Doanh nghiệp FDI đổ bộ sản xuất thức ăn chăn nuôi: Mừng ít, lo nhiều

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với lợi thế về vốn, công nghệ và giá thành sản xuất, các DN có vốn đầu tư ngước ngoài (FDI) đang nắm trong tay thị phần lớn sản lượng thức ăn chăn nuôi. Dự báo thời gian tới, sự lớn mạnh của các DN FDI sẽ khiến DN Việt tiếp tục thua trên sân nhà.

Doanh nghiệp ngoại chi phối thị phần

Những năm gần đây, làn sóng đầu tư của các DN FDI vào lĩnh vực chăn nuôi ngày càng trở nên mạnh mẽ. Đây đều là những DN lớn, có vị trí quan trọng trên thị trường chăn nuôi Việt Nam khi năm giữ trong tay cả một hệ sinh thái ngành chăn nuôi từ con giống, thức ăn, thuốc thú y, chăn nuôi, chế biến sản phẩm. Điển hình là các tập đoàn C.P, Japfa, De Heus, New Hope, Emivest…

Doanh nghiệp sản xuất thức ăn trong nươc đang bị lép vế so với doanh nghiệp FDI. Ảnh minh họa
Doanh nghiệp sản xuất thức ăn trong nươc đang bị lép vế so với doanh nghiệp FDI. Ảnh minh họa

Đơn cử như Tập đoàn C.P (Thái Lan) đã đầu tư và vận hành 16 nhà máy thức ăn chăn nuôi hiện đại tại Việt Nam. Sản lượng thức ăn chăn nuôi của C.P chiếm 25% tổng sản lượng thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam.

Hay như Tập đoàn De Heus (Hà Lan), sau khi mua toàn bộ mảng thức ăn chăn nuôi của Masan vào năm 2021, đến nay De Heus đã sở hữu tới 22 nhà máy thức ăn chăn nuôi tại những tỉnh thành trọng yếu của cả nước.

Một “ông lớn” khác là Japfa (Indonesia) có tới 7 nhà máy tại Việt Nam, với sản lượng gần 2 triệu tấn thức ăn chăn nuôi/năm.

Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi của tập đoàn Japfa Việt Nam. Ảnh minh họa
Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi của tập đoàn Japfa Việt Nam. Ảnh minh họa

Mặc dù số lượng các DN FDI đầu tư sản xuất thức ăn chăn nuôi so với tổng số DN trong nước chiếm tỷ lệ khiêm tốn, nhưng với quy mô lớn các DN này vẫn chiếm tỷ lệ áp đảo về sản lượng sản phẩm.

Báo cáo đánh giá của Bộ NN&PTNT cho thấy, hiện cả nước có 269 cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp (DN FDI 90 cơ sở, DN trong nước 179 cơ sở), tập trung nhiều nhất ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ. Tổng công suất thiết kế của 269 cơ sở là 43,3 triệu tấn, trong đó DN FDI chiếm khoảng 51%, trong nước chiếm khoảng 49%.

Năm 2022, sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp của cả nước đạt 20 triệu tấn. Trong đó, DN FDI chiếm tới 60%, DN trong nước chỉ chiếm 40% về sản lượng.

Như vậy, dù sở hữu số lượng nhà máy nhiều hơn DN FDI nhưng rõ ràng thị phần của khối DN nội khiêm tốn hơn các DN FDI đầu tư vào Việt Nam thời gian qua đều là các thương hiệu toàn cầu, trong đó một số còn đến từ những quốc gia có nền chăn nuôi phát triển rất cao như Hà Lan, Mỹ hay Hàn Quốc.

Dấu hiệu thị trường bị thao túng

Các chuyên gia kinh tế nhận định, không phủ nhận nhờ làn sóng đầu tư của các DN FDI nên chăn nuôi quy mô trang trại lớn, công nghiệp ngày càng tăng, số lượng cơ sở chăn nuôi nông hộ đang giảm dần, đưa nền chăn nuôi Việt Nam tiếp cận với các nền chăn nuôi tiên tiến trên thế giới.

 

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), tính đến thời điểm hiện tại nguồn vốn đầu tư nước ngoài đổ vào lĩnh vực chăn nuôi tại Việt Nam lên tới 2,2 tỷ USD, chiếm hơn 12% tổng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam năm 2022. Với 81 dự án tập trung vào nhiều lĩnh vực khác nhau như: Thức ăn, chăn nuôi lợn, gà, bò, giết mổ, chế biến và xử lí môi trường…

Bên cạnh đó, sự có mặt của các DN FDI còn góp phần đa dạng hóa sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm chế biến sâu, tăng xuất khẩu, nâng cao giá trị sản phẩm, qua đó tăng nguồn thu cho các DN và ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, sự lớn mạnh của các “ông lớn” cũng đang tạo ra không ít hệ lụy cho thị trường thức ăn chăn nuôi Việt Nam.

Phân tích về vấn đế này, GS.TS. Nguyễn Duy Hoan – Giảng viên Cao cấp Đại học Nông lâm Thái Nguyên cho rằng, trong thời gian qua do sản xuất lạc hậu, quy mô nhỏ, sức cạnh tranh yếu nên nhiều DN, trang trại chăn nuôi trong nước đã phải giải thể, thậm chí phá sản.

Mặt khác công tác quản lý, điều tiết của Nhà nước đối với DN FDI cũng khó khăn hơn so với DN trong nước. Điển hình là việc điều chỉnh giảm giá thịt lợn của Chính phủ đối với DN nước ngoài năm 2020 ít có hiệu quả hơn so với các DN trong nước.

Ngoài ra, công tác quản lý về tài chính cũng gặp khó do DN FDI có tính độc lập tương đối; đã có một số tiêu cực trong vấn đề này như hiện tượng chuyển giá, báo lỗ để không nộp thuế, hiện tượng bỏ trốn khi kinh doanh thua lỗ…

Còn theo nhận định của TS Nguyễn Văn Giáp - Nhà nghiên cứu cấp cao về chính sách nông nghiệp: Các công ty thức ăn chăn nuôi FDI chiếm thị phần lớn, tỷ lệ tập trung thị trường tăng trong những năm gần đây.

Không khó để nhận thấy, có hiện tượng liên kết định giá lỏng lẻo khi các công ty nhỏ định giá theo các công ty lớn; có hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh khi sử dụng hệ thống phân phối đại lý độc quyền và chiết khấu lớn. Từ đó các công ty thức ăn chăn nuôi định giá bán thức ăn chăn nuôi cao hơn mức giá cạnh tranh gây thiệt hại cho người chăn nuôi.

Do đó, TS Nguyễn Văn Giáp khuyến nghị, Nhà nước cần có chính sách kiểm soát độc quyền và nâng cao tính cạnh tranh lành mạnh trong thị trường thức ăn chăn nuôi. Đặc biệt, cần có biện pháp phá vỡ thế độc quyền và khả năng kiểm soát thị trường của một số công ty thức ăn chăn nuôi.

Trước mắt, phải có những công cụ kiểm soát chặt chẽ hơn về giá thành sản xuất thức ăn chăn nuôi để đảm bảo lợi ích được phân phối cho đúng đối tượng mà chính sách hướng đến.