hàng đầu nếu muốn phát triển mạnh mẽ và bền vững. Những bài học này không chỉ áp dụng trong lĩnh vực chính trị, xã hội mà còn trong mỗi cộng đồng, tổ chức, doanh nghiệp, nơi mà việc tạo dựng và duy trì một môi trường đoàn kết, hợp tác là chìa khóa cho thành công.

(Hình minh họa).
(Hình minh họa).

Bác tin rằng, sức mạnh của đoàn kết có thể giúp vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Người từng nói rất nhiều về đoàn kết, như: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công”. Hay, Người cũng nói: “Trong bầu trời không gì quý bằng Nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của Nhân dân”…

Theo Bác, đoàn kết không chỉ là sự gắn kết giữa các cá nhân mà còn là sự liên kết giữa các nhóm, các tầng lớp trong xã hội, với mục tiêu chung là lợi ích dân tộc và tiến bộ xã hội. Đoàn kết theo Người không chỉ giới hạn trong phạm vi một quốc gia mà còn vươn ra tầm quốc tế. Ý nghĩa sâu sắc nhất của đoàn kết mà Người nhấn mạnh là khả năng tập hợp sức mạnh của toàn dân tộc, dẫn dắt đất nước thoát khỏi ách thống trị và nghèo đói, tiến tới tự do, độc lập và thịnh vượng.

Những bài học về đoàn kết từ Chủ tịch Hồ Chí Minh có thể được tổng hợp qua ba khía cạnh chính: Tôn trọng và khuyến khích sự đa dạng; thực hành lãnh đạo phục vụ; xây dựng lòng tin.

Trong kinh doanh, tư tưởng đoàn kết của Bác có thể được hiểu là sự hợp tác chặt chẽ giữa các thành viên trong doanh nghiệp, từ đó tạo ra một môi trường làm việc thân thiện, tương tác, hỗ trợ lẫn nhau và hướng tới mục tiêu chung. Sự đoàn kết làm cho sức mạnh được “cộng hưởng” thúc đẩy hiệu quả công việc, tăng cường khả năng đổi mới sáng tạo từ đó nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường.

Tư tưởng của Người không chỉ dừng lại ở đoàn kết giữa các cá nhân mà còn rất quan trọng đối với các tổ chức với nhau. Khi quy mô nền kinh tế bùng nổ ở cấp toàn cầu, chịu tác động sâu sắc của công nghệ như hiện nay, mỗi lĩnh vực có hàng nghìn doanh nghiệp kinh doanh, cạnh tranh khốc liệt, các cá mập có thể nuốt chửng cá con bất kỳ lúc nào, do đó đoàn kết không chỉ là một giá trị đạo đức mà còn là một yếu tố chiến lược, liên quan đến sự tồn vong, phát triển và thành công của mỗi doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Nhìn từ thực tế, nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới đã thành công trong việc áp dụng tư tưởng đoàn kết vào văn hóa doanh nghiệp của họ và đã thu được những kết quả đáng kể. Như tại Google, văn hóa làm việc đoàn kết, hợp tác được thể hiện qua không gian làm việc mở, các chương trình chia sẻ kiến thức và hợp tác xuyên suốt, những buổi brainstorming định kỳ giúp mỗi nhân viên có cơ hội đóng góp ý tưởng và cùng nhau giải quyết vấn đề.

Tại Việt Nam, Viettel là một ví dụ điển hình về việc vận dụng tư tưởng đoàn kết Hồ Chí Minh. Viettel đã xây dựng một bộ 8 giá trị cốt lõi, trong đó đề cao tính kỷ luật (mà kỷ luật là sức mạnh của quân đội), đồng thời xây dựng môi trường làm việc với rất nhiều chương trình như đào tạo, nâng cao sức khỏe, đời sống văn hóa cho nhân viên, tạo điều kiện để họ có thể cống hiến lâu dài và phát triển cùng Tập đoàn. Những chính sách này không chỉ giúp cải thiện hiệu suất làm việc mà còn tăng cường sự gắn kết giữa nhân viên với Tập đoàn, làm tiền đề để Viettel vững bước vươn xa và phát triển như ngày nay.

Những kết quả tích cực này cho thấy rằng, khi doanh nghiệp coi trọng và đầu tư vào việc xây dựng một môi trường làm việc đoàn kết, họ không chỉ cải thiện được hiệu quả kinh doanh mà còn tạo ra một thương hiệu tốt, thu hút và giữ chân nhân tài. Điều này cũng phù hợp với tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về sự đoàn kết, khi Người luôn nhấn mạnh rằng chỉ có sự đoàn kết mới tạo ra sức mạnh, và sức mạnh đó là nền tảng cho mọi thành công.

Cần tạo môi trường cởi mở, thân thiện

Việc vận dụng tư tưởng đoàn kết vào hợp tác kinh doanh mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp, như mở rộng thị trường, học hỏi kinh nghiệm, thủ tục pháp lý, có cơ hội để hợp tác để nâng cao năng lực, tập hợp lực lượng (như liên danh đấu thầu,..) cung cấp đầu vào, đầu ra... giới thiệu khách hàng, bán chéo sản phẩm…

Trong nội tại của mình, tư tưởng đoàn kết chính là khuyến khích sự hợp tác và làm việc nhóm, từ đó tăng cường hiệu quả và năng suất làm việc. Hơn nữa, đoàn kết cũng góp phần tạo dựng hình ảnh và thương hiệu của doanh nghiệp trong mắt đối tác và khách hàng.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và cạnh tranh gay gắt, việc vận dụng tư tưởng đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào kinh doanh đối mặt với không ít thách thức. Đầu tiên, sự đa dạng về lợi ích cá nhân và cạnh tranh trong nội bộ doanh nghiệp; giữa các doanh nghiệp thành viên với nhau có thể làm suy yếu tinh thần đoàn kết. Tiếp đến là sự khác biệt về văn hóa và giá trị trong một môi trường làm việc đa dạng. Hay sự rủi ro khi các nhân viên câu kết với bên ngoài để phá hoại doanh nghiệp. Thách thức cũng đến từ việc thiếu hiểu biết hoặc nhận thức không đầy đủ về tư tưởng của Bác về đoàn kết.

Để xây dựng văn hóa đoàn kết trong doanh nghiệp, lãnh đạo cần chú trọng đến việc tạo ra một môi trường làm việc cởi mở, thân thiện, ở đó mọi ý kiến đều được lắng nghe và tôn trọng. Bên cạnh đó, việc thực hiện công bằng, minh bạch trong mọi chính sách và quyết định của doanh nghiệp cũng là yếu tố quan trọng để xây dựng niềm tin và sự đoàn kết trong tổ chức. Lãnh đạo nên là tấm gương về sự chân thành, công bằng và trách nhiệm, từ đó lan tỏa những giá trị này đến toàn thể nhân viên.

Các chương trình phúc lợi, chính sách chăm sóc nhân viên cũng góp phần quan trọng trong việc xây dựng văn hóa đoàn kết. Khi nhân viên cảm thấy mình được quan tâm và trân trọng, họ sẽ tự nguyện gắn bó và đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển chung của doanh nghiệp.

Đối với sự đoàn kết của các doanh nghiệp, vấn đề nằm ở chính người đứng đầu doanh nghiệp. Họ cần nhận thức rõ vai trò của đoàn kết, đưa ra chính sách của doanh nghiệp mình để thực thi đoàn kết với các doanh nghiệp khác – “buôn có bạn bán có phường”. Có thể theo nhiều hình thức như tham gia lập thành các nhóm, các hội, cao hơn là các liên hội, hiệp hội, ký kết thỏa thuận hợp tác... Đặc biệt, không chỉ dừng lại ở các doanh nghiệp cùng ngành mà cần liên kết với các doanh nghiệp khác ngành, từ đó tìm kiếm cơ hội hợp tác sâu hơn, rộng hơn trên cơ sở tôn trọng, chia sẻ, công bằng, minh bạch và hợp tác cùng có lợi.

Trong tương lai, hội doanh nghiệp cần nghiêm túc xem xét và tích cực hơn trong việc vận dụng các nguyên tắc đoàn kết vào chiến lược hoạt động của mình. Điều này không chỉ giúp Hội cũng như các doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ mà còn góp phần vào sự phát triển chung của xã hội, đúng với tinh thần và triết lý của Chủ tịch Hồ Chí Minh.