Chúc mừng năm mới

Thị trường thực phẩm mùng 5 Tết Nguyên đán

Doanh nghiệp chủ động nguồn cung không khan hàng, sốt giá

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 2/2 ( tức mùng 5 Tết) là ngày cuối cùng của kỳ nghỉ Tết Ất Tỵ 2025, sức mua đã dần trở lại bình thường, hàng hóa không tăng giá đột biến. Có được như vậy là do hầu hết các doanh nghiệp đã chủ động chuẩn bị nguồn cung góp phần bình ổn thị trường.

Giá thực phẩm không tăng đột biến

Ghi nhận của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị ngày mùng 5 Tết Ất Tỵ tại hệ thống chợ truyền thống như chợ Thành Công (Ba Đình), Kim Liên, Ngã Tư Sở (Đống Đa) cho thấy, các mặt hàng thực phẩm, rau xanh không tăng giá đột biến, thậm chí có nhiều mặt hàng giá giảm sâu hơn so với trước Tết.

Tiểu thương chợ Kim Liên chia sẻ, trước Tết giá su hào có giá 10.000 đồng/củ nhưng ra Tết chỉ có giá 5.000 đồng/củ, rau cải xanh, cải cúc, rau cần đồng giá 10.000 đồng/kg, cải xoong 20.000 đồng/bó, nấm kim châm 15.000 đồng/gói, dứa 15.000-20.000 đồng/quả, hành củ 40.000-50.000 đồng/kg…

Người tiêu dùng mua rau xanh tại chợ truyền thống. Ảnh: Hoài Nam
Người tiêu dùng mua rau xanh tại chợ truyền thống. Ảnh: Hoài Nam

Đặc biệt, giá thịt lợn giảm hơn so với trước Tết, nếu như trước Tết 1 kg sườn thăn có giá 200.000 đồng/kg thì hôm nay chỉ còn 170.000 đồng/kg, các loại thịt ba chỉ, vai, thăn… cũng giảm từ 5.000-10.000 đồng/kg. Chị Nguyễn Thị Thu, kinh doanh thủy sản thông tin, mặc dù lượng hàng, chủng loại thủy sản tuy không đa dạng như những ngày áp Tết nhưng cũng không vì vậy mà tăng giá bán, hiện trắm trắng lọai 4 kg/con được bán với giá 110.000 đồng/kg, cá chuối 130.000 đồng/kg, diêu hồng giá 85.000 đồng/kg, ngao 20.000 đồng/kg. Thực tế cho thấy những ngày này tại chợ truyền thống chỉ duy nhất mặt hàng bún tăng giá từ 10.000 đồng/kg lên 20.000 đồng/kg.

Lý giải nguyên nhân khiến mặt hàng rau xanh giảm giá mặc dù sức mua tăng, tiểu thương Nguyễn Thị Nghĩa kinh doanh rau xanh tại chợ Thành Công cho biết, thời tiết thuận lợi rau xanh được mùa nên giá rau không tăng, mặc dù dịp này sức mua đã tăng mạnh. Bên cạnh đó, phần lớn diện tích rau ăn lá ở các địa phương đã đến thời kỳ thu hoạch, nguồn cung dồi dào khiến giá rau giảm là điều đương nhiên.

Tương tự, tại hệ thống siêu thị Co.op Mart giá các loại thịt bò, gà, lợn không thay đổi so với trước Tết, thịt ba chỉ giá 220.000 đồng/kg, thịt bò 320.000 đồng/kg, thịt gà ta 130.000 đồng/kg; rau xanh cũng không biến động tăng giá hiện bắp cải 10.000 đồng/kg, cà chua 15.000 đồng/kg, xà lách 15.000 đồng/kg, hành lá 20.000 đồng/kg, các loại trái cây đã được bổ sung đây đủ, giá táo nhập khẩu dao động 80.000 - 200.000 đồng/kg, xoài cát 50.000 - 60.000 đồng/kg, thanh long giá 40.000 đồng/kg, bưởi da xanh 45.000 - 60.000 đồng/kg.

Người tiêu dùng mua thực phẩm tại siêu thị Co.op Mart. Ảnh: Hoài Nam
Người tiêu dùng mua thực phẩm tại siêu thị Co.op Mart. Ảnh: Hoài Nam

Dù giá các mặt hàng giảm nhưng sức mua khá thấp, chị Nguyễn Thị Sửu,  tiểu thương ở chợ Thành Công cho biết, thông thường  cứ đến mùng 5 Tết là chợ đã rất đông người mua sắm nhưng năm nay chợ rất vắng. “Một phần do người dân đã tích trữ đủ thực phẩm trước Tết, một phần do kinh tế khó khăn nên đa phần người dân tiết kiệm chi tiêu. Nhiều người lao động các tỉnh do chưa có nhiều việc đầu năm nên họ vẫn ở lại quê…” chị Sửu chia sẻ.

Hiệu quả từ việc dự trữ hàng hóa

Đánh giá của Sở Công Thương Hà Nội về thị trường hàng tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ vừa qua cho thấy, doanh thu bán hàng phục vụ Tết của các doanh nghiệp thương mại tăng 5% so với Tết 2024; một số đơn vị phân phối lớn doanh thu bán hàng trực tuyến chiếm khoảng 25% so với tổng doanh thu bán hàng; số lượng đơn đặt hàng tăng trung bình 15-20% so với cùng kỳ Tết 2024. Mặc dù sức mua tăng nhưng giá cả hàng hóa duy trì ổn định bởi hầu hết các doanh nghiệp đã đảm bảo lượng tồn kho hợp lý sẵn sàng phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Đồng thời, các chương trình giảm giá, khuyến mại... đã được các doanh nghiệp xúc tiến rộng rãi qua đó góp phần giữ giá cả hàng hoá không tăng nhiều so với ngày thường.

Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Trần Thị Phương Lan cho biết, việc rau xanh, thực phẩm tại chợ truyền thống không  xảy ra hiện tượng tăng giá còn bởi tại hệ thống siêu thị đã dự trữ đầy đủ hàng hóa thiết yếu mở cửa bán hàng từ Mùng 1 Tết, thậm chí siêu thị AEON mở bán xuyên Tết. “Việc các hệ thống siêu thị duy trì hoạt động xuyên Tết đã tác động tích cực đến thị trường, giúp duy trì nguồn cung hàng hóa dồi dào, luôn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân khi các các chợ truyền thống tạm nghỉ Tết”- bà Lan phân tích.

Người tiêu dùng mua thực phẩm tại siêu thị Go! Thăng Long. Ảnh: Hoài Nam
Người tiêu dùng mua thực phẩm tại siêu thị Go! Thăng Long. Ảnh: Hoài Nam

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Kiều Oanh cho biết, mặc dù TP Hà Nội không bố trí vốn đối ứng cho các doanh nghiệp bình ổn giá như những năm trước, nhưng các đơn vị đã xây dựng kế hoạch và ký kết các hợp đồng khai thác hàng hóa phục vụ Tết tăng trung bình từ 7-20% tùy từng mặt hàng so với cùng kỳ Tết năm 2024.

Tại các điểm bán, lượng hàng hóa được luân chuyển, bổ sung thường xuyên tăng từ 30%-35% so với bình thường, các đơn vị có phương án luân chuyển, bổ sung hàng hóa tại các điểm bán và chủ động kết nối với các tỉnh, để đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa phục vụ nhân dân. Tại các chợ, các hộ kinh doanh đều có kế hoạch nhập hàng phục vụ Tết, trong đó lượng hàng luân chuyển về chợ những ngày sát Tết tăng 10-20% so với tuần liền kề trước đó để đáp ứng nhu cầu tăng cao của người dân.

“Thị trường hàng hóa trước, trong và sau Tết dồi dào, phong phú giúp người dân có nhiều lựa chọn mua sắm, các doanh nghiệp cơ bản hoàn thành chuẩn bị hàng hóa cung ứng cho thị trường Tết Nguyên đán Ất Tỵ”- bà Oanh khẳng định.