Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Doanh nghiệp dệt may nỗ lực bứt phá

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sôi động, khẩn trương, nhiều giải pháp được các doanh nghiệp triển khai trong những ngày đầu Xuân trước dự báo đầy muôn vàn khó khăn. Trong đó, dệt may Việt Nam bước vào hoạt động sản xuất kinh doanh với khí thế mới để đạt và vượt những kế hoạch đề ra. 

Dệt may là ngành sử dụng nhiều lao động và có nhiều đóng góp cho nền kinh tế. Ảnh: Khắc Kiên
Dệt may là ngành sử dụng nhiều lao động và có nhiều đóng góp cho nền kinh tế. Ảnh: Khắc Kiên

Nhiều mục tiêu lớn

Đến Công ty TNHH MTV Dệt kim Đông Xuân (Đông Xuân), Tổng Giám đốc  Nguyễn Đăng Lợi cho biết, năm 2024, Đông Xuân đã hoàn thành tất cả các chỉ tiêu được Tập đoàn giao. “Trong ngày đầu năm, Đông Xuân đều quay lại làm việc sau thời gian nghỉ Tết. Năm 2025, Đông Xuân sẽ quyết tâm hoàn thành vượt mức tất cả các chỉ tiêu đã được Tập đoàn giao” – ông Nguyễn Đăng Lợi nhấn mạnh.

Chủ tịch Vinatex Lê Tiến Trường thăm động viên doanh nghiệp dệt may đầu Xuân 2025. Ảnh: Hoàng Nam
Chủ tịch Vinatex Lê Tiến Trường thăm động viên doanh nghiệp dệt may đầu Xuân 2025. Ảnh: Hoàng Nam

Theo Chủ tịch Vinatex Lê Tiến Trường, năm 2024, Đông Xuân đã vượt qua khó khăn để cùng với Tổng Công ty Việt Thắng trở thành 2 đơn vị có ngành nhuộm đạt hiệu quả cao của Tập đoàn. “Thời gian tới Đông Xuân cần phấn đấu đưa sản lượng ngành nhuộm lên khoảng 200 tấn/tháng. Sẵn sàng tham gia cùng Tập đoàn trong dự án làm vải dệt kim chống cháy. Có giải pháp để hệ thống may của Đông Xuân ổn định, có hiệu quả” – ông Lê Tiến Trường giao nhiệm vụ.

Tại Công ty CP Phát triển hạ tầng Dệt May Phố Nối (Vinatex-ID), Tổng Giám đốc Phan Tiến Dũng cho hay, hiện trong khu công nghiệp có hơn 50 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất. Năm 2024, Vinatex-ID đã hoàn thành tất cả các nhiệm vụ do đại hội cổ đông giao với doanh thu đạt 212 tỷ đồng, vượt 15% so với kế hoạch, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 23 tỷ đồng, vượt 27% so với kế hoạch. Đưa vào hoạt động Nhà máy nước thải số 2 với công suất 8.000m3, nâng tổng công suất của 2 nhà máy nước thải trong khu công nghiệp lên 20.000m3. Song, nguồn nước sạch của Công ty lại không đủ cung cấp cho các doanh nghiệp do quy hoạch của tỉnh về việc không được khai thác nước ngầm.

“Năm 2025, Vinatex-ID đặt kế hoạch doanh thu đạt 215 tỷ đồng, lợi nhuận 20 tỷ đồng. Sửa chữa, nâng cấp Nhà máy xử lý nước thải số 1 và Nhà máy nước sạch, thu gom xử lý nước thải theo đúng yêu cầu. Tiếp tục phấn đấu để đưa Khu công nghiệp Dệt May Phố Nối trở thành khu công nghiệp xanh” – ông Phan Tiến Dũng nhấn mạnh.

May 10 là điểm sáng về hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu và chăm lo cho người lao động. Ảnh: Khắc Kiên
May 10 là điểm sáng về hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu và chăm lo cho người lao động. Ảnh: Khắc Kiên

Chủ tịch Lê Tiến Trường nhấn mạnh, để Khu công nghiệp Dệt May Phố Nối tiệm cận với khu công nghiệp xanh có thể sẽ mất nhiều kinh phí, công sức, nhưng đây chính là tiền đề để gia tăng các phí dịch vụ khác. Thành công lớn nhất trong năm 2024 của Vinatex-ID chính là đưa vào hoạt động Nhà máy xử lý nước thải số 2 để trở thành khu công nghiệp có công suất xử lý nước thải lớn nhất.

Thời gian tới, Vinatex-ID cần làm việc với các doanh nghiệp dệt, nhuộm trong khu công nghiệp để khuyến khích việc đổi mới về công nghệ dệt, nhuộm. Tham gia đầu tư cùng với các doanh nghiệp dệt, nhuộm để tuần hoàn khoảng 50% để tăng năng suất, doanh thu. Nếu không có dịch vụ, doanh thu, phương thức xử lý mới để các nhà đầu tư trong khu công nghiệp cùng tham gia, sẽ không có tăng trưởng trong thời gian tới.

Trong khi đó, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty May Hưng Yên Nguyễn Xuân Dương cho biết, năm 2024 thu nhập của người lao động đạt khoảng 12 triệu đồng/người/tháng, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. May Hưng Yên phấn đấu tăng thu nhập của người lao động đến năm 2030 thu nhập của người lao động đạt khoảng 20 triệu đồng/người/tháng. Năm 2025, đất nước đang hướng tới kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, trong đó, May Hưng Yên cũng xác định mục tiêu phải vươn lên một tầm cao mới. 

Ông Lê Tiến Trường cho rằng, Hưng Yên là trọng tâm và có cơ hội phát triển tốt. Điều này đặt ra cho ngành may ở khu vực Hưng Yên rất nhiều yêu cầu mới nếu muốn bắt kịp các ngành hàng khác.

Tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp

Tại Tổng Công ty Đức Giang (Đức Giang), Tổng Giám đốc Vinatex Cao Hữu Hiếu ghi nhận và đánh giá cao Đức Giang đã hoàn thành tốt kế hoạch sản xuất kinh doanh, nhất là chỉ tiêu về lợi nhuận. Tuy nhiên, điểm hạn chế của Đức Giang hiện nay là công tác tổ chức sản xuất, nâng cao năng suất lao động, tinh gọn bộ máy…, công ty cần có phương án tái cấu trúc sớm để khắc phục những hạn chế trên. 

Tổng Giám đốc Vinatex Cao Hữu Hiếu đưa ra nhiều ý kiến để dệt may Việt Nam vươn mình. Ảnh: Hoàng Nam
Tổng Giám đốc Vinatex Cao Hữu Hiếu đưa ra nhiều ý kiến để dệt may Việt Nam vươn mình. Ảnh: Hoàng Nam

Tổng Giám đốc Cao Hữu Hiếu phân tích, hiện vấn đề về biến động lao động là vấn đề nhiều doanh nghiệp gặp phải, tạo ra thách thức lớn trong công tác tổ chức sản xuất. Do đó, Đức Giang và các doanh nghiệp trong ngành cũng cần nghiên cứu kỹ hơn về giảm giờ làm để giữ chân người lao động bên cạnh các vấn đề về phúc lợi, tiền lương.

Tổng Giám đốc Đức Giang Phạm Tiến Lâm chia sẻ, xác định năm 2025 là năm bản lề cho giai đoạn tới, Đức Giang đã xây dựng khẩu hiệu “tìm hiểu – thích ứng – thay đổi” để triển khai tái cơ cấu, sáp nhập một số đơn vị phòng, ban, hiện đã giảm 8 đầu mối xuống còn 4 đầu mối tại Tổng Công ty, đồng thời sẽ tiếp tục tinh gọn ở các công ty thành viên trong tháng 2 - 3/2025. Cùng với đó, khẩn trương nghiên cứu, đưa ra giải pháp, công nghệ mới vào quản trị sản xuất để cải thiện những vấn đề còn tồn tại trong những năm qua…

Tại Tổng Công ty May Đáp Cầu (Dagarco), Tổng Giám đốc Lương Văn Thư chia sẻ, trong không khí mở máy khai Xuân đầu năm 2025 các đơn vị trong hệ thống đều khẩn trương quay trở lại làm việc, không có biến động, suy giảm về lao động sau Tết. Để giữ chân được người lao động, Dagarco đã tập trung triển khai nhiều hoạt động chăm lo trước và sau Tết. Tình hình đơn hàng đã có tới hết tháng 4/2025, tháng 5 - 6 đang tiếp tục được đàm phán, nhiều khách hàng đều có sự cam kết về đơn hàng cho quý II/2025.

Với Dargaco, Tổng Giám đốc Cao Hữu Hiếu phân tích, năm 2025 Dagarco là một trong những đơn vị tổ chức Đại hội cổ đông nhiệm kỳ 2025 – 2030, do đó cần tập trung trong công tác nhân sự kế nhiệm. Dagarco cũng là một trong những đơn vị đón nhận được cơ hội chuyển dịch đơn hàng nửa cuối năm 2024, nhưng với 2025 cơ hội thị trường sẽ không còn, do đó Dagarco cần tính toán các phương án để đảm bảo ổn định hoạt động sản xuất, thích ứng với biến động của thị trường.

Cùng với đó, Dagarco nằm trong khu vực có sự cạnh tranh lao động gay gắt, nhất là ngành điện tử có thu nhập cao. Nếu cứ tiếp tục cạnh tranh lao động bằng thu nhập chắc chắn sẽ “bào mòn” vào lợi nhuận của doanh nghiệp. Do đó, Dagarco cần tính toán các phương án về nhà máy thông minh sử dụng ít lao động, có độ tự động hóa cao, triển khai làm các đơn hàng có tính kỹ thuật cao nhưng có lợi nhuận tốt.