Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Doanh nghiệp đề xuất mua nhà ở xã hội: Cẩn trọng với những tiêu cực

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo đánh giá, dự án nhà ở xã hội (NƠXH) tại các khu công nghiệp (KCN) cho công nhân có mức độ thanh khoản chậm hơn, do người lao động thường xuyên thay đổi nơi làm việc. Vì vậy, mới đây, một tập đoàn của nước ngoài tại Việt Nam đề xuất được phép thuê mua lại NƠXH để cho công nhân làm nơi ở. Về việc này, đang có nhiều ý kiến trái chiều.

 Khu nhà ở xã hội Đặng Xá, Gia Lâm. Ảnh: Hải Linh

Nan giải nguồn cung
Theo số liệu báo cáo của Bộ Xây dựng, hiện nay, nhu cầu về nhà ở giá thấp, nhà ở bình dân (mức giá dưới 25 triệu đồng/m2) chiếm khoảng 70 – 80% nhu cầu của thị trường. Đặc biệt về nguồn cung NƠXH chỉ có 206 dự án với quy mô khoảng 168.700 căn với tổng diện tích trên 8,4 triệu mét vuông đang bị chậm tiến độ hoặc dừng thi công. Trong khi đó, Nhà nước cũng chưa có cơ chế ưu đãi khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá thấp theo nhu cầu của người dân.
Bên cạnh đó, Chương trình mục tiêu quốc gia về NƠXH đến năm 2020, đã không cán đích mục tiêu đề ra. Do đó, tổng diện tích NƠXH đến thời điểm hiện tại mới xây dựng được khoảng 41% trong tổng số 12,5 triệu mét vuông trong kế hoạch. “Các dự án NƠXH bị chậm triển khai do thiếu vốn đầu tư, trong khi vốn phát triển sản phẩm này chủ yếu dựa vào việc bố trí ngân sách của Nhà nước. Cùng với đó là việc nhà đầu tư không thực sự quan tâm đến NƠXH, vì tuy được hưởng nhiều cơ chế ưu đãi, nhưng lợi nhuận thấp hơn nhiều so với nhà ở thương mại” – Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) Nguyễn Trọng Ninh cho hay.
Chưa có cơ chế chính sách
Mới đây, Tập đoàn Foxconn đã có văn bản kiến nghị gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ KH&ĐT, Bộ Xây dựng về việc xây dựng NƠXH cho công nhân tại các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc. Theo đề xuất, tại 3 dự án NƠXH do các công ty thành viên trực thuộc đơn vị này đang triển khai, gồm: Dự án công nhân và công trình dịch vụ công cộng Phoenix Town với quy mô 9,9ha gần KCN Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng; Dự án nhà ở xã hội Vân Trung (Bắc Giang) quy mô 16,7ha, tổng mức đầu tư khoảng 3.400 tỷ đồng; Dự án nhà ở xã hội Golden Park gần KCN Quế Võ (Bắc Ninh) có quy mô 6,3ha, tổng vốn đầu tư 2.900 tỷ đồng. Tập đoàn này đề xuất cho phép DN sản xuất trong các khu công nghiệp có thể đại diện cho người lao động đứng ra thuê, mua NƠXH cho công nhân ở tại 3 dự án NƠXH để chủ yếu phục vụ cho nhu cầu ở của công nhân đang làm việc cho tập đoàn.
Nhìn nhận về vấn đề này, luật sư Hoàng Văn Đạo – Hội Luật gia Việt Nam cho biết, theo Luật Nhà ở năm 2014, DN nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam được phép mua nhà ở riêng lẻ, chứ chưa có quy định về việc được phép mua NƠXH. “Để đề xuất được thông qua phải có cơ chế đặc thù riêng hoặc cần phải có sự sửa đổi, bổ sung văn bản pháp luật. Muốn sửa luật thì phải có được sự thông qua của Quốc hội, theo tôi vấn đề này không dễ dàng” – ông Đạo nói.
Ở khía cạnh khác, chuyên gia quản lý đô thị Trần Quốc Việt cho rằng, theo quy định của pháp luật hiện hành, NƠXH là sản phẩm để cho công nhân, người có thu nhập thấp được phép thuê mua. Nhưng để giải quyết nhu cầu cấp thiết về chỗ ở cho công nhân tại các KCN cũng nên cân nhắc đề xuất của DN được phép thuê mua cho công nhân của mình ở. “Tuy nhiên, NƠXH được đầu tư chủ yếu từ nguồn kinh phí của Nhà nước, nếu cho DN được thuê mua có thể dẫn đến những tiêu cực xảy ra, như bán lại hoặc cho thuê lại với giá chênh lệch” – ông Việt nhìn nhận.
Nhiều DN nước ngoài có quy tắc không sử dụng công nhân đến ngoài 40 tuổi, nên việc thanh khoản sản phẩm NƠXH tại KCN sẽ diễn ra chậm. Vì vậy, đề xuất cho các chủ DN được thuê mua NƠXH cho công nhân của mình ở cũng nên được nghiên cứu cho phù hợp.
Chuyên gia nghiên cứu thị trường BĐS Vũ Quang Vinh