Doanh nghiệp chưa sẵn sàng dự trữ hàng hóa cho mùa mưa lũ

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự báo tối ngày 27/7 cơn bão số 1 với sức gió cấp 9 - 10, mức độ rủi ro thiên tai cấp 3 sẽ đổ bộ vào các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ, trong đó có Hà Nội. Vì vậy, nhiều người tiêu dùng đã dự trữ thực phẩm, rau xanh.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Tại một số chợ trên địa bàn Hà Nội, khi có thông tin dự báo bão, sức mua các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu đã tăng mạnh. Bà Nguyễn Thị Định tiểu thương kinh doanh thực phẩm tại chợ Châu Long cho biết: Bình thường phải tầm 9 - 10 giờ mặt hàng thịt mới vơi hàng, nhưng hôm nay mới 7 - 8 giờ, người tiêu dùng đã mua gần hết các loại thịt mông sấn, nạc vai, sườn… Ngay cả các loại đồ khô như như lạc, vừng, nấm, cá biển khô... được nhiều người tìm mua; các mặt hàng rau xanh cũng bán chạy hơn hẳn ngày thường.
Mặc dù sức mua tăng nhưng hầu hết các mặt hàng này chưa có biến động tăng giá so với ngày thường. Cụ thể, giá các loại rau xanh như: Rau muống, rau dền, rau ngót dao động từ 4.000 - 5.000 đồng/mớ, bí đao và mướp 10.000 đồng/kg. Giá các loại thịt cũng không có biến động: Thịt lợn thăn, sườn thăn 100.000 đồng/kg, thịt ba chỉ, thịt vai 90.000 đồng/kg, xương cục 60.000 đồng/kg. Theo các tiểu thương, mặc dù người tiêu dùng tăng cường dự trữ thực phẩm, rau xanh nhưng hiện nguồn cung vẫn dồi dào nên những mặt hàng này chưa tăng giá. Tuy nhiên, khi bão tan rất có thể cơn bão này sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung nên giá bán rau xanh, thực phẩm có khả năng tăng.

Nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, qua đó ngăn chặn tình trạng khan hàng, sốt giá, ngành thương mại Hà Nội đã tiến hành dự trữ hàng hóa. Đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho biết: Để triển khai công tác cứu trợ khẩn cấp khi có mưa bão xảy ra, ngày 26/7 Sở Công Thương đã gửi công văn tới DN, các quận huyện và các DN bán lẻ, hệ thống chợ truyền thống đề nghị các đơn vị đẩy mạnh công tác này. Đồng thời, yêu cầu Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội tăng cường kiểm tra, chống đầu cơ găm hàng tăng giá những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu.

Tuy nhiên, khi phóng viên báo Kinh tế & Đô thị gọi điện hỏi lãnh đạo hệ thống bán lẻ hiện đại như Big C, Fivimart, Hapro… về vấn đề dự trữ hàng hóa trong mùa mưa bão, đại diện các đơn vị này đều cho biết: Hàng năm DN được UBND TP cho vay vốn không lãi suất nên dễ dàng dự trữ hàng hóa. Tuy nhiên, năm 2016 UBND TP thực hiện xã hội hóa nguồn vốn này nên việc dự trữ hàng chỉ theo hướng đáp ứng nhu cầu hàng ngày của người dân. Trong khi mùa mưa bão đang đến, thực tế trên đang là mối lo ngại cần sớm có giải pháp khi có những biến động trên thị trường.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần