70 năm giải phóng Thủ đô

Đoàn quay phim Tết khắc phục hành động làm mất vẻ rêu phong của giếng cổ tại di tích Đường Lâm

Minh An - Hoàng Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Trong quá trình làm phim tại làng cổ Đường Lâm, một đoàn làm phim đã tự ý dùng vôi, bột màu để phủ lên giếng cổ ở đình Mông Phụ, thuộc khu vực bảo vệ I, trong di tích quốc gia Đường Lâm (xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội). Sau khi đoàn phim khắc phục sai phạm, rửa bỏ lớp vôi, giếng cổ mất đi vẻ rêu phong.

Tự ý tô vẽ để làm bối cảnh phim

Ngày 7/11, người dân phát hiện giếng cổ ở đình Mông Phụ, làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) bị một đoàn làm phim Tết xâm phạm. Cụ thể, để xây dựng một bối cảnh cổ xưa trong phim, các thành viên trong đoàn phim đã dùng vôi ve màu đỏ phủ lên toàn bộ bề mặt giếng cả bên trong và bên ngoài; dùng bút vẽ màu đen phủ trát, tô vẽ bên ngoài bề mặt giếng tạo hình gạch đá ong.
Giếng cổ thôn Mông Phụ bị đoàn làm phim dùng vôi ve, bút vẽ tô trát bên ngoài để tạo bối cảnh. Ảnh: Đỗ Doãn Hoàng. 

Nguyên trạng trước đó, giếng ở đình Mông Phụ vốn là giếng gạch có trát vữa. Lớp vữa theo năm tháng bám nhiều mảng xanh của rêu, dương xỉ. Với người dân Đường Lâm, những giếng cổ trong làng được coi là không gian linh thiêng, người dân luôn cố gắng giữ cho giếng vẻ cổ kính. Vì vậy, việc dùng vôi phủ lên giếng đã gây ra bức xúc cho người dân địa phương.

Theo người dân sinh sống tại làng cổ Đường Lâm, mỗi năm dân chỉ được phép tu sửa, nạo vét, khơi giếng một lần và đều phải cúng lễ theo đúng phong tục của làng. Từ khi làng cổ Đường Lâm được xếp hạng di tích cấp quốc gia, việc quản lý di sản càng nghiêm ngặt hơn. Vì vậy, việc xâm phạm di tích và văn hóa như vậy là hành động không được chấp nhận.
 Giếng cổ ở làng Mông Phụ trước khi bị xâm phạm. Ảnh: Người dân cung cấp.

Trước thực tế trên, trưởng thôn Mông Phụ Hà Văn Thắng khẳng định: Khi nhận được phản ánh việc đoàn làm phim tô vẽ lên di tích ở làng cổ Đường Lâm, đại diện thôn đến yêu cầu dừng những hành vi xâm phạm di tích thì thành viên trong đoàn vẫn bất chấp, cho rằng đã được chính quyền chấp thuận.

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Chủ tịch xã Đường Lâm Phan Văn Hòa cho biết: “Đoàn làm phim chỉ xin phép chủ trương cho phép được đóng phim. Nhưng vừa qua, đoàn làm phim không xin phép với cơ quan chức năng tự ý dùng vôi, bột màu để làm thay đổi giếng thôn Mông Phụ. Từ trước đến nay, các đoàn làm phim đến xin phép, chúng tôi đều không gây khó khăn nhưng đều yêu cầu họ không đụng chạm vào di tích”.
 Giếng cổ ở đình Mông Phụ sau khi khắc phục vi phạm. Ảnh: Ngọc Tú.

Còn theo Trưởng Ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm Nguyễn Đăng Thạo: “Giếng cổ ở làng Mông Phụ thuộc khu vực bảo vệ I của di tích quốc gia. Theo quy định tại điều 32 Luật Di sản, khu vực bảo vệ I là vùng có các yếu tố gốc cấu thành di tích. Yếu tố gốc cấu thành di tích là yếu tố có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ, thể hiện đặc trưng của di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh. Khu vực bảo vệ I phải được bảo vệ nguyên trạng về mặt bằng và không gian. Trường hợp đặc biệt có yêu cầu xây dựng công trình trực tiếp phục vụ việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích, việc xây dựng phải được sự đồng ý bằng văn bản của người có thẩm quyền xếp hạng di tích đó. Tuy nhiên, đoàn làm phim đã không xin phép mà tự ý làm thay đổi bề mặt giếng".

Khắc phục, sửa sai nhưng giếng cổ vẫn mất đi vẻ rêu phong

Sau phản ánh của Nhân dân, Ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm cùng cán bộ xã đã tới hiện trường để giải quyết vụ việc. Chủ tịch xã Đường Lâm Phan Văn Hoà cho biết: “Chúng tôi đã lập biên bản vi phạm, yêu cầu đoàn làm phim phải tạm dừng mọi hoạt động tại giếng đình Mông Phụ, không được tiếp tục quay phim ở đây và nhanh chóng trả lại hiện trạng ban đầu cho giếng đình trong ngày 8/11”.
 Người dân lau dọn giếng cổ sau khi đoàn làm phim khắc phục sai phạm. Ảnh: Ngọc Tú.

Ngày 8/11, theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị, đoàn làm phim đã tiến hành hoàn trả lại hiện trạng ban đầu cho giếng theo yêu cầu của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, giếng cổ ở thôn Mông Phụ không được như ban đầu. Thành giếng thay vì lớp rêu phong cổ kính lâu năm đã được đánh nhẵn, vô hồn. Tương tự, mặt trong của giếng vẫn còn lưu lại lớp vôi đỏ thay vì màu của rêu phong, dương xỉ bám trên giếng cổ trước đó. Cùng với đó, giếng xuất hiện nhiều vết cọ rửa lem nhem, nguệch ngoạc. Trước việc khắc phục hậu quả của đoàn làm phim, người dân Đường Lâm lo ngại nếu không xử lý nghiêm việc này sẽ tạo tiền lệ xấu, các đoàn làm phim sẽ tiếp tục tự do đến và xâm phạm di tích.

Trưởng Ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm Nguyễn Đăng Thạo chia sẻ: “Sau sự việc này, Ban Quản lý sẽ tăng cường công tác quản lý. Nếu có việc quay phim tại di tích, Ban Quản lý sẽ cử cán bộ theo đoàn để giám sát, kịp thời nhắc nhở”.

Hiện vấn đề này mới đang dừng lại ở việc lập biên bản, chưa có hướng xử lý, xử phạt rõ ràng. Đoàn làm phim vẫn được phép tiến hành quay ở những bối cảnh khác trong di tích quốc gia làng cổ Đường Lâm.