Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Doanh nghiệp chuyển đổi số: Cần lộ trình bài bản

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chuyển đổi số đang được đánh giá là giải pháp hữu hiệu giúp DN tìm kiếm cơ hội trong hoạt động sản xuất, kinh doanh vượt qua khủng hoảng của đại dịch Covid-19. Theo đó, hỗ trợ DN chuyển đổi số cũng được xem là nhiệm vụ cấp thiết hiện nay.

Doanh nghiệp ''rối như tơ vò'' khi chuyển đổi số
Không chỉ là xu hướng, chuyển đổi số đã trở thành điều tất yếu nếu DN muốn phát triển bền vững cùng thị trường kinh tế. Thực tế trong thời gian qua, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã đặt ra cho DN phải lấy chuyển đổi số làm động lực để chuyển mình. Những DN số và DN đã triển khai công nghệ số đều có khả năng chống chịu và vượt qua khủng hoảng nhanh hơn, đáp ứng được nhu cầu khách hàng tốt hơn.
Tuy nhiên, qua khảo sát của Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho thấy, có tới 2/3 số công ty không thành công trong nỗ lực số hóa của họ. DN Việt Nam vẫn đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong chuyển đổi số.
“Chuyển đổi số là khái niệm hiện nay chúng ta đang nghe nhiều. Tuy nhiên chưa nhiều DN hiểu rõ và chuẩn bị tốt để bắt đầu vào thực tiễn” - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Hoàng Minh Chiến cho hay.
Ứng dụng công nghệ thông tin là yêu cầu bắt buộc của chuyển đổi số. (Ảnh: Công Hùng)
Là DN hoạt động trong lĩnh vực chế biến nông sản, Công ty TNHH Morris cũng tìm đến chuyển đổi số với mong muốn nâng cao năng suất và đẩy mạnh kênh phân phối sản phẩm. Tuy nhiên, theo chị Nguyễn Thị Hường - Giám đốc Công ty TNHH Morris, công ty đang loay hoay không biết bắt đầu từ đâu, bởi nguồn lực tài chính và nhân lực chuyển đổi số của công ty có hạn.
"Chúng tôi không biết bắt đầu từ đâu, số hóa cái gì trước, cái gì sau và nên lựa chọn những ứng dụng công nghệ nào cho phù hợp với điều kiện thực tế của DN" - chị Hường chia sẻ.
Giám đốc tiếp thị HPE Việt Nam Dương Thị Hạnh Phúc cho rằng, chuyển đổi số là con đường ngắn nhất để DN tối ưu hóa doanh thu, lợi nhuận, bởi nó góp phần hỗ trợ gia tăng khách hàng, tối ưu hóa năng lực vận hành, cải thiện năng suất lao động, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong DN. Tuy nhiên, hiện nay thị trường đang thiếu những đơn vị tư vấn tổng thể chiến lược về ứng dụng chuyển đổi số trong tất cả hoạt động của DN. Điều này dẫn tới việc các DN vẫn đang loay hoay trong việc đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi phổ biến như bắt đầu từ đâu, thực hiện số hóa cái gì trước, cái gì sau, nên lựa chọn nhứng ứng dụng công nghệ nào…
Theo Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến tThương mại Hoàng Minh Chiến, để một dự án chuyển đổi số thành công, cần đến sự kết hợp của nhiều yếu tố quan trọng như khả năng chi tiêu, năng lực của đội ngũ văn hóa DN hay cơ sở hạ tầng thông tin… Tuy nhiên, trước khi bắt đầu, DN cần phải xác định được chính xác những điểm khó khăn cụ thể sẽ cản trở chiến lược số hóa của mình. Chuyển đổi số là quá trình dài và cần diễn ra song hành với các chiến lược phát triển khác của DN. Để đảm bảo phát triển bền vững, đồng bộ DN cần thực hiện theo từng giai đoạn. Tùy vào loại hình DN mà sẽ ứng dụng sao cho phù hợp.
Thêm chính sách hỗ trợ
Để hỗ trợ DN chuyển đổi số, mới đây Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ tổ chức Chương trình “Hỗ trợ DN chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025” thông qua Dự án Thúc đẩy cải cách và Nâng cao năng lực kết nối cho DN nhỏ và vừa. Theo kế hoạch, Chương trình sẽ hỗ trợ chuyên sâu cho tối thiểu 100 DN trở thành các điển hình thành công về chuyển đổi số, từ đó làm mẫu, lan tỏa cho hàng trăm nghìn DN còn lại. Do vậy, DN được chọn lọc trong đợt đầu cần có mức độ sẵn sàng về chuyển đổi số, đáp ứng các tiêu chí cao nhất để các DN trong cùng ngành hàng làm hình mẫu, áp dụng kinh nghiệm chuyển đổi số.
Công ty CP Xuân Hòa tại Vĩnh Phúc là DN đầu tiên trong 10 DN nhận được hỗ trợ chuyên sâu xây dựng lộ trình chuyển đổi số. Theo ông Lê Duy Anh - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xuân Hòa: “Xuân Hòa hướng tới xây dựng nhà máy thông minh. Các chuyên gia của Chương trình đã hỗ trợ công ty xây dựng được một lộ trình chuyển đổi số bài bản, như một bản đồ giúp công ty có phương hướng rõ ràng về chuyển đổi số”.
Ông Đỗ Hoàng Hải - Chuyên gia chính của Chương trình chuyển đổi số cho biết: “Gói xây dựng Lộ trình chuyển đổi số cho DN nhằm giúp các công ty xác định được các mục tiêu, phương hướng chuyển đổi số, xác định những việc phải làm với một lộ trình, nguồn lực phù hợp với DN. Trên cơ sở khảo sát, đánh giá, làm việc với các cán bộ của công ty, nhóm chuyên gia sẽ cung cấp cho DN bức tranh tổng thể nhất và các bước đi cụ thể cần phải làm để đạt được các mục tiêu chuyển đổi số đề ra”.
Chia sẻ về cách tiếp cận chắc và kỹ của đội ngũ chuyên gia khi tìm hiểu rõ nhu cầu của DN, sau đó mới tư vấn xây dựng lộ trình chuyển đổi số, ông Lê Mạnh Hùng - Cục trưởng Cục Phát triển DN cho biết: “Đội ngũ chuyên gia của Chương trình đã được qua sàng lọc, tuyển chọn sẽ làm việc, đồng hành cùng DN để xây dựng lộ trình chuyển đổi số, phù hợp với thực trạng, ngành nghề, mục tiêu và nguồn lực của DN. Nhờ đó, các DN có được bức tranh tổng thể, một chiến lược dài hạn và đầy đủ thông tin cần thiết để chủ động triển khai chuyển đổi số cho DN mình”.