Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

"Doanh nghiệp FDI đang xuất khẩu ô nhiễm vào Việt Nam"

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đang có một hiện trạng đáng báo động khi nhiều tỉnh thành thu hút đầu tư nước ngoài bằng mọi giá nhưng yếu tố môi trường lại không hề được tính tới.

Tính tới thời điểm hiện tại, thông qua các Hiệp định kinh tế đã được ký kết, Việt Nam sẽ có quan hệ thương mại tự do với 57 nền kinh tế trên thế giới và trở thành một trong những quốc gia đi tiên phong trong hội nhập và mở rộng thương mại.

Tuy nhiên càng hội nhập sâu, vấn đề về đảm bảo môi trường sinh thái càng trở nên rõ nét hơn. Đặc biệt khi trong thời gian gần đây đã liên tiếp xảy ra những sự cố gây ô nhiễm nghiêm trọng có bắt nguồn từ các DN FDI.
TS. Lê Đăng Doanh: Đã đến lúc cần đặt câu hỏi Việt Nam có nên thu hút FDI bằng mọi giá ?
TS Lê Đăng Doanh: Đã đến lúc cần đặt câu hỏi Việt Nam có nên thu hút FDI bằng mọi giá? (Ảnh: Hà Thanh)
TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng, hiện dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam ngày càng tăng, bên cạnh những lợi thế hiện có như lao động giá rẻ, đã ký kết nhiều hiệp định thương mại còn có một yếu tố quan trọng là được nhiều ưu đãi sử dụng tài nguyên.

Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các DN nước ngoài tiến hành đầu tư chủ yếu đều thuộc những ngành gây ô nhiễm rất lớn. Vậy Việt Nam có nên tiếp tục nhận FDI bằng mọi giá và có cần thiết phải đưa ra nhiều ưu đãi lớn như hiện tại nữa không? Ông Doanh đặt câu hỏi.

Vị chuyên gia này chỉ ra rằng ở Việt Nam đang có một hiện tượng các tỉnh đặt mục tiêu công nghiệp hóa thông qua FDI và lấy tăng trưởng GDP là thước đo thành tích. Nhưng trong đó yếu tố môi trường lại không hề được tính tới.

Chính vì vậy, để thu hút FDI và cạnh tranh với địa phương khác các tỉnh đã đua nhau miễn tiền thuê đất, chi phí nước không tính, chi phí tài nguyên như đất rừng rất thấp... dẫn đến tình trạng rất nhiều DN đầu tư nước ngoài xuất khẩu ô nhiễm vào Việt Nam, họ đưa sang những ngành công nghiệp ô nhiễm lớn như luyện kim, xi măng, nhuộm...

Đơn cử như trường hợp của Thái Nguyên với Samsung. Chỉ hơn một năm sau khi hãng này đầu tư, sản lượng công nghiệp ở Thái Nguyên tăng 100%, đây là con số hết sức ấn tượng nên địa phương này được đánh giá rất cao về thành tựu công nghiệp hóa. Tuy nhiên những tác động khác về môi trường vẫn còn bỏ ngỏ, ông Doanh nêu ví dụ.

Vai trò và đóng góp của DN FDI cho kinh tế Việt Nam là không thể phủ nhận nhưng vẫn còn đó những bài học như Vedan xả thải ra sông Thị Vải, Tung Kuang ở Phú Thọ... khi phát hiện ra thì đã quá muộn, môi trường đã ô nhiễm nặng nề, ông Doanh nói.

Ông Doanh chia sẻ tiếp, hãy nhìn sang Đài Loan, họ không có nhà máy sản xuất xi măng nào và các núi còn y nguyên, Nhật Bản cũng thế, còn Việt Nam thì hầu như đồi núi đều bị cạo trọc và lâu dài là biến mất hẳn do khai thác đá để sản xuất xi măng. Vì vậy, đã tới lúc cần xem xét hai mặt của đầu tư nước ngoài.

Với mức thu nhập bình quân hiện nay đang là 2.100 USD/người, Việt Nam chưa phải nước công nghiệp hóa nhưng mức độ ô nhiễm không khí của Hà Nội đã rất nghiêm trọng. Chính điều này cũng tác động ngược trở lại nền kinh tế. Theo tính toán của Ngân hàng thế giới, do ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường mỗi năm GDP của Việt Nam giảm 2,5%, TS Doanh nhấn mạnh.

Nếu không thay đổi động lực thu hút đầu tư nước ngoài, nguy cơ Việt Nam biến thành thành bãi rác công nghiệp là hoàn toàn có thể xảy ra. Đối với DN FDI, lợi ích trước mắt có thể thấy rõ nhưng thiệt hại lâu dài vẫn chưa tính toán được, đặc biệt là về tác động môi trường, mà điều này chỉ có Nhà nước mới can thiệp và thay đổi được, ông Doanh cảnh báo.