Thạc sĩ Trần Tuấn Anh - chuyên gia về quy hoạch đô thị |
Vấn đề nhà ở cho người có thu nhập thấp đã được quan tâm từ hàng chục năm nay nhưng đến thời điểm hiện tại, kết quả đạt được vẫn còn khiêm tốn. Theo ông, tồn tại này do đâu?
- Thời gian qua, Chính phủ đã dành nhiều cơ chế ưu đãi để khuyến khích phát triển nhà ở dành cho người thu nhập thấp nhưng thực tế những dự án đã và đang triển khai phần lớn từ nguồn ngân sách của Nhà nước.
Thời gian đầu khi triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về nhà ở, Chính phủ đã dành một nguồn tài chính lớn cho chương trình này và đến nay vẫn bố trí tài chính hàng năm để thực hiện. Khách quan mà nói, chương trình đã mang đến chỗ ở cho hàng chục vạn người có thu nhập thấp, nhưng thực tế mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu.
Trên quan điểm của tôi, không có một Nhà nước nào có thể lo được hết nhu cầu về chỗ ở cho người dân mà cần phải xây dựng những chính sách mang tầm chiến lược. Cái thiếu trong chương trình phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp là sự tham gia của tư nhân. Nhưng cho đến nay, các DN vẫn còn lo ngại khi đầu tư vào các dự án nhà ở dành cho người thu nhập thấp.
Nguyên nhân là do đâu, thưa ông?
- Trước hết, hệ thống văn bản luật của chúng ta vẫn còn chồng chéo, chưa có tính nhất quán trong quá trình thực hiện, vì thế DN lo ngại những điều chỉnh, thay đổi sẽ mang lại rủi ro khi đầu tư.
Thứ hai, việc Nhà nước khống chế lợi nhuận đầu tư nhà ở cho người thu nhập thấp khoảng 10% tổng kinh phí đầu tư là hợp lý, nhưng nhà đầu tư lại lo sợ đến vấn đề giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng hay những biến động của thị trường trong quá trình thi công.
Thứ ba, hiện nay phần lớn quỹ đất đã được giao cho các chủ đầu tư dự án cao cấp nên quỹ đất để phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp bị thu hẹp, nhỏ lẻ. Đất sạch cho các dự án nhà ở thu nhập thấp được chính quyền các địa phương bố trí sẵn là rất hạn chế.
Vậy theo ông, để giải quyết vấn đề này cần phải làm gì?
- Hiện nay, Chính phủ vẫn đang tập trung vào việc xây dựng chính sách để đầu tư, khuyến khích đầu tư; còn vấn đề khai thác, sử dụng như thế nào để tạo động lực cho DN tham gia vào thị trường này thì cũng chưa thực sự rõ ràng.
Để có thể phát triển được, Nhà nước cần phải có các đơn vị riêng biệt phục trách các công việc như quản lý sử dụng nguồn vốn, triển khai xây dựng và quản lý vận hành. Các đơn vị xây dựng sau khi hoàn thành công trình thì bàn giao cho một đơn vị khác vận hành, quản lý theo đúng quy định, như vậy sẽ tăng tính giám sát và đảm bảo chất lượng công trình cũng như lợi ích của người dân.
Nếu làm được như vậy, Nhà nước sẽ thu hút được nguồn lực lớn từ các nhà đầu tư tư nhân, vừa giảm được gánh nặng ngân sách, đồng thời các dự án sẽ được triển khai nhanh hơn, chất lượng được đảm bảo và tăng tính cạnh tranh trên thị trường.
Xin cảm ơn ông!