Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Doanh nghiệp đón đầu sản xuất xanh bền vững vì người tiêu dùng

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tiêu dùng xanh, sống xanh đang quyết định sự phát triển bền vững, do đó, sản xuất xanh giúp các doanh nghiệp đón đầu xu hướng tiêu dùng mới, tạo ra sự tăng trưởng trong sản xuất, kinh doanh.

Xây dựng niềm tin

Theo khảo sát mới đây của Nielsen Việt Nam, 80% người tiêu dùng Việt sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm có cam kết xanh và sạch, sản xuất từ những nguyên liệu thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, các thương hiệu có cam kết xanh và sạch hiện có mức tăng trưởng chỉ khoảng 4%/năm.

Công ty CP Kinh doanh doanh chế biến nông sản Bảo Minh giới thiệu sản phẩm hữu cơ với khách hàng. Ảnh: Khắc Kiên
Công ty CP Kinh doanh doanh chế biến nông sản Bảo Minh giới thiệu sản phẩm hữu cơ với khách hàng. Ảnh: Khắc Kiên

Từ đó, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp có thể đẩy mạnh tạo lập giá trị thương hiệu và nâng cao hiệu quả kinh doanh, bằng cách xây dựng niềm tin đối với người tiêu dùng thông qua các cam kết về trách nhiệm xã hội và môi trường, đặt vấn đề sức khỏe người tiêu dùng vào trọng tâm của việc phát triển sản phẩm.

Trưởng phòng Marketing Công ty CP Kinh doanh doanh chế biến nông sản Bảo Minh Lưu Hoàng Anh cho biết, thời gian qua, doanh nghiệp hướng đến sản xuất nông nghiệp hữu cơ với lộ trình và kế hoạch cụ thể. Trải qua 13 năm làm nông nghiệp hữu cơ với 3 giai đoạn, doanh nghiệp đã có trên 10 vùng trồng tại các tỉnh, thành phố sẵn sàng cung cấp những sản phẩm nông nghiệp hữu cơ cho người tiêu dùng. “Đối với yếu tố bền vững trong kinh doanh, tôi nghĩ tất cả các doanh nghiệp đều quan tâm, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm… Bản thân doanh nghiệp đã chọn con đường sản xuất nông nghiệp hữu cơ và không thể ngày một ngày hai mà có cả lộ trình và kế hoạch cụ thể để tạo ra các sản phẩm sạch, giữ trọn niềm tin của người tiêu dùng” – ông Hoàng Anh nói.

Thực hành lối sống bền vững bằng thay đổi thói quen hàng ngày như đi lại, chế độ ăn uống và mua sắm để cùng đạt được mục tiêu "không rác thải", thân thiện với môi trường là rất quan trọng.

Trưởng phòng kinh doanh Hà Nội của Wego Uniform Nguyễn Quang Đức giới thiệu về sản phẩm áo phông đồng phục được làm từ bã cà phê. Ảnh: Khắc Kiên
Trưởng phòng kinh doanh Hà Nội của Wego Uniform Nguyễn Quang Đức giới thiệu về sản phẩm áo phông đồng phục được làm từ bã cà phê. Ảnh: Khắc Kiên

Trưởng phòng kinh doanh Hà Nội của Wego Uniform Nguyễn Quang Đức cho biết, doanh nghiệp chuyên sản xuất kinh doanh đồng phục áo phông, doanh nghiệp, sơ mi văn phòng, áo khoác, chân váy… Với mong muốn sản phẩm được người tiêu dùng trong nước sử dụng lựa chọn, Wego Uniform luôn cải tiến mẫu mã, chất liệu thân thiện với môi trường để phục vụ khách hàng. Đơn cử, mới đây sản phẩm quần áo được làm từ chất liệu cà phê (Eco Café) thấm hút mồ hôi tốt thân thiện với môi trường…

Eco Cafe là chất liệu vì môi trường, hướng đến thời trang “xanh” được sử dụng rất phổ biến trong thời gian gần đây. Eco trong eco-fashion (thời trang sinh thái), còn cafe chính là nguồn gốc của chất liệu, được làm từ bã cafe. Do đó, chất liệu này không chỉ thân thiện với môi trường mà còn nhận được sự tin tưởng của nhiều khách hàng.

Ông Nguyễn Quang Đức cho rằng, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tất cả đều có thể thực hiện từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng thị trường. Bởi Việt Nam với 100 triệu dân khá phát triển, nhiều đơn vị cần đồng phục, từ các doanh nghiệp, nhà hàng… đều có nhu cầu, Wego Uniform tự tin xây dựng thương hiệu với những sản phẩm quần áo được làm từ tự nhiên, thân thiện với môi trường sẽ từng bước chinh phục khách hàng trong nước và xuất khẩu.

Xu hướng tất yếu

Tiêu dùng xanh đang trở thành xu hướng ở nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt phổ biến tại các nước phát triển và đang lan tỏa mạnh mẽ sang các nước đang phát triển có thu nhập ở mức trung bình trở lên. Ở Việt Nam, tiêu dùng xanh là một trong những nội dung quan trọng trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Vì vậy, tiêu dùng xanh ngày càng được quan tâm nhiều hơn, cùng với các hoạt động liên quan đến quá trình sản xuất và tiêu dùng bền vững đối với môi trường.

Khi nền kinh tế ngày càng phát triển, mức sống người dân ngày càng được nâng cao, nhu cầu được sử dụng các sản phẩm, dịch vụ có chất lượng tốt, an toàn cũng ngày càng tăng, nhất là các sản phẩm phục vụ trực tiếp cho đời sống sinh hoạt của người dân. Vì vậy, việc tăng cường triển khai và áp dụng các chính sách tiêu dùng xanh ở Việt Nam sẽ là một giải pháp hữu hiệu để bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng, hướng đến phát triển bền vững.

Tại Hà Nội, thời gian qua, TP đã hỗ trợ khoảng 50% doanh nghiệp trong lĩnh vực phân phối được hướng dẫn, áp dụng các giải pháp về sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng; giảm 65% tỷ lệ sử dụng bao bì khó phân hủy tại các chợ dân sinh và các trung tâm thương mại, siêu thị; 70% các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp áp dụng đổi mới công nghệ theo hướng sạch, thân thiện với môi trường; 80% doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản thực phẩm an toàn.

Đặc biệt, Hà Nội tập trung hỗ trợ các đối tượng là các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có quy mô nhỏ và vừa để hình thành chuỗi sản xuất sạch theo từng lĩnh vực như mây tre đan, dệt may, sơn mài, xây dựng, hàng tiêu dùng, cơ khí chế tạo, điện – điện tử... với hệ thống các siêu thị, trung tâm phân phối bán lẻ. Từ đó, hình thành mối liên kết chặt chẽ là sản xuất xanh - phân phối xanh - tiêu dùng xanh.

Có thể thấy, xu hướng tiêu dùng xanh đang phát triển nhanh trên thế giới và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó. Để cạnh tranh trên thị trường, xu hướng “xanh hóa” trong xây dựng thương hiệu ngày càng phổ biến. Hiện đã có nhiều doanh nghiệp nỗ lực đầu tư sản xuất nhằm cho ra đời những sản phẩm đảm bảo yếu tố “xanh” và “sạch”, xây dựng thương hiệu xanh gắn với phát triển bền vững.