Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Doanh nghiệp bất động sản “kể khổ” với Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh

Huy Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 10/4, Thành ủy, UBND TP Hồ Chí Minh đã có buổi làm việc với Hiệp hội Bất động sản và khoảng 100 doanh nghiệp bất động sản.

Có thể nói, đây là lần đầu tiên doanh nghiệp bất động sản có cơ hội nói ra những bức xúc đã làm họ cạn kiệt sức lực, dự án bị kéo dài chỉ vì những lý do rất nhỏ.
Sợ trách nhiệm, các sở ngành đùn đẩy cho nhau
Một nhóm vấn đề mà Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) tập trung khiếu nại, kiến nghị xử lý đó là nhóm vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính. Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, họ mất nhiều tháng, thậm chí vài năm chỉ để xin được xác định đóng tiền sử dụng đất... Với mặt bằng lãi suất hiện nay, nếu thủ tục hành chính kéo dài, khiến cho doanh nghiệp phải gánh chịu một khoản lãi suất ngân hàng khổng lồ, hậu quả là phải hạch toán vào giá nhà, đất và người mua phải trả và mục tiêu kéo giảm giá thành nhà đất không thể thực hiện được. Một dự án bị kéo dài vài năm có nghĩa là giá thành của dự án đó đã tăng vài chục phần trăm. 
Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu trình bày 12 nhóm vấn đề kiến nghị của doanh nghiệp bất động sản.
Ông Nguyễn Văn Đực chủ một doanh nghiệp bất động sản đã có bài phát biểu làm "nóng" hội nghị. Ông Nguyễn Văn Đực kể, hồ sơ xin xác định tiền sử dụng đất bị chuyển lòng vòng từ Sở Tài chính qua Sở Tài nguyên&Môi trường kéo dài 14 tháng, không sở nào giải quyết. 
Rất nhiều doanh nghiệp đã phản ánh tình trạng thủ tục hành chính kéo dài, HoREA đã tập hợp và đã có kiến nghị chính thức Chính phủ, Thành uỷ, UBND TP... vào cuộc giải quyết.
Theo Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu, hiện nay, gần như công tác tính tiền sử dụng đất dự án bất động sản trên địa bàn TP đều bị chậm trễ. Nhiều hồ sơ tính tiền sử dụng đất kéo dài cả năm vẫn chưa giải quyết xong, hoặc bị yêu cầu bổ sung nhiều lần, bị chuyển lòng vòng, không trình được lên Hội đồng thẩm định giá đất và UBND TP Hồ Chí Minh. Nguyên nhân trực tiếp là một số cán bộ, công chức sợ trách nhiệm, sợ sai nên có thái độ thụ động, không dám đề xuất chính kiến. Đồng thời, Hiệp hội nhận thấy chưa có "khung cơ chế" về quy trình tính "giá đất cụ thể" theo quy định của Luật Đất đai, phù hợp với điều kiện thực tiễn của TP Hồ Chí Minh, để cán bộ, công chức thực hiện công tác tính tiền sử dụng đất dự án theo "khung cơ chế" này thì yên tâm và được an toàn.       
Từ tình hình thực tiễn trên đây, Hiệp hội kiến nghị: Sở Tài nguyên&Môi trường thụ lý nhanh hồ sơ tính tiền sử dụng đất dự án, và phối hợp với Sở Tài chính để thẩm định giá đất và trình UBND TP Hồ Chí Minh quyết định tiền sử dụng đất của các dự án; Kiến nghị UBND TP Hồ Chí Minh quy định thời hạn thực hiện công tác tính tiền sử dụng đất dự án, để tránh tình trạng đùn đẩy, dây dưa, kéo dài; Kiến nghị UBND TP chỉ đạo các Sở, ngành xây dựng xây dựng  "khung cơ chế" về quy trình tính "giá đất cụ thể" theo quy định của Luật Đất đai, phù hợp với điều kiện thực tiễn của TP Hồ Chí Minh, để cán bộ, công chức thực hiện công tác tính tiền sử dụng đất dự án theo "khung cơ chế" này thì yên tâm và được an toàn.
Cả dự án bị đình hoãn vì một vướng mắc nhỏ
Phó Tổng Giám đốc TTC Land Bùi Tiến Thắng phản ánh, doanh nghiệp có một dự án làm theo chủ trương chỉnh trang đô thị, dự án được thực hiện từ thời Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng còn đương chức đến nay vẫn chưa thể hoàn thành chỉ vì vướng có một hộ dân lưu cư mà dự án bị kéo dài…
Tổng Giám đốc Quốc Cường Gia Lai Nguyễn Như Loan cho biết, có 12 dự án bị ách tắc trên địa bàn với tổng quỹ đất 150 ha, những dự án này không liên quan gì đến quỹ đất công. Bà Nguyễn Như Loan bức xúc với một dự án nhỏ bị ách tắc một cách vô lý. "Tháng 10/2018, dự án đã duyệt xong quy hoạch 1/500, tất cả đầy đủ. Khi trình UBND TP, chuyên viên UBND TP trả về vì văn bản Sở xây dựng ghi "cơ bản hoàn thành" mà không khẳng định "hoàn thành". Chỉ vì một câu mà Sở phải yêu cầu doanh nghiệp quay lại từ đầu duyệt quy hoạch 1/2.000 trong lúc chúng tôi đã được duyệt đồ án 1/500." - bà Như Loan cho biết.
“Hiện nay nhiều chuyên viên ở các sở ban ngành rất hoang mang, sợ sai, ngại trình, đề xuất lên lãnh đạo. Họ không trình hồ sơ thì lấy đâu ra trưởng phòng ký, lãnh đạo Sở ký. Đó là thực tiễn rất là đau lòng, khổ tâm. Có lúc nếu như tôi không vì cổ đông, nợ ngân hàng, cuộc sống hơn 3.000 nhân viên tập đoàn thì tôi đã tự tử, để lại di chúc, tâm thư để nhà nước làm sao tháo gỡ thủ tục" - bà Loan kể khổ với Bí thư Nguyễn Thiện Nhân.
Theo tổng kết của HoREA, rất nhiều dự án bị đình hoãn nhiều năm vì chỉ một phần nhỏ của dự án chưa thể giải phóng mặt bằng. Có dự án, diện tích đất công chỉ chiếm vài phần trăm nhưng để xác định tiền sử dụng đất mất nhiều năm…

Phải quy định rõ thời giải quyết thủ tục hành chính

Kết thúc hội nghị, Bí thư Thành uỷ TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đã ghi nhận các kiến nghị, đóng góp của HoREA cũng như doanh nghiệp và hứa sẽ tìm cách giải quyết.

Đối với những khó khăn của doanh nghiệp liên quan đến các kiến nghị về thời hạn giải quyết thủ tục xin xác định tiền sử dụng đất, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho rằng quy trình đã có nhưng cần phải hoàn thiện để doanh nghiệp biết rõ lộ trình, quy trình nào cũng cũng phải có thời hạn giải quyết, sở, ngành và cả Văn phòng UBND TP phải có qui định về thời hạn nhất định hoàn thành ký, trả lời hồ sơ, mỗi công đoạn thì trách nhiệm các sở - ngành làm gì; khâu nào khó thì các sở ngồi lại trao đổi, ai chịu trách nhiệm, sở - ngành hay UBND TP đều phải chỉ rõ.

Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân không đồng tình với câu nói của đại diện doanh nghiệp rằng “tôi thấy các doanh nghiệp nói rất thương các giám đốc đầu ngành mà không biết làm thế nào?". Bí thư Thành uỷ  TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo các sở phải bàn với nhau nếu không giải quyết được thì kiến nghị cấp trên. "Phải nhìn nhận thẳng thắn, cái gì làm được cho doanh nghiệp thì làm tốt hơn, cái gì yếu kém thì cần sửa chữa”, Bí thư  Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu.

Trả lời các kiến nghị của HoREA, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đề nghị TP phải có hệ thống tiếp nhận thường xuyên, giải quyết liên tục, có một cơ quan tập hợp báo lại các đơn vị có liên quan giải quyết.

Cũng tại hội nghị, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho rằng cứ 5 năm dân số tại TP Hồ Chí Minh tăng lên 1 triệu dân, việc giải quyết nhu cầu về nhà ở cho số người tăng thêm là thị trường vô cùng rộng, bình quân 5 năm TP Hồ Chí Minh phải cần đến 250.000 căn hộ. Ngoài ra, thu nhập đầu người không ngừng tăng nên nhu cầu về nhà ở vô cùng lớn, TP Hồ Chí Minh có tỷ lệ nhà bán kiên cố 60%, kiên cố 38% còn lại là không kiên cố... Vì thế, thời cơ cho kinh doanh bất động sản chưa lúc nào thuận lợi như bây giờ, là cơ hội khổng lồ cho các doanh nghiệp bất động sản.