Doanh nghiệp Bảo hiểm bắt tay với ngân hàng: Thiếu hành lang pháp lý bảo vệ khách hàng

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đến VPBank, PVcombank, Techcombank hay nhiều ngân hàng khác giao dịch thời điểm này, khách hàng đều dễ dàng nhận thấy một nhân viên hỗ trợ, sẵn sàng giới thiệu về các giải pháp liên quan đến bảo hiểm, quỹ đầu tư…

Hợp tác giữa 2 định chế tài chính này đang có xu hướng trở nên khăng khít hơn bao giờ hết.
Mở thẻ tín dụng qua hợp đồng bảo hiểm
Những khách hàng có khả năng tài chính cao, thuộc nhóm ưu tiên thường xuyên được nhân viên ngân hàng gợi ý khéo léo, chẳng hạn “nếu chị gửi tiền thời hạn dài 18 - 36 tháng như vậy, sao không tham khảo kênh đầu tư thêm”. Nếu khách hàng gật đầu, họ lập tức giới thiệu cho bạn đồng nghiệp gần đó tiếp cận giới thiệu cho giải pháp tài chính mới. Nghe một hồi, khách hàng sẽ hiểu đó là sản phẩm của công ty bảo hiểm. 

Tại VPBank, khách hàng sở hữu hợp đồng bảo hiểm nhân thọ từ một năm trở lên và phí bảo hiểm từ 10 triệu đồng/năm trở lên có thể mở một chiếc thẻ tín dụng VPBank, có rất nhiều hạn mức khác nhau tùy thuộc số tiền bảo hiểm.

VPBank tổ chức các buổi gặp mặt tri ân khách hàng, có quà tặng trong buổi lễ có kết hợp giới thiệu sản phẩm bảo hiểm, nếu khách hàng nào ký hợp đồng bảo hiểm sẽ có quà tặng… Hiện, VPBank hợp tác với Bảo Việt.

Nhân viên VPBank tư vấn dịch vụ cho khách hàng. Ảnh: Công Hùng

Hợp tác với PVcombank, bên cạnh sản phẩm bảo hiểm thông thường, Prudential còn tiếp cận với các khách hàng của PVcombank để giới thiệu sản phẩm của Công ty Quản lý quỹ EastSpring với những thông tin như lãi suất 6 tháng đầu năm cao hơn nhiều so với gửi tiền tiết kiệm…
Gần đây, Techcombank lại ký hợp tác chiến lược với Manulife, và theo chia sẻ của đại diện ngân hàng này, đây là hợp tác độc quyền. Đại diện Techcombank giải thích, lúc trước Ngân hàng có 2 đối tác chiến lược về bảo hiểm, sau một thời gian triển khai đã quyết định chọn một đối tác để giải quyết cho khách hàng một  cách tốt nhất và đồng nhất nhất.
Cần sự đồng bộ
Bán bảo hiểm qua ngân hàng (Bancassurance) được đánh giá là rất tiềm năng tại Việt Nam. Bảo hiểm đang là nguồn thu mới nhiều hứa hẹn cho các ngân hàng, nhằm bù đắp cho hoạt động cho vay truyền thống vốn đang chịu áp lực do chênh lệch lãi suất ngày càng ít. Việc hợp tác giúp ngân hàng và bảo hiểm có thể tận dụng khách hàng của nhau, sản phẩm của hai bên cũng phong phú hơn, khi gửi tiết kiệm hoặc vay vốn ngân hàng, khách hàng sẽ đương nhiên được hưởng các gói sản phẩm. Tổng Giám đốc Techcombank Nguyễn Lê Quốc Anh khẳng định, hợp đồng độc quyền với Manulife sẽ giúp ngân hàng này đạt trên 10.000 tỷ đồng doanh thu phí bảo hiểm trong 5 năm tới.
Có một điểm đáng lưu ý gần đây trong xu hướng hợp tác bảo hiểm - ngân hàng là việc nhiều ngân hàng chọn bắt tay với các công ty bảo hiểm nước ngoài. Prudential, Prevoir và Dai-ichi Life đang là 3 DN bảo hiểm nhân thọ có nhiều hợp tác với ngân hàng nhất. Ngoài Techcombank, PVcombank, Sacombank mới đây cũng đã ký kết với Dai-ichi…
Có nhiều lý do để giải thích cho vấn đề này. Phía ngân hàng cho rằng, các hãng bảo hiểm nước ngoài là những công ty toàn cầu, có kinh nghiệm và đưa ra nhiều giải pháp, giải quyết các vấn đề dễ hơn. Bên cạnh đó còn là khả năng kết nối, tương thích về công nghệ.
Nhưng ẩn phía sau xu hướng này cũng là thông điệp cần lưu ý về khả năng cạnh tranh, nếu các công ty bảo hiểm trong nước không vươn lên mạnh mẽ sẽ có nguy cơ bị lép vế ngay trên sân nhà... Ngoài ra, cần có sự đồng bộ, phát triển từ hành lang pháp lý, vấn đề khác cần đặt ra với các cơ quan quản lý là yêu cầu các DN gia tăng năng lực tài chính và trích lập các quỹ bảo hiểm tại Việt Nam. Lịch sử đã cho thấy có những tập đoàn bảo hiểm toàn cầu chịu tác động lan truyền cực lớn. Khi công ty mẹ hoặc một số công ty con trên toàn cầu có vấn đề, năng lực tài chính của tập đoàn bị ảnh hưởng, liệu có tạo ra ảnh hưởng dây chuyền với các công ty con tại Việt Nam?
Các diễn biến hiện nay cho thấy, cả công ty bảo hiểm và ngân hàng đều có lợi khi miếng bánh thị trường cùng to lên, nhất là nền kinh tế và thu nhập của người dân đang tăng nhanh, ý thức của người dân về các sản phẩm bảo hiểm rủi ro ngày càng tăng. Hợp tác độc quyền với hãng bảo hiểm giúp không ít ngân hàng cải thiện đáng kể lãi từ mảng dịch vụ. Thông thường, khi hợp tác độc quyền, họ được hưởng hoa hồng khá ổn định theo số năm ký kết.