Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Doanh nghiệp ASEAN lạc quan về triển vọng tăng trưởng nội khối

Đỗ Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo khảo sát của Ngân hàng Standard Chartered, các doanh nghiệp ASEAN rất lạc quan về triển vọng tăng trưởng tại khu vực trong 12 tháng tới.

Theo đó, các doanh nghiệp ASEAN kỳ vọng sẽ đạt được mức tăng trưởng mạnh mẽ về sản xuất và kinh doanh tại Việt Nam và các nước trong khu vực 12 tháng tới. Cụ thể, 99% các doanh nghiệp được hỏi kỳ vọng sẽ ghi nhận sự tăng trưởng trong hoạt động sản xuất, 96% kỳ vọng tăng trưởng về doanh thu tại khu vực này.
Đặc biệt, Việt Nam được đánh giá là nước nằm trong top đầu các thị trường để mở rộng hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp ASEAN đang tìm kiếm cơ hội tăng trưởng nội khối. Về khía cạnh các thị trường mục tiêu trong ASEAN, 59% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết họ sẽ tập trung mở rộng hoạt động tại Việt Nam để nắm bắt các cơ hội bán hàng và sản xuất, bên cạnh Singapore (80%) và Thái Lan (60%).
 Việt Nam được đánh giá là nước nằm trong top đầu các thị trường của các doanh nghiệp có kế hoạch mở rộng kinh doanh. Ảnh: CapitaLand
Những kết quả trên được Standard Chartered đưa ra trong báo cáo tựa đề “Kinh doanh không biên giới: Hành lang thương mại nội khối ASEAN”, trong đó xem xét các cơ hội có thể thúc đẩy quá trình tăng trưởng xuyên biên giới ở trong khu vực. Đây là ấn bản thứ 3 của Báo cáo kinh doanh xuyên biên giới do Standard Chartered thực hiện.
Nhận định về kết quả của khảo sát này, bà Michele Wee - Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam chia sẻ: “Việt Nam tiếp tục mang đến những cơ hội kinh doanh và đầu tư hấp dẫn nhờ nền tảng cơ bản mạnh mẽ - tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, thị trường nội địa ngày càng mở rộng, chi phí lao động thấp, lực lượng lao động dồi dào, tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do và có vị trí địa lý chiến lược”.
Lãnh đạo cấp cao các doanh nghiệp tham gia khảo sát cho rằng, 3 trong số những động lực quan trọng để thúc đẩy mạnh mẽ việc mở rộng hoạt động kinh doanh trong khu vực gồm có: Khả năng tiếp cận thị trường tiêu dùng ngày càng mở rộng tại ASEAN (69%), khả năng tiếp cận với thị trường quốc tế thông qua mạng lưới các hiệp định thương mại tự do (59%) và nguồn lao động dồi dào có tay nghề cao (49%).
  Các động lực chính thúc đẩy mở rộng kinh doanh của các doanh nghiệp ASEAN
Bên cạnh đó, tác động từ Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được kỳ vọng có thể giúp thu hút thêm dòng vốn đầu tư vào ASEAN, tất cả doanh nghiệp tham gia khảo sát đều có kế hoạch mở rộng đầu tư trong vòng 3-5 năm tới. 
Trong bối cảnh tìm kiếm các cơ hội đầu tư trong khu vực, Singapore được xem là thị trường hấp dẫn cho các doanh nghiệp để đặt trụ sở hoặc văn phòng bán hàng và marketing ở quy mô khu vực (79%) và các trung tâm R&D hay trung tâm sáng tạo ở tầm khu vực (73%). 
Các doanh nghiệp tham gia khảo sát cũng chỉ ra nhiều rủi ro và thách thức trong khu vực. Trong đó những rủi ro lớn nhất là tình hình dịch Covid-19 hoặc các rủi ro khác liên quan đến sức khỏe (75%), bất ổn địa chính trị và xung đột thương mại (60%), nền kinh tế hồi phục chậm chạp và nhu cầu tiêu dùng suy giảm (49%). 
Báo cáo cũng đưa ra những thách lớn nhất trong 6-12 tháng tới, đó là thay đổi mô hình kinh doanh để thích nghi với các điều kiện và thực tiễn của từng lĩnh vực (67%), xây dựng mối quan hệ với các nhà cung cấp và thích nghi với các yêu cầu về kho vận của chuỗi cung ứng (66%), cũng như am hiểu quy định của các quốc gia trong khu vực cũng như các phương pháp và cơ sở hạ tầng thanh toán (53%).  
Để thúc đẩy quá trình tăng trưởng cân bằng và ổn định trong ASEAN và giảm thiểu những rủi ro cũng như thách thức này, lãnh đạo các doanh nghiệp tham gia khảo sát chỉ ra những khía cạnh quan trọng cần được chú ý bao gồm: Thiết lập quan hệ hợp tác/liên doanh để tăng cường sự hiện diện (53%), thúc đẩy các sáng kiến phát triển bền vững và ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị) (53%) và thực hiện các chương trình chuyển đổi số (52%). 
Để hỗ trợ quá trình tăng trưởng, những doanh nghiệp này cho biết họ đang tìm kiếm các đối tác ngân hàng với năng lực mạnh mẽ về quản lý dòng tiền (52%), các dịch vụ tăng vốn và cấp vốn cho doanh nghiệp (52%), và các dịch vụ tài trợ thương mại (47%).