Doanh nghiệp dệt may nỗ lực tránh đứt gãy đơn hàng

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nguồn nguyên phụ liệu, nhân lực… là những yếu tố then chốt đối với ngành dệt may. Nếu bị đứt gãy sẽ khó đáp ứng được các đơn hàng đã ký kết cũng như giữ chân người lao động.

Trước thực tế này, buộc doanh nghiệp dệt may phải linh hoạt, tìm phương án tối ưu, cũng như mong sớm có quy hoạch tổng thể cho ngành để có thể phát triển và đảm bảo đời sống cho lượng lớn người lao động.

Người lao động May 10 nỗ lực chung sức cùng doanh nghiệp để đảm bảo đơn hàng. Ảnh: Khắc Kiên
Người lao động May 10 nỗ lực chung sức cùng doanh nghiệp để đảm bảo đơn hàng. Ảnh: Khắc Kiên

Tăng cường liên kết

Về nguồn cung nguyên phụ liệu, từ kinh nghiệm thực tiễn của doanh nghiệp đầu tàu, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 Thân Đức Việt thông tin, May 10 hiện có trên 60 khách hàng là các nhà nhập khẩu may mặc tại thị trường: Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada... Đặc biệt, đơn vị đã xây dựng khoảng 600 nhà cung cấp nguyên vật liệu trên toàn thế giới để phục vụ sản xuất kinh doanh.

Do Trung Quốc là mắt xích chính trong ngành may, nên khi thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) bùng phát dịch dẫn đến chuỗi cung ứng bị đứt gãy vào quý I/2020. Từ câu chuyện bị gián đoạn nguồn cung nguyên phụ liệu cho đến thị trường xuất khẩu bị “đóng băng” do đối tác, khách hàng liên tiếp giãn, hoãn, hủy đơn hàng, hoặc chậm thanh toán.

Bước sang năm 2021, một mắt xích khác lại đang gặp vấn đề là logistic. Đầu tháng 1/2021, tình trạng thiếu container xảy ra dẫn đến nguyên phụ liệu không thể vận chuyển được, bị chậm 2 - 3 tuần gây ảnh hưởng rất lớn khiến May 10 gặp khó khăn trong việc duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, sắp xếp đủ việc làm, cũng như đảm bảo thu nhập cho hàng chục nghìn lao động.

 

Với sự đồng lòng, quyết tâm, trong năm 2021 May 10 vẫn đạt được “mục tiêu kép”, các chỉ tiêu đều vượt và đạt so với kế hoạch đề ra. Cụ thể, doanh thu đạt 3.515 tỷ đồng, thu nhập của người lao động đạt 8.360.000 đồng/người/tháng. Đặc biệt, toàn bộ người lao động được bảo toàn về sức khỏe… Đây là tiền đề lớn để May 10 phát huy đảm bảo nguồn nguyên liệu cũng như thu nhập cho người lao động. 

Để khắc phục tình trạng thiếu hụt nguyên phụ liệu do phụ thuộc vào nhập khẩu, May 10 đã đẩy mạnh hợp tác, liên kết với các đơn vị cung cấp trong nước, qua đó cũng giúp cho May 10 tận dụng tối đa ưu đãi từ các FTA. Bên cạnh đó, May 10 cũng linh hoạt trong công tác điều hành xuất nhập khẩu trong khâu vận chuyển (tàu biển, đường bộ, hàng không…). Chính vì vậy, May 10 luôn đảm bảo tiến độ giao hàng đúng hạn và tạo được uy tín lớn với khách hàng.

Một vấn đề không kém phần quan trọng, trải qua 2 năm đại dịch Covid-19, với rất nhiều doanh nghiệp, để lo việc làm và thu nhập hàng tháng cho người lao động rất khó. Tuy nhiên, người lao động May 10 luôn được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, có hệ thống điều hòa, làm mát, chế độ phúc lợi tốt.

May 10 cũng áp dụng nghiêm các biện pháp để bảo toàn sức khỏe cho người lao động. Nhờ đó trong năm 2021 May 10 vẫn mở rộng quy mô sản xuất tại Thái Bình, Thanh Hóa, Quảng Bình với nhu cầu tuyển thêm từ 3.000 - 5.000 lao động trong năm 2022.

Hướng đến nguyên liệu xanh

Có thể nói, năm 2021, nhất là thời gian cao điểm dịch Covid-19 lần thứ 4, các doanh nghiệp ngành dệt may phải đối mặt với nhiều khó khăn khi chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu bị đứt gãy, nhiều nhà máy tại khu vực phía Nam phải đóng cửa.

Phân xưởng làm việc của Aligro. Ảnh: Hoàng Anh
Phân xưởng làm việc của Aligro. Ảnh: Hoàng Anh

Ngoài ra, việc thực hiện sản xuất theo phương án 3 tại chỗ; việc xét nghiệm, tiêm vaccine cho người lao động; hoạt động logistics tăng giá và có lúc bị gián đoạn khiến chi phí của DN tăng cao, ảnh hưởng lớn đến việc giữ ổn định đơn hàng, đảm bảo tiến độ hợp đồng xuất khẩu cũng như doanh thu trong năm của ngành dệt may. Tuy nhiên trong khó khăn, ngành dệt may Việt Nam đã chứng kiến sự nỗ lực chia sẻ, hỗ trợ và củng cố chuỗi hợp tác bền vững khi hoạt động sản xuất của nhiều doanh nghiệp bị ngưng trệ.

Theo Chủ tịch HĐQT Công ty CP Aligro Hoàng Văn Linh, hàng dệt may thời trang là theo mùa vụ, hàng Đông được sản xuất từ đầu Hè. Aligro ưu tiên những đơn hàng đã đủ nguyên phụ liệu trước, không chờ... Quy trình quy định rõ ràng, vì vậy vẫn đảm bảo ổn định đầu vào và việc làm cho người lao động với thu nhập ổn định.

“Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và chưa biết tới khi nào, Aligro đề cao việc ổn định cả về tinh thần và nguồn lực để kịp thời ứng phó, tránh tổn thất. Lãnh đạo và người lao động phải có trách nhiệm với chính mình và cộng đồng...”- ông Hoàng Văn Linh nói.

Bàn thêm về vấn đề này, ông Thân Đức Việt chia sẻ, ngoài việc đảm bảo nguồn cung, từ lâu May 10 đã chú trọng đến yếu tố nguyên liệu xanh. Khách hàng yêu cầu sử dụng nguyên liệu tái chế, recycol, nguyên liệu nguồn gốc tự nhiên, dễ phân huỷ, tái chế… nên May 10 đã và đang tập trung hợp tác với các đối tác có sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn thân thiện môi trường.

Mong sớm có chiến lược lâu dài

Theo phản ánh của các doanh nghiệp dệt may, ngoài vấn đề nguyên phụ liệu, hiện nay khó khăn lớn nhất của ngành vẫn là dịch bệnh Covid-19. Nếu tiếp tục phát sinh các ca F0 sẽ ảnh hưởng lớn đến tiến độ sản xuất và mục tiêu kinh doanh của toàn ngành.

Ngành dệt may sử dụng nhiều lao động đang đối diện với rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Ảnh: Hoàng Anh
Ngành dệt may sử dụng nhiều lao động đang đối diện với rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Ảnh: Hoàng Anh

Các tổ chức quốc tế, nhãn hàng, cố vấn ngành cũng đưa ra khuyến cáo, doanh nghiệp dệt may Việt Nam muốn giữ vững thị trường xuất khẩu và mở rộng sản xuất phải phát triển theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng hàng hóa, đảm bảo thời gian giao hàng. Trước mắt, việc đầu tư thực hành các tiêu chuẩn phát triển bền vững có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp, nhưng về lâu dài, uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp sẽ ngày càng tốt hơn, có thể nhận được sự hỗ trợ từ những nhà đầu tư mới.

Do đó, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Trương Văn Cẩm kiến nghị Nhà nước tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ. Đặc biệt, ngành dệt may mong muốn Chính phủ sớm phê duyệt “Chiến lược phát triển ngành Dệt may và Da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035” để ngành có thể tự túc nguyên phụ liệu, đáp ứng quy tắc xuất xứ của các hiệp định thương mại tự do, ứng dụng công nghệ 4.0 hiện đại hóa sản xuất, chuyển đổi số, xây dựng thương hiệu.

“Để phát triển bền vững, các doanh nghiệp ngành dệt may phải xây dựng tầm nhìn mới, có khát vọng khẳng định vị thế. Ngành dệt may Việt Nam không cạnh tranh lao động giá rẻ mà cạnh tranh về chất lượng, công nghệ, năng suất, thời gian giao hàng, minh bạch, tiết giảm tối đa năng lượng, tài nguyên, môi trường”- ông Trương Văn Cẩm nhấn mạnh. Đồng thời cho rằng, trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, các doanh nghiệp phải đẩy mạnh liên kết chuỗi, đây sẽ là cơ hội giúp doanh nghiệp phát huy được thế mạnh riêng khi đảm bảo nguồn cung nguyên phụ liệu, cũng như giữ chân người lao động.

 

Về triển vọng của ngành dệt may trong năm 2022, dự báo tình hình dịch bệnh trên thế giới và Việt Nam vẫn diến biến phức tạp, khó lường. Song tín hiệu tích cực là các thị trường lớn như Mỹ, liên minh châu Âu… đã mở cửa trở lại. Việt Nam đã thay đổi chính sách từ zero Covid-19 sang vừa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế theo Nghị quyết 128/NQ-CP. Nhiều doanh nghiệp của ngành đã có đơn hàng đến quý II/2022, thậm chí quý III/2022.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam Trương Văn Cẩm

 

 

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần