Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam xuất quân dự Asian Para Games 2018

Duy Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 28/9, tại TP Hồ Chí Minh, Hiệp hội Paralympic Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh tổ chức lễ xuất quân của đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam tham dự Đại hội thể thao người khuyết tật châu Á năm 2018 (Asian Para Games 2018).

Thứ trưởng Lê Khánh Hải trao cờ xuất quân cho trưởng đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam sáng 28/9. Ảnh: Đức Đồng.

Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam tham dự Đại hội Thể thao người khuyết tật châu Á (ASIAN - Para Games 3) gồm 75 thành viên, trong đó có 52 vận động viên, 11 huấn luyện viên và các thành viên khác.

Ngoài ra, còn có 4 vận động viên khác đến từ TP Hồ Chí Minh và Hà Nội tham gia bằng nguồn kinh phí địa phương. Các vận động viên sẽ tranh tài ở 7 môn trong tổng số 18 môn của Đại hội gồm: Bơi lội, điền kinh, cử tạ, cờ vua, cầu lông, bóng bàn và judo. Đây là những môn mà Việt Nam có thế mạnh, có thể tranh chấp huy chương. Rất tiếc, trong đợt tập trung lần này, vận động viên cử tạ Lê Văn Công không thể tham dự vì chấn thương.

Để chuẩn bị cho Đại hội thể thao người khuyết tật châu Á năm 2018, các vận động viên, huấn luyện viên đã tập huấn từ ngày 1/8 ở Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Trước đó, các vận động viên người khuyết tật cũng đã tham gia thi đấu để học hỏi kinh nghiệm tại Giải điền kinh người khuyết tật quốc tế tại Bangkok, Thái Lan vào tháng 5, Giải bơi người khuyết tật quốc tế tại Italy vào tháng 7, Giải cử tạ người khuyết tật quốc tế tại Tây Ban Nha vào đầu tháng 9, Giải thể thao người khuyết tật toàn quốc năm 2018 vào tháng 7 tại TP Đà Nẵng.

Diễn ra từ ngày 6 - 14/10 tại Jakarta, Indonesia, Đại hội thể thao người khuyết tật châu Á năm 2018 quy tụ sự tham gia của các vận động viên đến từ 45 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây là sự kiện thể thao lớn nhất châu Á được tổ chức 4 năm một lần dành riêng cho các vận động viên khuyết tật nhằm thúc đẩy mối quan hệ tốt đẹp, tình đoàn kết, hữu nghị, sự hiểu biết lẫn nhau giữa các quốc gia trong khu vực.