Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Doanh nghiệp cẩn trọng để tránh nằm chờ ở cửa khẩu lâu

GIANG LAM
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đã có văn bản gửi tới các địa phương có phương án cân đối lại, tạm thời bảo quản nông sản, cập nhật thông tin tiến độ thông quan, để giảm thiểu những rủi ro, chi phí cho doanh nghiệp (DN).

Thông tin được ông Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho hay tại diễn đàn trực tuyến “Kết nối giao thương nông sản giữa Long An và các tỉnh, thành phố” do Bộ NN&PTNT phối hợp UBND tỉnh Long An, Tổ công tác 970 Bộ NN&PTNT tổ chức  ngày 11/12.

Thông tin liên quan đến tình xuất khẩu nông sản đi Trung Quốc tại các cửa khẩu, ông Hòa cho biết, theo thông báo của Sở Công Thương Lạng Sơn, đến ngày 10/12, có 4.000 xe đang “mắc kẹt” chưa thể thông quan tại Lạng Sơn, các bãi tập kết xe đã đầy kín.

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đã có văn bản gửi tới các địa phương, có phương án cân đối lại, chủ động biện pháp tạm thời bảo quản nông sản tại các kho lạnh, kết nối thông tin với Sở Công Thương Lạng Sơn cập nhật thông tin tiến độ thông quan, để giảm thiểu những rủi ro, chi phí cho DN.

Tại cửa khẩu Móng Cái, sáng 11/12, các xe thủy sản đông lạnh hiện còn tồn 800 xe và 300 container hoa quả. Tại 3 cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma, năng lực thông quan giảm 50% so với trước đây, khoảng 220 xe/ngày (trước là 450 xe/ngày).

Tổng công suất thông quan của 3 cửa khẩu trung bình 500 xe/ngày. Riêng với hoa quả đang ùn tắc ở Tân Thanh như thanh long, mít… mất 10-14 ngày mới được thông quan. Tại cửa khẩu Móng Cái, một ngày có 40-50 xe được thông quan...

Đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản khuyến cáo các địa phương, DN hết sức cẩn trọng trong kiểm tra chất lượng sản phẩm…, tránh nằm chờ ở cửa khẩu quá lâu, tốn kém chi phí cho DN…

Thanh long là mặt hàng được xuất khẩu chủ yếu sang Trung Quốc. Long An là tỉnh có sản lượng thanh long hàng đầu ở miền Tây (Ảnh: Giang Lam).

Tại diễn đàn, ông Nguyễn Minh Lâm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, tỉnh có nhiều điều kiện phát triển nông nghiệp, với khoảng 300.000ha đất nông nghiệp. Trong đó, lúa vẫn là nông sản chính, với sản lượng khoảng 2,9 triệu tấn/năm (1,6 triệu tấn lúa chất lượng cao). Bên cạnh đó là 200.000 tấn rau; 330.000 tấn thanh long; khoảng 72.000 tấn thủy sản, trong đó tôm nước lợ 15.000 tấn…

Theo ông Lâm, thời gian qua, một số nông sản có thế mạnh của Long An bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đầu ra thiếu ổn định, xuất nhập khẩu khó khăn vì hàng rào kỹ thuật, chi phí logistics tăng…

Kết luận diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, nhiều DN, nhà đầu tư có nhu cầu tìm hiểu, thông tin về nông sản Long An đã nắm được tiềm năng, thế mạnh của tỉnh và đánh giá cao các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh này. Tuy nhiên, Long An cần phát huy hơn nữa lợi thế nằm ở cửa ngõ phía Tây của TP Hồ Chí Minh; đầu tư nâng cấp, mở rộng phát triển vùng nguyên liệu (như thanh long ở huyện Châu Thành), quan tâm hơn nữa việc phát triển vùng nguyên liệu bằng cách xây dựng, phát triển khu vực kinh tế tập thể.

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, hiện Bộ NN&PTNT lập đề án xây dựng 5 vùng nguyên liệu tập trung lớn trên cả nước, với quy mô khoảng 156.000ha. Trong đó, Long An nằm trong vùng nguyên liệu Tứ giác Long Xuyên và được Bộ NN&PTNT cam kết hỗ trợ về mặt kỹ thuật, đảm bảo yêu cầu về truy xuất nguồn gốc.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, Long An nói riêng và các tỉnh/thành nói chung không nên tập trung vào một thị trường riêng lẻ. Với thị trường quen thuộc Trung Quốc, cần có kế hoạch tận dụng việc nước bạn sắp mở cửa thị trường cho chanh leo, sầu riêng, khoai lang. Cập nhật sớm, kịp thời với thông tin các cửa khẩu tại Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai, giúp tránh tình trạng ùn ứ khi vận chuyển…