Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Doanh nghiệp biến nguy thành cơ

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài khiến nhiều DN ngừng hoạt động, giải thể. Tuy nhiên, vẫn có những “điểm sáng” trong khó khăn nhờ đẩy mạnh chuyển đổi công nghệ sản xuất, kinh doanh, đưa ra chiến lược hợp lý với cách làm sáng tạo. Để làm được điều đó là sự nỗ lực, tư duy nhạy bén, chủ động tránh đứt gãy, tìm lối đi riêng phù hợp với bản thân trước khó khăn bủa vây.

 Ảnh: Khắc Kiên
Trưởng phòng Nhân sự Công ty CP Thống Nhất Hà Nội Chu Văn Vượng: Đồng bộ giải pháp chống dịch
Ngay khi dịch Covid-19 bùng phát, DN xây dựng các kịch bản cụ thể để đảm bảo mục tiêu vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa sản xuất kinh doanh đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Về kinh doanh, DN tập trung quảng bá và bán hàng thương mại.
Bù đắp sự khó khăn, thiếu hụt lao động do tình hình dịch bệnh, Thống Nhất đẩy mạnh đầu tư máy móc, trang thiết bị tự động hóa, nâng cao năng suất, chuyển sang chế độ báo cáo, họp online, đầu tư nâng cấp hệ thống phần mềm ERP... Bộ phận văn phòng bố trí làm việc 50% online, đảm bảo giữ khoảng cách và duy trì con số an toàn. Dừng các buổi hội họp đông người, tăng cường họp qua zoom.
Trưởng phòng Nhân sự Công ty CP Thống Nhất Hà Nội Chu Văn Vượng. Ảnh: Khắc Kiên
Ngoài ra, Công ty tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, giám sát và xử lý các cán bộ, công nhân viên (CBCNV) không thực hiện 5K: Check camera, trích xuất hình ảnh vi phạm… xử phạt nghiêm để làm gương. Trước đây tất cả CBCNV ăn tập trung tại bếp, khi áp dụng thực hiện giãn cách, DN chuẩn bị một số nhu yếu phẩm cần thiết để duy trì "3 tại chỗ" như gạo, thực phẩm, củ quả… và chia theo suất phát đến vị trí của từng công nhân.
DN cũng thông báo tới toàn bộ CBCNV chuẩn bị đồ dùng cá nhân để lại nơi làm việc, bố trí đầy đủ màn, chiếu, găng tay y tế, bộ kit test nhanh, phòng cách ly tạm thời trong trường hợp có F0 tại nơi sinh sống và bị phong tỏa phải ở lại công ty để thực hiện phòng chống dịch… Do đó, nhờ chuẩn bị sẵn các phương án, từ khi Covid-19 xuất hiện năm 2020, Thống Nhất vẫn đạt được kết quả khả quan, tăng trưởng 90% và dự báo năm 2021 tăng trưởng 115%.
Tổng Giám đốc Công ty CP Bất động sản VIF Việt Nam Nguyễn Thị Dung: Tự tìm lối toát
Là công ty chuyên kinh doanh bất động sản (BĐS) nhà phố nhưng do dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đển thị trường BĐS nói chung và DN nói riêng. Để tìm lối thoát và nắm bắt cơ hội vượt qua dịch bệnh Covid-19, quý I/2020, DN nghiên cứu, mở thêm chi nhánh kinh doanh về tạp hoá tiện lợi với những sản phẩm thiết yếu phù hợp với thực tế.
Tổng Giám đốc Công ty CP Bất động sản VIF Việt Nam Nguyễn Thị Dung. Ảnh: Hoàng Anh
Đến nay, công ty đã có gần 2.000 sản phẩm để phục nhu cầu của khách hàng, đặc biệt trong thời gian giãn cách xã hội. Nhờ đó, doanh thu tăng trưởng cao hơn do có đơn hàng đặt qua online nhiều.
Tôi mong dịch bệnh qua nhanh để cho cuộc sống sớm trở lại "trạng thái bình thường mới". Hy vọng sự nỗ lực của bản thân DN, cũng như các chính sách hỗ trợ sớm đi vào thực tế để DN yên tâm sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người lao động.
Tổng Giám đốc Công ty CP MISA Đinh Thị Thúy: Duy trì hoạt động bằng công nghệ
Là DN có bề dày gần 27 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ, từ trước đại dịch Covid-19, MISA đã ứng dụng các sản phẩm của chính công ty để đổi mới phương thức làm việc, triển khai mọi hoạt động trên môi trường số… 
Nhờ đó, DN duy trì hệ thống làm việc trong bối cảnh giãn cách, kết nối, tạo động lực làm việc cho đội ngũ gần 2.500 nhân sự trên toàn quốc, đảm bảo cung cấp dịch vụ, phục vụ và hỗ trợ khách hàng kịp thời, không gián đoạn. MISA cũng triển khai truyền thông mạnh mẽ trong DN nghiêm túc tuân thủ quy định 5K, đảm bảo an toàn sức khỏe mùa dịch. 
Tổng Giám đốc Công ty CP MISA Đinh Thị Thúy. Ảnh: Khắc Kiên
MISA dành tặng nhiều chương trình ưu đãi nhằm đồng hành cùng DN vượt khó. Trong đó, MISA AMIS - Nền tảng Quản trị DN hợp nhất đáp ứng đầy đủ mọi nghiệp vụ từ bán hàng, kế toán, nhân sự, marketing tới quản trị khách hàng… với đầy đủ công cụ làm việc online, đang được ứng dụng để làm việc từ xa tại hơn 12.000 DN; Nền tảng Kế toán dịch vụ MISA ASP - nền tảng Make in Vietnam giúp DN nhỏ, siêu nhỏ có thể tìm kiếm được kế toán dịch vụ uy tín, chuyên nghiệp ở bất cứ đâu và bất kỳ khi nào. Hiện MISA cũng tặng 1 năm tài chính miễn phí sử dụng phần mềm kế toán MISA AMIS Kế toán online cho các DN sử dụng dịch vụ kế toán qua MISA ASP. 
Cùng với đó, MISA không chỉ cung cấp các giải pháp giúp vận hành DN từ xa, không bị gián đoạn trước tác động của Covid-19, mà còn liên tục kết hợp với các hiệp hội, đơn vị tổ chức hội thảo trực tuyến nhằm cung cấp kiến thức hữu ích từ chuyên gia về quản trị, vận hành DN trong bối cảnh làm việc từ xa... Đây chính là những nỗ lực của đội ngũ MISA nhằm đồng sức, đồng lòng cùng cộng đồng DN nói riêng, đất nước nói chung vượt qua đại dịch Covid-19.
Tổng Giám đốc Công ty CP Đào tạo và Phát triển nhân lực Dgroup Lê Dung: Chuyển từ đào tạo trực tiếp sang online
 Giám đốc Công ty CP Đào tạo và Phát triển nhân lực Dgroup Lê Dung. Ảnh: Hoàng Anh
Để hạn chế những rủi ro, công nghệ là yếu tố mà DN, nhất là khởi nghiệp cần quan tâm, vì những DN đi sau cần có các công nghệ phù hợp, thiết thực nhằm tạo ra những lợi thế cạnh tranh riêng biệt. Bản thân Dgroup sớm nhận ra, chuyển từ đào tạo trực tiếp sang tổ chức online, mở zoom nhằm mang lại những trải nghiệm hữu ích cho khách hàng. Đó là cách thoát thân hữu ích.
Rõ ràng, làn sóng Covid-19 lần thứ 4 quay trở lại với tốc độ và ảnh hưởng nghiêm trọng hơn khiến các DN vốn đã bị tổn thương nay càng trở nên yếu ớt. Nhiều vấn đề DN gặp phải, nhưng yếu tố then chốt là vấn đề tài chính, quyết định sự sống còn. Nhiều biện pháp đã được đưa ra như tiết giảm chi phí, giảm giá dịch vụ để giữ khách hàng, thậm chí DN còn bán bớt tài sản để cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh. 
Rất mong Chính phủ tăng cường công tác truyền thông về các gói hỗ trợ, kèm những điều kiện cụ thể để DN và người lao động có thể cập nhật nhanh nhất và kịp thời tiệm cận thụ hưởng, giúp tháo gỡ bớt khó khăn... Về việc tiêm vaccine cho khối DN, tôi cho rằng cần được tuyên truyền, phổ rộng để các DN nắm rõ các kênh đăng ký, có thể tiếp cận nhanh nhất giúp người lao động an tâm, ổn định chung tay cùng DN vững vàng vượt qua dịch bệnh...
Chủ tịch HĐQT Công ty CP Mật ong Bồ Đề Hoa Nguyễn Thụy OanhChuẩn bị nguồn lực bứt phá sau Covid-19
Covid-19 đã ảnh hưởng đến DN trong suốt thời gian qua. Có đơn hàng thì không vận chuyển được, vận chuyển được thì đứt gãy các khâu nguyên vật liệu, có nguyên vật liệu lại thiếu nhân công… Để tiếp tục kết nối với khách hàng, đơn vị cung cấp, DN đã áp dụng nhiều biện pháp công nghệ và luôn đảm bảo 5K, ví dụ như livestream xem và kiểm tra vùng nguyên liệu, vật tư, trang thiết bị, họp zoom mọi lúc mọi nơi để đảm bảo giãn cách và quản lý công việc.
Chủ tịch HĐQT Công ty CP Mật ong Bồ Đề Hoa Nguyễn Thụy Oanh. Ảnh: Hoàng Anh
Khi thực hiện giãn cách, công việc ít hơn DN có cơ hội nhìn lại mình, đánh giá những thành quả đã đạt được và quyết tâm chuyển đổi mạnh mẽ, phù hợp và hiệu quả hơn. Trước đây, khi bán hàng DN tập trung vào kênh siêu thị, nhà thuốc, giờ đây chuyển hướng sang các sàn thương mại điện tử, xúc tiến thương mại online và hội nhóm online nên kinh doanh vẫn diễn ra bình thường. Covid-19 đã làm thay đổi rất nhiều thứ, đặc biệt là hành vi tiêu dùng. Rất mong các DN Việt Nam chuyển đổi kịp thời, chuẩn bị nguồn lực để có thể bứt phá sau Covid-19.
CEO Công ty TNHH Sản xuất Cơ điện - Thương mại Phương Linh Trần Văn Lê: Mắt xích kết nối thương mại và sản xuất
Được mệnh danh “Vua quạt đất Bắc”, chuyên sản xuất công nghiệp với chuỗi kinh doanh và phân phối trực tiếp, tôi cho rằng, sự kết nối từ thương mại đến sản xuất là mắt xích vô cùng quan trọng, ứng dụng phần mềm để quản trị số liệu, quản trị tồn kho, giám sát đơn hàng qua online nhanh gọn, tiết kiệm, toàn diện, nhất là với khách hàng.
CEO Công ty TNHH Sản xuất Cơ điện - Thương mại Phương Linh Trần Văn Lê. Ảnh: Hoàng Anh
Đặc biệt, với một chủ DN thông qua hệ thống và tiện ích gắn kết trực tuyến toàn khối để nắm bắt thông tin nhanh nhạy, xử lý kịp thời trong chốc lát. Từ đó ra quyết định nhanh chóng, kịp thời như chốt đơn hàng, chỉ đạo linh hoạt trong mọi tình huống. Với DN sản xuất cơ điện có nhà máy mới hiện đại đầu tư cơ sở hạ tầng chuyên nghiệp, ứng dụng công nghệ cao châu Âu thế hệ mới nhất rất thuận lợi cho việc triển khai sản xuất. Những khó khăn nếu không có sự chuẩn bị chu đáo thì gần như hệ thống thông tin sẽ tê liệt, sản xuất sẽ đứt gãy và đình trệ.
Tổng Giám đốc Công ty CP thời trang Bimart Lê Xuân Tùng: Dựa vào công nghệ để trụ vững
Rõ ràng, đại dịch Covid-19 không chỉ tác động nghiêm trọng tới các DN lớn, hàng loạt các DN nhỏ và vừa cũng điêu đứng trong giai đoạn hiện nay. Trong đó, ngành thời trang, dệt may bị ảnh hưởng rất lớn, bản thân Bimart phải áp dụng chuyển đổi số để làm việc online nhiều hơn.
Tổng Giám đốc Công ty CP thời trang Bimart Lê Xuân Tùng. Ảnh: Hoành Anh
Thực hiện việc sản xuất và kinh doanh với các phương án giãn cách giữa người lao động, ăn ở tại chỗ. Đơn cử tại kho của Bimart, tất cả người lao động ăn ở, làm việc tại đó. Đồng thời, DN cố gắng tiêm vaccine tiêm cho cán bộ công nhân viên, người lao động, thực hiện triệt để 5K...
Hiện kế hoạch phát triển hệ thống của Bimart bị ảnh hưởng rất lớn. DN phải điều chỉnh toàn bộ kế hoạch sản xuất, nhanh chóng tìm ra những giải pháp bán hàng, tránh tồn kho, cắt giảm 1/2 sản lượng... nếu không dựa vào công nghệ thì không thể trụ vững.