Cơ hội lớn nếu biết tận dụng
Tổng Giám đốc Công ty CP Hà Yến Nguyễn Thị Lan Anh (hoạt động 22 năm trong lĩnh vực sản xuất, cung cấp, thi công lắp đặt thiết bị bếp công nghiệp) cho biết, trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, một DN tự đi tìm kiếm đối tác sẽ có nhiều hạn chế. Vì vậy, thông qua tham gia các hội nghị, diễn đàn xúc tiến thương mại là cách để nhiều người biết đến thương hiệu Hà Yến hơn. Thứ hai, đây là cơ hội tìm kiếm khách hàng; là cơ hội lớn để tìm kiếm các nhà cung cấp trong nước, bởi bản chất của Hà Yến là công nghiệp lắp ráp, rất cần nhà cung cấp linh phụ kiện sản xuất trong nước để giảm nguồn nhập khẩu, từ đó giảm chi phí và có thể kiểm soát tốt hơn chất lượng.
Thực tế trong bối cảnh hội nhập hiện nay, việc liên kết được nhiều DN biết đến nhưng điểm yếu của các DN trong nước hiện nay là thiếu tự tin nên chưa chủ động trong tìm kiếm đối tác. “Kết nối giống như anh đi một mình có thể đi nhanh, còn đi cùng mọi người có thể đi xa hơn. Và muốn đi xa hơn, muốn làm chuyên nghiệp, bài bản hơn phải có cộng đồng, nghĩa là phải liên kết. DN có cùng đối tác khách hàng biết liên kết sẽ hỗ trợ, bán sản phẩm, dịch vụ cung ứng cho nhau, từ đó mới mong thành công trên chính sân nhà” – bà Nguyễn Thị Lan Anh chia sẻ.
Trong khi đó, Tổng Giám đốc Công ty CP 22 (Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng) Trương Ngọc Toán mong muốn, các cơ quan quản lý, hiệp hội tổ chức nhiều hơn các diễn đàn xúc tiến thương mại trong và ngoài nước. Bởi, việc liên kết tổ chức các diễn đàn xúc tiến thương mại, đầu tư giúp các DN biết và hiểu nhau, tìm được những nhà cung cấp sản phẩm thế mạnh, tiềm năng từ đó giúp hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, cũng như giúp tăng sức cạnh tranh cho từng DN. Đồng thời, ông Trương Ngọc Toán cho rằng, với DN lớn không nói nhưng với DNNVV thì khó khăn hiện tại chủ yếu về vốn khi muốn mở rộng sản xuất, kinh doanh. DN nếu biết bắt tay với các DN cùng lĩnh vực sẽ giải quyết được vấn đề này cũng như đạt được những mục tiêu mà mình đề ra.
Giúp DN hiểu đối tác hơn
Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Phó Chủ tịch Thường trực, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội (Hanoismea) Mạc Quốc Anh chia sẻ, Hanoismea tổ chức các diễn đàn xúc tiến thương mại nhằm mục đích tạo ra chuỗi giá trị liên kết nội khối trong hệ thống các DN, nhất là các DNNVV. Đây cũng là cơ hội để nhiều DNNVV đứng phía sau các DN lớn tạo ra chuỗi liên kết cùng phát triển, cùng mở rộng các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đồng thời thông qua diễn đàn, các ý kiến, những vướng mắc khó khăn của DN sẽ được tập hợp gửi đến các cơ quan chức năng, nhằm có những giải pháp tháo gỡ kịp thời, hỗ trợ cho các DNNVV phát triển.
Trả lời câu hỏi về việc liên kết các DN với nhau trong bối cảnh hội nhập sẽ mở ra cơ hội cho các DN như thế nào? Ông Mạc Quốc Anh cho biết, để liên kết, hợp tác mang lại hiệu quả trước hết mỗi DN phải hiểu các DN khác, các hiệp hội ngành hàng cũng phải hiểu được DN, lãnh đạo các cơ quan, chính quyền cũng phải hiểu DN đang khó khăn, vướng mắc như thế nào để tạo ra các cơ hội cùng phát triển. Thực tế cho thấy, hiện, DNNVV có rất nhiều khó khăn, nhưng tập trung nhất là thông tin về hội nhập kinh tế quốc tế, đa phần chưa chủ động về vấn đề này. Tiếp đến là khó khăn về nguồn vốn hỗ trợ lãi suất, việc đổi mới, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao giá trị cạnh tranh chưa được chú trọng. Vấn đề nữa là nguồn nhân lực chất lượng cao chưa được DN, nhất là DNNVV quan tâm. “Chúng ta không thể cạnh tranh trong quá trình hội nhập bằng nguồn nhân lực có giá trị thấp. Chỉ có nguồn nhân lực chất lượng cao mới có được sản phẩm tốt, giá trị cao và lúc đó mới có thể cạnh tranh” – ông Mạc Quốc Anh nhấn mạnh.
Các doanh nghiệp gặp gỡ, tìm kiếm thông tin trong một diễn đàn xúc tiến thương mại do Hanoismea tổ chức. Ảnh: Khắc Kiên
|
Thời gian qua, Hanoismea đã có những kiến nghị cụ thể để khắc phục những hạn chế của DNNVV trong quá trình hội nhập tập trung vào một số vấn đề: Minh bạch hóa các thông tin về chủ trương, chính sách, kể cả vấn đề về đất đai, các vấn đề pháp luật để hỗ trợ cho cộng đồng DN; Có nguồn vốn hỗ trợ với mức lãi suất thấp để tái đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh; Tiếp tục tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thông thoáng về thủ tục hành chính, thủ tục một cửa, thuế, hải quan… để làm sao tiết giảm các chi phí, thời gian, công sức của các DN. |
Cơ hội đồng hành cùng doanh nghiệp Tham gia vào Ban Chấp hành (BCH) Hiệp hội Hanoisme với tư cách là Phó Chủ tịch, ông Nguyễn Gia Phương - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại Du lịch Hà Nội chia sẻ, việc một cơ quan quản lý Nhà nước trở thành thành viên của hiệp hội DN là cơ hội để tiếp cận toàn diện với các DN thành viên. Đây cũng là dịp để Trung tâm hiểu những khó khăn, vướng mắc, từ đó giúp cho DN tìm phương hướng, tiếp cận thị trường, mở rộng sản xuất kinh doanh. Khi tham gia vào Hanoisme, Trung tâm đã có những kế hoạch hoạt động cụ thể gì? - Trong thời gian tới, với nhiệm vụ được TP Hà Nội giao, kể cả kinh phí và nội dung xúc tiến lớn trong năm 2016, Trung tâm sẽ tiến hành hướng xúc tiến mới cho DN nhằm kết nối với thị trường, đặc biệt là với thị trường nước ngoài. Trong đó, sẽ sớm công khai nội dung xúc tiến trong cả 3 lĩnh vực đầu tư, thương mại và du lịch. Thông qua Hanoisme, Trung tâm sẽ phổ biến công khai, minh bạch thông tin nội dung xúc tiến đến từng DN, tổ chức hội nghị, hội thảo để tiếp cận, tìm hiểu nhu cầu của DN, từ đó tiếp cận các tổ chức nước ngoài, các đại sứ quán, tham tán để thống nhất phương án kết nối giúp DN mở rộng thị trường… Đồng thời, DN có thể tìm hiểu thông tin qua Trung tâm về những nội dung mình cần. Đó chính là tạo thuận lợi nhất để hỗ trợ DN trong phát triển. Bên cạnh đó, khi tham gia vào các hiệp định thương mại tự do, Trung tâm đã phát hành cuốn cẩm nang với từng hiệp định, đồng thời hỗ trợ các DN bằng cách phổ biến các nội dung còn tồn tại vướng mắc khi triển khai các hiệp định đó. Ông đánh giá như thế nào về việc Bộ KH&ĐT đang xây dựng nguồn quỹ để hỗ trợ DNNVV, đặc biệt dự án Luật Hỗ trợ DNNVV cũng đang được Bộ KH&ĐT xây dựng và DN kỳ vọng như thế nào khi thực thi? - Tôi cho rằng, việc xây dựng quỹ là chủ trương đúng đắn, bởi nhu cầu vốn của DN khá lớn. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai chắc chắn sẽ phải tìm hiểu kỹ nhu cầu của DN, sau đó mới đề xuất với cơ quan cấp Nhà nước để quyết định việc đó. Còn dự thảo luật liên quan đến công tác chuyên môn của Bộ, nhưng dưới góc độ cơ quan của TP, tôi cũng mong muốn có luật riêng vì đối tượng DNNVV chiếm số lượng lớn. Hy vọng dự thảo sớm được xem xét, trình Quốc hội thông qua giúp các DNNVV có khung pháp lý riêng để hoạt động hiệu quả nhất. Theo ông, khi hội nhập, DNNVV TP phải làm gì để có thể cạnh tranh tốt? - Có thể khẳng định, thời gian qua, Hà Nội đã làm rất nhiều từ chủ trương, chính sách đến hành động để cải thiện môi trường kinh doanh nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất cho DN hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, tôi cũng khuyến nghị chung các DN, nhất là DNNVV cần tìm hiểu kỹ để có thể tận dụng tốt cơ hội từ các hiệp định mang lại, cũng như hạn chế mức thấp nhất những rủi ro. Đồng thời, ngoài nỗ lực của chính bản thân DN, tôi mong muốn các DN cùng hiệp hội, kể cả các DN không cùng hiệp hội liên kết lại với nhau, tạo ra chuỗi giá trị kinh tế để nâng cao tính cạnh tranh ngay trên chính sân nhà, từ đó mới có thể vươn ra thế giới. Trung tâm với vai trò là cơ quan Nhà nước khi tham gia Hanoisme sẽ cùng phối hợp, tạo sân chơi nhằm gắn kết các DN để nâng cao tính cạnh tranh. Xin cảm ơn ông! Hoàng Anh thực hiện
|