Một trong những nguyên nhân khiến việc tái cơ cấu DNNN chậm là do nhiều DN cồng kềnh, cấu trúc tài sản phức tạp khiến các khâu chuẩn bị phương án CPH và thoái vốn mất nhiều thời gian. 8 tháng, thoái gần 3.000 tỷ đồng vốn Nhà nước Theo báo cáo của Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính), tính đến ngày 20/8, cả nước đã CPH được 48 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH, với tổng giá trị thực tế là 31.905 tỷ đồng. Trong đó, giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại DN là 23.280 tỷ đồng. Về thoái vốn tại DN, trong 8 tháng đầu năm, các đơn vị đã thoái được 2.921 tỷ đồng, thu về 5.767 tỷ đồng. Trong đó, các tập đoàn, tổng công ty tại 5 lĩnh vực nhạy cảm (chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng - tài chính, bất động sản, quỹ đầu tư) đã thoái được 381 tỷ đồng, thu về 424 tỷ đồng; còn lại là các DN có vốn đầu tư ngoài lĩnh vực nhạy cảm đã thoái 1.261 tỷ đồng, thu về 1.968 tỷ đồng. Đặc biệt, SCIC đã bán được 1.277 tỷ đồng, thu về 3.374 tỷ đồng.
Theo đại diện Cục Tài chính DN, số lượng DN thực hiện CPH, thoái vốn đầu tư ngoài ngành 8 tháng đầu năm đạt kế hoạch. Tuy nhiên, tiến độ CPH DNNN và thoái vốn còn chưa đạt được như kỳ vọng. Một nguyên nhân được lãnh đạo Cục Tài chính DN nêu ra là đối tượng sắp xếp, CPH hiện nay hầu hết là các DN có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành nghề, tài chính phức tạp nên cần có nhiều thời gian chuẩn bị, xử lý. Mặt khác, việc thực hiện CPH, tái cơ cấu đối với các DN có quy mô vốn lớn cần sự tham gia của nhiều nhà đầu tư lớn, có tiềm lực tài chính và năng lực quản trị, đầu tư tốt cũng khiến thời gian sắp xếp DNNN bị kéo dài. Cụ thể như Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) có quy mô vốn chủ sở hữu lên đến 40.000 tỷ đồng, 25 đơn vị thành viên và nhiều dự án bất động sản là đất đai; Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp có vốn chủ sở hữu 5.506 tỷ đồng, với 22 đơn vị thành viên. MobiFone có vốn điều lệ 15.000 tỷ đồng; Tổng Công ty Tư vấn xây dựng Việt Nam với vốn điều lệ 357,7 tỷ đồng… cũng đang vừa phải triển khai phương án CPH vừa phải xử lý các vướng mắc, nhất là vấn đề tài chính để hoàn thành CPH trong năm 2016. Thoái vốn để cắt lỗ Trong các tháng cuối năm 2016 và giai đoạn 2016 - 2020, quá trình tái cơ cấu DNNN sẽ tiếp tục được đẩy nhanh. Đặc biệt, theo chủ trương, đối với những trường hợp đầu tư ngoài ngành đang thua lỗ, DNNN cần khẩn trương có phương án thoái vốn để cắt lỗ, báo cáo các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định. Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cũng đã ký Văn bản số 1532/TTg-ĐMDN về việc CPH DNNN quy mô lớn. Theo đó, các tập đoàn kinh tế Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ có mức vốn chủ sở hữu trên 5.000 tỷ đồng thực hiện CPH nhưng chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án, phải được Kiểm toán Nhà nước kiểm toán kết quả định giá và xử lý các vấn đề về tài chính trước khi định giá DN. Với các trường hợp cần thiết khác không phân biệt quy mô vốn chủ sở hữu, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán theo quy định của Luật Kiểm toán Nhà nước. Bộ Tài chính được giao trước ngày 15/9/2016 nghiên cứu, đề xuất các trường hợp thí điểm thuê các công ty kiểm toán, tư vấn định giá quốc tế đã hoạt động ở Việt Nam thực hiện xác định giá trị DN, giá khởi điểm và sử dụng kết quả này thực hiện chào bán cổ phần ra quốc tế. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, việc kiểm toán kết quả định giá DN sẽ góp phần phòng chống tham nhũng, lãng phí và lợi ích nhóm, có ý nghĩa rất lớn trong việc minh bạch hóa trong quá trình thực hiện CPH DNNN.
Chế biến cao su nguyên liệu. |
Tháng 8/2016, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã tổ chức tổng cộng 2 phiên đấu giá. Trong đó có một phiên bán đấu giá cổ phần lần đầu (IPO) Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) và một phiên thoái vốn Nhà nước tại Công ty CP Phát triển khoáng sản. Trong đó, phiên IPO đã bán hết 89% và phiên đấu giá thoái vốn đã bán hết 100% số cổ phần đưa ra. (Nha Trang) |