Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Doanh nghiệp bán lẻ đón “sóng” mua sắm cuối năm

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

KInhtedothi - Đón mùa mua sắm cuối năm, các doanh nghiệp bán lẻ đã tung nhiều kế hoạch bán hàng, khuyến mãi lớn để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, phát triển kinh doanh.

Kỳ vọng sức mua tăng

10 tháng năm 2022, sức mua phục hồi mạnh mẽ. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10/2022 ước đạt 486,4 nghìn tỷ đồng, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 17,1% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 10 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 4.643,6 nghìn tỷ đồng, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 giảm 5,1%), nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng 16,1% (cùng kỳ năm 2021 giảm 6,8%).

Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị Big C. Ảnh: Hoài Nam
Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị Big C. Ảnh: Hoài Nam
Phân tích nguyên nhân khiến tổng mức bán lẻ tăng mạnh, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu nêu rõ, giá hàng hóa tiêu dùng thiết yếu tăng đã tác động đến tốc độ tăng chung của tổng mức bán lẻ hàng hóa. Bên cạnh đó, sức mua tuy hồi phục nhưng chưa mạnh bởi nhiều người tiêu dùng phải cắt giảm chi tiêu do lạm phát.
Theo các chuyên gia kinh tế, sau một thời gian dài bị “kìm hãm” bởi dịch Covid-19, dịp cuối năm người tiêu dùng có xu hướng chi tiêu mạnh tay, sẽ tạo nên làn sóng mua sắm bùng nổ. Tâm lý tích cực của người tiêu dùng cũng tạo điều kiện cho các ngành dịch vụ - bán lẻ dễ dàng phục hồi và phát triển trong cả trung và dài hạn.

Từ những tín hiệu tích cực của thị trường, các doanh nghiệp bán lẻ đã có những tính toán để có kế hoạch kinh doanh phù hợp đón mùa mua sắm cuối năm. Đơn cử, WinMart dự tính năm 2022 sẽ đạt tăng trưởng 20% so với cùng kỳ năm trước. 

Bán lẻ tăng tốc để bùng nổ dịp cuối năm

Thông tin từ Bộ Công Thương, ngành bán lẻ Việt Nam có quy mô thị trường 142 tỷ USD, dự báo tăng lên 350 tỷ USD vào năm 2025, đóng góp 59% GDP cả nước.

Báo cáo ''Diện mạo mới của người tiêu dùng Việt'' của Công ty tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey & Company Việt Nam chỉ rõ, hầu hết doanh nghiệp bán lẻ đều xem cuối năm là dịp tốt để kích cầu tiêu dùng, bởi đây là giai đoạn có thể đóng góp 30 - 40% doanh số cả năm. Vì vậy, doanh nghiệp bán lẻ thường đầu tư lớn nhằm tạo ra sự khác biệt về chất lượng, mẫu mã sản phẩm trong cuộc đua với những đối thủ cùng ngành.

Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị Big C. Ảnh: Hoài Nam
Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị Big C. Ảnh: Hoài Nam
Đón mùa mua sắm cuối năm, nhiều doanh nghiệp đã tăng tốc chuyển mình. Nhằm tái định vị thương hiệu và mở rộng đa dạng sản phẩm, vừa qua siêu thị hàng Nhật nội địa là Sakuko Japanese Store đã thay đổi nhận diện thương hiệu, từ nhà bán lẻ chuyên kinh doanh sản phẩm mẹ và bé của Nhật Bản chuyển thành chuỗi siêu thị lĩnh vực bán lẻ hàng Nhật nội địa.
Trong tháng 9/2022 vừa qua, Masan chính thức đưa vào hoạt động chuỗi 27 cửa hàng đa tiện ích WinMart tại ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, dự kiến từ nay đến cuối năm, Masan tiếp tục mở rộng hệ thống cửa hàng WinMart trên cả nước.
“Bên cạnh việc mở rộng hệ thống của hàng bán lẻ, Win Mart cũng đang lên kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng đầy đủ, dồi dào. Trong đó, tập trung dự trữ hàng tiêu dùng thiết yếu, thực phẩm do Việt Nam sản xuất với giá cả phải chăng, chất lượng không thua kém hàng ngoại. Đồng thời sẽ có nhiều chương trình khuyến mại nhằm kích cầu mua sắm” - đại diện WinMart thông tin.
Tương tự, Giám đốc điều hành chuỗi Big C và Go! miền Bắc Lê Mạnh Phong cho biết, nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm cuối năm, hiện Big C đang tiến hành đàm phán với các hãng nhà cung cấp để bảo đảm nguồn hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu.
“Thông qua đàm phán, Big C sẽ đa dạng nguồn cung để bù đắp lượng thiếu hụt, chú trọng tới nguồn hàng ổn định và giá thấp do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất. Đồng thời Big C còn thực hiện nhiều chương trình khuyến mại qua đó duy trì và thu hút khách mua sắm” - ông Lê Mạnh Phong khẳng định.
Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị Big C. Ảnh: Hoài Nam
Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị Big C. Ảnh: Hoài Nam

Để tạo thêm "sức bật" cho các doanh nghiệp bán lẻ, quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan thông tin, Hà Nội đã ban hành chương trình khuyến mại tập trung năm 2022, qua đó nhằm kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá tiêu thụ hàng Việt, tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ.

Theo đó, từ nay đến cuối năm, Hà Nội sẽ tổ chức sự kiện "Hà Nội đêm không ngủ - Hanoi midnight sale 2022," "Hà Nội - Online xuống phố" gắn với ngày Black Friday, với các hình thức khuyến mại lên tới 100%. Ngoài ra, Sở Công Thương Hà Nội đã xây dựng kế hoạch phục vụ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 trên địa bàn TP với lượng hàng hóa trị giá khoảng 39.500 tỷ đồng (tăng 15% so với cùng kỳ năm trước).