Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Doanh nghiệp bán lẻ Việt chọn lối đi riêng

Thu Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc các tập đoàn bán lẻ nước ngoài liên tục mở rộng quy mô, thâu tóm thị phần, khiến nhiều DN bán lẻ Việt hết sức lo lắng. Theo các chuyên gia, để giữ vững thị phần, các DN bán lẻ Việt Nam không nên cạnh tranh, đối đầu trực tiếp với các “ông lớn” mà nên chọn hướng đi riêng.

 Người tiêu dùng mua hàng tại siêu thị Big C. Ảnh: Việt Linh
Sức hút của thị trường bán lẻ Việt Nam
Việt Nam được đánh giá là một trong 30 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới nên đã thu hút nhiều DN bán lẻ quốc tế đầu tư, khai thác. Theo Bộ Công Thương, hiện DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm 17% thị phần siêu thị và trung tâm thương mại, 50% bán hàng trực tuyến, 15% siêu thị. Những DN lớn trong ngành bán lẻ thế giới đang có mặt trên thị trường Việt Nam phải kể đến như: Aeon (Nhật Bản), Lotte (Hàn Quốc), Central Group (Thái Lan)... Thời gian gần đây, các "ông lớn" này không ngừng mở rộng mạng lưới, khai thác thị trường bán lẻ Việt Nam. Gần đây nhất, hệ thống cửa hàng tiện lợi 7-Eleven đã chính thức có mặt tại Việt Nam, dự kiến trong 3 năm tới, tập đoàn này sẽ nâng số cửa hàng tại Việt Nam lên 100 và 10 năm tới là 1.000 cửa hàng.
Việc DN bán lẻ chọn hướng phát triển hệ thống cửa hàng tự chọn, siêu thị mini là hướng đi đúng đắn để giành lại thị phần và bứt phá trong thời gian tới.

TS Lê Huy Khôi - Trưởng ban Nghiên cứu dự báo thị trường, Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương)

Thực tế, để tiến vào thị trường Việt Nam nhanh nhất, DN ngoại thường chọn phương án mua lại các hệ thống bán lẻ rồi đưa công nghệ vào khai thác kinh doanh. Liên tục trong những năm 2015, 2016, và 2017 các cuộc sáp nhập, mua lại hệ thống bán lẻ với giá trị rất lớn diễn ra rầm rộ. Nổi bật là việc Tập đoàn Berli Jucker (BJC, Thái Lan) mua lại chuỗi siêu thị Metro Việt Nam; Tập đoàn Central Group (Thái Lan) mua lại hệ thống siêu thị Big C Việt Nam. Việt Nam cũng là thị trường thu hút nhiều DN thương mại điện tử nước ngoài như Amazon (Mỹ) đã chính thức đổ bộ thông qua hình thức hỗ trợ các DN nhỏ và vừa xuất khẩu trên Amazon, trước đó là Tập đoàn Alibaba (Trung Quốc) đã mua lại Lazada.

Theo Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR) Đinh Thị Mỹ Loan: Hiện DN nước ngoài đang chiếm thị phần lớn thị trường bán lẻ Việt Nam. Đáng chú ý trước khi đầu tư khai thác DN ngoại tìm hiểu rất kỹ thị hiếu, sở thích và thói quen tiêu dùng của người Việt. Điều này tạo nên sức ép cạnh tranh lớn trên thị trường, nhất là khi nhà đầu tư nước ngoài có lợi thế hơn DN Việt về vốn, mặt bằng.

Xây dựng kênh phân phối đối trọng

Để tăng khả năng cạnh tranh, nhiều DN bán lẻ Việt không ngừng phát triển hệ thống, áp dụng công nghệ mới, đặc biệt đẩy mạnh liên kết, từ đó tạo ra đối trọng với hệ thống bán lẻ nước ngoài. Năm 2018 cũng chứng kiến nỗ lực lớn của các DN bán lẻ Việt trong việc đẩy nhanh tốc độ mở mới cửa hàng tiện lợi. Trong số đó Tập đoàn Vingroup nổi lên với chiến lược "phủ sóng" sau 4 năm gia nhập thị trường bán lẻ đã lần lượt thâu tóm chuỗi siêu thị Ocean Mart, Vinatexmart, Maximark, Fivimart...

Đặc biệt, trong tháng 12/2018, Vingroup đã khai trương 117 cửa hàng VinMart+. Đến nay chuỗi bán lẻ Vingroup đã có 100 siêu thị VinMart, 1.700 cửa hàng VinMart+ trên toàn quốc. Nhờ nỗ lực phát triển, năm 2018 VinMart và VinMart+ đã vươn lên vị trí số 1 trong 10 nhà bán lẻ uy tín. Không chịu thua kém Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh - Saigon Co.op đã đầu tư 2 trung tâm thương mại, 101 siêu thị Co.op Mart và 300 điểm bán hàng mini Co.op Food. Tương tự, năm 2018 Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) cũng mở được 62 cửa hàng Satra Food, 1 trung tâm thương mại, 1 siêu thị Satra dự kiến mở 1 trung tâm thương mại, 1 siêu thị và có kế hoạch mở thêm 60 cửa hàng tiện lợi nữa trong năm 2019. Đánh giá về những cơ hội của các DN bán lẻ nội, Trưởng ban Nghiên cứu dự báo thị trường, Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương) TS Lê Huy Khôi cho rằng: Phần lớn người tiêu dùng Việt Nam vẫn giữ thói quen mua sắm nhanh và xu hướng này đã nhanh chóng lan rộng đến nông thôn cùng tốc độ đô thị hóa, do đó việc phát triển những cửa hàng tiện lợi, siêu thị tại vùng nông thôn đã đáp ứng được nhu cầu người tiêu dùng.

Theo các chuyên gia, việc tìm đến thị trường ngách, thị trường nhỏ là hướng đi đúng bởi các DN Việt chưa đủ quy mô, vốn để chống chọi với các DN nước ngoài. Các DN nhỏ và vừa của Việt Nam sẽ cạnh tranh tốt hơn nếu nhắm đến một phân khúc thị trường nhỏ vì chúng ta đang ở quy mô nhỏ, có thể nắm bắt chi tiết hơn nhu cầu khách hàng. Đây vốn là việc mà những công ty lớn không dễ làm được.