Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Doanh nghiệp đua nhau trả cổ tức bằng cổ phiếu

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Thị trường chứng khoán tụt dốc liên tục, nhiều doanh nghiệp niêm yết lại chọn cách chia cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông thay tiền mặt. Một số khác hoãn kế hoạch phát hành.

KTĐT - Thị trường chứng khoán tụt dốc liên tục, nhiều doanh nghiệp niêm yết lại chọn cách chia cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông thay tiền mặt. Một số khác hoãn kế hoạch phát hành.

Đầu năm, Hoàng Anh Gia Lai (mã chứng khoán HAG) là cổ phiếu lớn công bố chia thưởng cho cổ đông bằng cổ phiếu với tỷ lệ 2:1. Tiếp đó, hàng loạt mã chứng khoán khác cũng công bố các kế hoạch tương tự như VSC, HGM, NTL cùng chia cổ phiếu thưởng tỷ lệ 1:1; MPK chia cổ phiếu thưởng tỷ lệ 20%, LAF có tỷ lệ 10%.... Theo dự kiến, đại gia ngành sữa là VNM cũng sẽ trả cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 2:1.

Chị Trần Thu Hằng, một nhà đầu tư có nhiều năm kinh nghiệm nhận xét, khi thị trường khủng hoảng, giá tụt dốc không phanh, rất ít nhà đầu tư thích được trả cổ tức bằng cổ phiếu. Khi Vn-Index đang có đà lên, chia cổ phiếu sẽ làm tăng giá; còn khi giảm, càng được nhận cổ phiếu nhiều, cổ đông càng buồn vì chứng khoán bị pha loãng và sẽ giảm giá tương ứng.

“Tuy nhiên, các nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng khó có thể phản ứng được quyết định này tại đại hội cổ đông bởi tỷ lệ biểu quyết của các cổ đông lớn chiếm áp đảo”, chị Hằng nói.

Trong khi đó, ông Phan Minh Tuấn – Trưởng đại diện của quỹ đầu tư Dragon Capital tại Hà Nội lý giải, hiện nay tín dụng đang bị thắt chặt, vốn có vay được thì lãi suất cũng rất cao, nên nhiều công ty niêm yết hạn chế tỷ lệ trả cổ tức bằng tiền mặt nhằm giữ vốn cho hoạt động kinh doanh. “Đây là một trong những lý do quan trọng khiến họ chia cổ tức bằng cổ phiếu và kêu gọi cổ đông ủng hộ công ty”, ông Tuấn nói.

Trao đổi với PV, đại diện một công ty niêm yết tiết lộ, với lĩnh vực bất động sản, nguồn vốn vay ngân hàng hiện rất khó khăn và lãi vay cao. Vì vậy, dù kết quả kinh doanh năm 2010 tốt nhưng công ty vẫn kêu gọi cổ đông bỏ phiếu thông qua phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu thay cho tiền mặt để hỗ trợ công ty có nguồn vốn hoạt động trong năm 2011. “Nếu phải trả bằng tiền mặt, chúng tôi sẽ phải đưa ra một tỷ lệ cổ tức thấp”, ông này nói.

Trong khi đó, kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn của một số công ty đã dự kiến từ trước bị hoãn lại do tình hình thị trường không thuận lợi . Công ty Nhựa và Môi trường xanh An Phát (AAA) dự kiến phát hành 9,9 triệu cổ phiếu với giá 20.000 đồng để tăng vốn điều lệ từ 99 tỷ lên 198 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi giá AAA liên tục giảm và hiện chỉ còn 26.000 đồng, kế hoạch phát hành của công ty này đang bị đình lại.

Ông Phạm Ánh Dương – Chủ tịch Hội đồng Quản trị AAA cho biết, kế hoạch phát hành vẫn được trình Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chờ phê duyệt. Tuy nhiên, ông Dương cũng thừa nhận: “Có nhận được giấy phép thì việc phát hành trong thời điểm này là rất khó thành công”.

Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (mã chứng khoán VNS) công bố ngừng phương án phát hành 7,5 triệu cổ phiếu tăng vốn điều lệ từ 300 tỷ đồng lên 375 tỷ đồng. Trước đó, VNS dự kiến giá phát hành tối thiểu là 31.000 đồng một cổ phiếu nhưng giá đang giao dịch chỉ là 24.000 đồng.

Trong số các tổ chức niêm yết vẫn kiên định với kế hoạch phát hành thêm, Công ty cổ phần Dược Hà Tây (DHT) là một hiện tượng đặc biệt với kế hoạch phát hành thêm 6,677 triệu cổ phiếu mới tương đương với 162% lượng DHT đang lưu hành. Theo dự kiến, giá bán cho cổ đông hiện hữu là 12.000 đồng một cổ phiếu, còn đối tác chiến lược là 15.000 đồng. Mức giá đang giao dịch của DHT là 35.000 đồng. Ông Lê Văn Lớ, Chủ tịch Hội đồng quản trị DHT cho biết vẫn tin tưởng vào khả năng thành công của đợt phát hành. DHT đang chờ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phê duyệt phương án.