Đoản khúc

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhấp vào nguồn cơn của tập thơ “Đoản khúc” là nhấp vào nỗi đau - một nỗi đau có lẽ còn mới nguyên, khó có thể gọi là ký ức cho đến trước ngã rẽ cuối cùng.

Hình tượng này hiện diện trong mỗi chữ, mỗi dòng, mỗi khoảnh khắc hiện hữu của tác giả Fan Tuấn Anh. Đọc “Đoản khúc” thấy anh như một cánh chim cô đơn, tự nguyện dấn thân đi khai phá cõi hoang vu.
Đoản khúc - Ảnh 1
Hơn một trăm trang sách khổ lớn (18,5 x 20,5 cm) với 35 đoản khúc chứa đựng bao nhiêu vấn đề hệ lụy của đời sống, của “thế giới phẳng” mà chúng ta đang sống, từ tâm trạng cá nhân, đến thế giới chung quanh, và nhìn vượt ra khỏi biên giới quốc gia, lãnh thổ. Em, kỳ thực là một nhân cách đại diện, dẫu tư cách đến như là “bản thể thứ hai”. Cái đẹp, tình yêu, sự bao dung, niềm tin, ý chí, sự tựu thành hay bội phản, hạnh phúc hay đớn đau, sống hay chỉ là tồn tại… tất cả đều do nhân vật “em” quyết định. Em là một hiện hữu của giá trị trong ý niệm của Fan có đầy đủ dữ kiện để gọi tên. Đó là lịch sử, là huyền thoại, là quá khứ, hiện tại và tương lai, là chạy đua vũ trang, thiên tai hiểm họa, kỳ thị chủng tộc, là dịch bệnh và bùng nổ dân số, là những thay đổi của giá trị nhân loại trong kỷ nguyên công nghệ… Em ra đi, là khi mọi giá trị rời xa bản nguyên, niềm tin bị bội phản.

Thi sĩ nào cũng có thể làm thơ về “em”, nhưng thi sĩ có tư tưởng, có căn tính là khi “em” được nâng lên thành giá trị của hiện hữu không chỉ cho một người mà cho tình yêu nhân loại rộng lớn. Con đường thành công cho một thi sĩ phải là sự chuyển hóa giá trị cá nhân thành phổ quát, để gọi tên con người trong ý niệm rộng lớn, bao dung nhất: Tình yêu. Fan đã kêu lên trong nỗi thất bại của sứ mệnh: Ai đó có thể nói cho tôi về sứ mệnh sự sống của tôi trên mặt đất này? Ai đã đôi lần chiêm ngưỡng Thánh kinh hẳn sẽ nhận ra một mối tình, một hi sinh và với những gì đang hiện hữu giữa nhân gian này còn là cả một sự thất bại. Những ám dụ của sự cứu rỗi xuất hiện trong những dòng chữ của Fan như gieo một niềm tin, dù có thể là hư ảo.