Doanh nghiệp FDI: "Tiêm vaccine đạt đến miễn dịch cộng đồng thì mới có thể trở lại sản xuất bình thường"

Huy Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 20/8, UBND TP Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị gặp gỡ giữa Lãnh đạo TP với đại diện các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn. Tại hội nghị, nhiều DN và hiệp hội DN đã đề nghị TP triển khai tiêm mũi 2 vaccine ngừa Covid-19 sớm để đạt đến miễn dịch cộng đồng.

Khẩn trương triển khai tiêm vaccine cho người lao động

Hội nghị có sự tham gia của Hiệp hội DN Hoa Kỳ, Hiệp hội DN Nhật Bản, Hiệp hội DN thương mại và công nghiệp Hàn Quốc, Hiệp hội DN Đức, Hiệp hội DN Hà Lan, Hiệp hội DN Singapore... và một số DN lớn trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Đại diện các hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài dự hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Võ Văn Hoan – Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, TP đã nhận được hơn 20 kiến nghị của các hiệp hội DN và DN, TP đã chỉ đạo tháo gỡ xử lý một số vấn đề trong thẩm quyền.

Tại hội nghị, đại diện tập đoàn Intel Products cho biết, hiện nay nhà máy của Intel Products có hơn 1.800 công nhân đang làm việc tại Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh và khoảng 1.000 lao động bên ngoài. Hiện tại, Intel Products đóng góp 30% vào kim ngạch xuất khẩu của toàn TP, đóng vai trò quan trọng chuỗi cung ứng toàn cầu....

Cũng theo đại diện Intel Products, việc áp dụng quy định sản xuất theo chủ trương “1 cung đường 2 địa điểm” đã làm phát sinh chi phí 180 tỷ đồng/tháng (15/7-15/8). Đồng thời, việc tổ chức sản xuất đáp ứng các tiêu chí phòng chống dịch của TP cũng làm ảnh hưởng đến kế hoạch sản của DN trong dài hạn.

“Rất mong TP triển khai tiêm mũi 2 vaccine ngừa Covid-19 sớm để đạt đến miễn dịch cộng đồng. Chỉ khi nào tiêm vaccine đạt đến miễn dịch cộng đồng thì mới có thể trở lại sản xuất bình thường. Nếu cuối quý 3, TP hoàn thành việc tiêm vaccine thì vẫn còn quý 4 để tăng cường sản xuất bù lại cho cả năm 2021” - đại diện Intel Products nêu kiến nghị.

Ngoài ra, đại diện Intel Products cũng xin được thí điểm sản xuất theo hướng cho phép công nhân đã được tiêm vaccine, đang ở vùng xanh không có dịch, công nhân tuân thủ 5K được đến nhà máy. Ban đầu bằng xe đưa rước của DN, sau đó khi công nhân đã quen thì tự đi bằng phương tiện cá nhân, không phải áp dụng chủ trương “1 cung đường 2 địa điểm” như hiện nay.

Đại diện doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đề nghị TP ưu tiên tiêm vaccine cho công nhân.

Đại diện nhiều DN đề nghị TP khẩn trương triển khai tiêm vaccine cho người lao động, đây là vấn đề quan trọng hàng đầu. Nhà nước xem xét áp dụng hộ chiếu vaccine cho người lao động, những người đã tiêm đủ 2 liều vaccine cần phải được cho đi làm bình thường như trước đây.

Hiện nay không có sự phân biệt giữa người đã chích một mũi với người đã tiêm đầy đủ và người chưa tiêm vaccine. Hiện tại DN đã có 200 người được tiêm đầy đủ 2 liều vaccine nhưng vẫn phải thực hiện chủ trương “1 cung đường 2 địa điểm”.

Đại diện DN cũng đề nghị TP nên xem xét các mô hình chống dịch khác. Chẳng hạn nhà máy của DN ở Malaysia, khi dịch bùng phát cho xe đưa đón công nhân, khống chế lây nhiễm, không phải thực hiện 3 tại chỗ như ở Việt Nam nên vẫn giữ được sản xuất.

Đại diện DN cũng đề nghị giảm thiểu thủ tục hành chính vì nhập khẩu 500.000 khẩu trang để trang bị cho công nhân nhưng hàng tháng làm chưa xong, phải qua kiểm soát của nhiều ban ngành. Phương án sản xuất mới phải nộp qua nhiều cơ quan, nhiều đơn vị kiểm tra, kéo dài 2-3 tuần gây khó khăn cho DN.

Thiếu hụt lao động cũng là một nỗi lo lớn của nhiều doanh nghiệp. Cụ thể, theo đại diện của một DN đầu tư nước ngoài cho biết, trước tháng 7/2021 có gần 800 công nhân nhưng hiện nay chỉ còn 440 người, doanh số trước đây là 18,5 triệu, hiện nay còn 11 triệu USD...Hiện tại DN đang phải chịu cảnh giảm thu nhập 60% so với trước đây, nhân lực giảm 70%.

Thành phố luôn chia sẻ, hỗ trợ DN

Tại hội nghị, ông Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch UBND TP cho biết, đến nay TP đã tiến tới ngày 42 giãn cách theo Chỉ thị 16. Để đi đến quyết định giãn cách là một quyết định thật sự khó khăn do chủng Delta quá mạnh. Giãn cách xã hội nghiêm, điều này đóng vai trò quan trọng và quyết định với công tác phòng chống dịch trên địa bàn.

Theo ông Phong, sản xuất theo tiêu chí  “3 tại chỗ” là đúng, phù hợp với DN có quy mô vừa và nhỏ, còn DN lớn có thể áp dụng “1 cung đường, 2 địa điểm”. Ngoài ra, các DN có thể linh hoạt kết hợp nhiều phương thức sản xuất miễn sao bảo vệ người lao động. "Bảo vệ người lao động chính là bảo vệ các hợp đồng kinh tế đã ký kết, bảo vệ doanh thu” - ông Phong nói.

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cũng thông tin đến cộng đồng DN về tiến độ tiêm vaccine. Theo đó, đến nay TP đã tiêm vaccine 286.000 lao động và 3.000 chuyên gia tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, đã tiêm mũi 1 cho 85% cho công nhân.

"TP đang có kế hoạch tiêm mũi 2 cho công nhân và tiêm mũi 1 cho 15% số công nhân còn lại. Tốc độ tiêm vaccine trên địa bàn có thể lên tới 300.000 mũi mỗi ngày. Đối với việc tiêm vaccine cho lao động của DN bên ngoài các khu chế xuất, khu công nghiệp, mục tiêu của TP trong quý 3/2021 tiêm đủ cho 70% số người trên 18 tuổi" - ông Phong cho biết.

Đối với các kiến nghị liên quan đến thuế và các vấn đề không thuộc thẩm quyền, TP sẽ trình lên Chính phủ xem xét giải quyết.

Ông Nguyễn Thành Phong cũng bày tỏ hy vọng các DN đầu tư nước ngoài tiếp tục kiên trì, tin tưởng và đồng hành, ủng hộ công tác chống dịch của TP. "TP Hồ Chí Minh luôn chia sẻ, hỗ trợ DN, mong muốn chung tay góp sức của DN để vượt qua thời điểm khó khăn này" - Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh nói.